• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Khánh Hòa: Trăn trở cùng những kiến nghị

Tại buổi làm việc giữa PV Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam với Ban Thường vụ Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Khánh Hòa mới đây; ông Trần Văn Hoan, Chủ tịch Hội và ông Cao Văn My, PCT Hội cho biết, có những vấn đề ai cũng thấu hiểu, bàn kĩ trong các kì Đại đội, rồi đưa vào Nghị quyết những kiến nghị, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

 

 

 

Ông Trần Văn Hoan- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Khánh Hòa

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Cao Văn My, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Khánh Hòa, cho biết, Tỉnh hội Khánh Hòa thành lập năm 2004, đến năm 2005 thì tiến hành đại hội. Ban đầu có 2.300 NNCĐDC, nhưng nay còn 1.700 người, trong đó có 231 người là nạn nhân gián tiếp. Sở dĩ số lượng giảm là do nhiều người chuyển đi hoặc đã mất. Các đối tượng nhiễm chất độc hóa học đều là hộ nghèo, người nghèo; có nhà 6 người, gồm 2 vợ chồng và 4 con đều là nạn nhân chất độc da cam. Tuy số này được hưởng chế độ Nhà nước cấp hàng tháng, nhưng số tiền ít ỏi đó không thể đủ ăn bình thường trong sinh hoạt hàng ngày chứ chưa nói đến việc đáp ứng tối thiểu chữa bệnh cho họ vì đại đa số họ bị bệnh hiểm nghèo, nhiều người mất khả năng lao động, thiểu năng trí tuệ, dị tật..., nếu chấm điểm thu nhập, thì họ không phải người nghèo. Nhưng thực sự trong họ, bệnh tật đầy người, ốm đau thường xuyên và không có khả năng lao động kiếm sống.

Năm 2008 Hội tiến hành thống kê lại số nghi nhiễm chất độc da cam trên địa bàn là hơn 10.000 người, đa số là dân thường. Nhưng từ đó đến nay không có cuộc thống kê nào nữa. Cuộc sống của những người ấy vô cùng khó khăn, chúng tôi đã đề xuất các cấp, ngành liên quan cần ban hành kế hoạch, phương án hỗ trợ họ.

“Năm 2009, Bộ TNMT có Ban chỉ đạo 33, nay là BCĐ quốc gia 701, cử chuyên viên phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Khánh Hòa điều tra khảo sát tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Ranh và thành phố Nha Trang, lấy mẫu xét nghiệm, tất cả các mẫu đều có nồng độ dioxin vượt ngưỡng. Điển hình những mẫu đất trầm tích ao hồ ô nhiễm rất nặng. Cụ thể, mẫu đất phường Phước Long nằm Tây Nam sân bay Nha Trang cũ là nơi mà quân đội Mỹ sau khi rải chất độc về thì súc rửa phương tiện nên ô nhiễm rất nặng. Năm đó, chúng tôi phân vân việc người dân sử dụng nước ngầm thì nguy cơ rất cao, nhưng nay đa số họ dùng nước máy nên yên tâm hơn. Còn các mẫu đất lấy trên các sườn núi thì ít ô nhiễm do rửa trôi”. Ông My phân tích.

Ông Cao Văn My, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Khánh Hòa

Thời chiến tranh, “Cam Ranh có kho chứa chất độc hóa học, sau họ mới chở về sân bay Nha Trang để đem đi phun. Thời nhỏ, quê tôi Diên Khánh, tôi thường xuyên nhìn thấy những mảng sương trắng do máy bay phun, nhưng không biết đó là chất độc hóa học”. Mỹ rải chất độc hóa học các tỉnh Ninh Thuận, Đắc Lắc, Phú Yên đều xuất phát từ sân bay Nha Trang. Trên cơ sở đó trong 8 năm liên tục, chúng tôi đều đi đến các huyện nói trên tuyên truyền để người dân phòng tránh nhiễm chất độc hóa học”. Ông Cao Văn My giải thích.

Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Khánh Hòa thống nhất cho rằng: Cần xem xét chế độ cho những người hoạt động kháng chiến mặc dù họ chưa đủ thủ tục, không nằm trong nhóm bệnh do Bộ Y tế công nhận là nạn nhân chất độc da cam, có thể những người này còn thiếu một số giấy tờ nhưng thực tế thì họ cần được xem xét hỗ trợ một cách cấp thiết nhất. Bởi chủ yếu họ đã 70, 80 tuổi cả rồi, bản thân họ cũng đã có hàng chục năm hoạt động kháng chiến; đã cống hiến cả đời cho cách mạng. Và nay đa số họ bị bệnh hiểm nghèo; Theo đó con cháu của đối tượng này lại càng cám cảnh hơn với chủ yếu thiểu năng trí tuệ, tàn tật, không có khả năng lao động, đó là chưa kể thế hệ thứ 3 đã nhiễm nhưng chưa được công nhận là NNCĐDC.

Ban Thường vụ Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, từ 2012 các ngành chức năng đều có kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, giao cho một số tổ chức thực hiện, nhưng đến nay không biết tình hình thế nào, không có đơn vị nào làm cụ thể. Có năm giao Sở TNMT, có năm giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, vậy đề nghị giao Sở LĐ TB XH và Sở TNMT điều tra lại.

“Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa còn 332 người thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3 bị bệnh tật, dị dạng khuyết tật và 143 người tham gia kháng chiến còn thiếu thủ tục giấy tờ chứng minh bệnh tật, chưa được công nhận chế độ. Chúng tôi đã kiến nghị, đưa vào Nghị quyết cả 4 Nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.” Ông Cao Văn My nhấn mạnh thêm.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Điền, trú Phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, NNCĐDC/dioxin dơ cánh tay lở loét do chất độc luôn hoành hành ông.

Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác