• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ký ức tháng tư

Tháng bảy năm 2025 này, ông tròn 78 tuổi, cái tuổi xế chiều của một đời người, nhưng với ông thì đầu óc vẫn rất minh mẫn, phong thái thì vẫn như ngày còn quân ngũ. Đó là Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh, người vừa được Ủy ban MTTQ thành phố đưa vào danh sách xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố (1975 - 2025).

Quê ông ở bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 40 cây số hướng đông nam - xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trước kia nghèo lắm. Bây giờ thì khác rồi, cuộc sống người dân sung túc nhờ trồng đào, trồng quất. Cũng chính từ dải đất phù sa màu mỡ ấy, 60 năm trước dù không thuộc diện nhập ngũ do gia đình liệt sĩ nhưng ông vẫn xung phong tình nguyện lên đường. Dặm dài theo chân người lính, từ đó (9/1966) ông có mặt khắp các chiến trường từ Tây Nguyên, Nam Trung bộ sang miền Đông đất đỏ đến Củ Chi, Hóc Môn Sài Gòn - Gia Định xuống đến tận Kiến Phong, Kiến Tường, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An Khu 8... “Tướng trận mạc” - danh xưng ấy gắn liền với hơn chục vết thương và hàng trăm trận đánh lớn nhỏ cùng với không ít những chiến tích, là những phần thưởng dành cho ông trong chiến trận.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tham gia Chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tham gia Chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024.

Hơn 40 năm quân ngũ, ông mang theo biết bao những kỷ niệm vui buồn của người lính. Nhưng rồi như ông bảo: Trong muôn vàn những kỷ niệm ấy, thì ký ức về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh khi mà ông và đơn vị đang hành tiến ở hướng Tây Nam về  Sài Gòn 50 năm trước trong mùa Xuân đại thắng năm 1975 - mãi mãi vẫn là kỷ niệm sâu sắc và ấn tượng nhất!
Ngược dòng thời gian, lần hồi trong tâm thức, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ kể:    
Đầu tháng Tư năm 1975, chúng tôi đang ở Quân khu 8 thì được lệnh trên chuyển hướng địa bàn hoạt động để nhận nhiệm vụ mới. Đó là tiến về phối hợp với các đơn vị khác giải phóng Sài Gòn. Tuy lúc đầu có bất ngờ nhưng rồi ai nấy trong đơn vị đều phấn chấn hẳn lên, bởi lúc này diễn biến trên chiến trường rất sôi động trong khí thế “một ngày bằng 20 năm” dồn dập tin thắng trận ùa về.
Với cương vị là Tham mưu phó kiêm Trưởng ban tác chiến, tôi được giao làm trưởng đoàn nghiên cứu trinh sát của đơn vị có nhiệm vụ là bằng mọi cách phải tìm cho được đường hướng thuận lợi nhất để đưa đơn vị tiếp cận Sài Gòn.
Địa bàn dừng chân cuối cùng để vào nội đô của chúng tôi là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và huyện Bình Chánh, phía tây nam ngoại thành.
Với nhiệm vụ chính là tìm đường, nên để giữ bí mật và bảo tồn lực lượng, chúng tôi không dừng lại đánh địch trên đường đi mà chỉ nổ súng khi tình thế bất khả kháng.
  Trước ngày dẫn đoàn đi điều nghiên địa hình, tôi gặp được anh Huỳnh Công Thân, lúc đó là Phó Tư lệnh Quân khu 8. Biết tôi còn phân vân chưa rõ về lý do tại sao Trung đoàn 88 của chúng tôi đang hoạt động trong đội hình của Quân khu lại đột ngột chuyển hướng nhiệm vụ, dù rằng ai nấy đều đang háo hức với nhiệm vụ mới. Hiểu ý tôi, anh chỉ nói vắn tắt: Đây là mệnh lệnh! Đơn vị của cậu rời đi tụi mình tiếc lắm, nhưng theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh miền là Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 năm xưa đánh chiếm đồi A1 mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Còn hiện nay, Trung đoàn 88 cũng sẽ là đơn vị có mặt trong trận chiến cuối cùng này. Đây là vinh dự đặc biệt không phải đơn vị nào cũng có được! Báo với mọi người cùng biết và chuẩn bị. Nghe anh nói vậy, tôi như mở cờ trong bụng trong lòng nao nức mong chờ từng giờ để lên đường.
Trung tuần tháng Tư, Đoàn nghiên cứu rời tỉnh Gò Công vào đến huyện Cần Đước và huyện Cần Giuộc. Đoàn chúng tôi đi đến đâu cũng được chính quyền mới của ta, nhất là các tổ, đội du kích ở các ấp, các xã đón tiếp chu đáo và họ còn thông tin cho biết về đường hướng thuận lợi cũng như những nơi địch hiện vẫn đang chốt giữ.
Đường về Sài Gòn không thiếu gian nan trở ngại, phải qua sông Vàm Cỏ Đông. Ngặt một nỗi là trên đoạn sông này là thường có giang thuyền của địch tuần tra, hơn thế nữa cũng khá gần với địa điểm mà anh em du kích ở địa phương cũng như đơn vị đã thống nhất chọn điểm tập kết để sang sông. 
Đây là bài toán khó cho mọi người nhất là cho tôi với vai trò là trưởng đoàn. Đó là làm thế nào có thể đưa bộ đội qua sông an toàn mà không phải tác chiến với địch. Vì nếu xảy ra đánh nhau thì điều bất lợi lớn sẽ thuộc về đơn vị chúng tôi, thương vong với anh em chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Nhưng rồi! Thật bất ngờ bỗng có một người dáng nhanh nhẹn bước tới và tự giới thiệu là Hai Thuần, người địa phương, là Bí thư Huyện ủy Cần Đước. Như hiểu được băn khoăn của mọi người, anh chậm rãi bảo: Mới đây, theo chỉ đạo của trên, chúng tôi đã huy động bà con cô bác ở các xóm ấp nhanh chóng chuẩn bị phương tiện và các thứ cho bộ đội sang sông nay, đã xong cả rồi, bây giờ chỉ đợi đơn vị thông báo ngày giờ là sẽ có mặt! Thật tình tôi mừng đến rơi nước mắt vì xúc động trước sự  quan tâm chu đáo của lãnh đạo và bà con cô bác địa phương. Không chần chừ, Anh Hai Thuần quyết luôn: Đúng mười giờ bộ đội qua sông! 
Lúc này con nước đang ròng nên tôi hơi chột dạ, nhưng liền sau đó không lâu đã thấy có khoảng chục người với năm chiếc ghe cỡ lớn cặp tới. Theo các chủ ghe thì mỗi ghe chở được khoảng trên dưới 60 người với luôn cả trang bị. Thời gian qua sông theo dự kiến nhanh thì chỉ năm, sáu phút là xong. Tuy chưa phải đã hết băn khoăn lo lắng nhưng tôi vô cùng vui mừng tựa như người sắp chết đuối vớ được cọc. 
Để kịp thời gian, tôi và các anh trong đoàn nghiên cứu tức tốc đến bờ sông rất sớm  cùng với anh em địa phương lo công tác chuẩn bị để tổ chức cho bộ đội qua sông. Tiểu đoàn 1 sang bờ trước. Và cũng thật bất ngờ khi anh em vừa mới lên ghe xong thì bỗng xuất hiện 13 chiếc giang thuyền của địch đậu cách điểm đơn vị sang sông hơn cây số. Tôi hoảng cả người. Vì theo kế hoạch thì các ghe chở bộ đội vẫn đang tiếp tục trên đường tới. Nhưng rồi, một lần nữa anh Hai Thuần lại xuất hiện. Anh vỗ nhẹ vào vai tôi bảo: Không sao đâu, em cứ yên tâm! Nhìn kìa… Từ xa qua ống nhòm, tôi thấy hàng đoàn học sinh có đến cả trăm cháu đang đua nhau leo lên các giang thuyền đùa giỡn với binh lính địch. Anh Hai Thuần nói: Đây là đội quân tí hon do Ban dân vận của huyện tổ chức mấy ngày nay đó. Thế nào, được chưa? Lát nữa sẽ biết. Tôi từ hụt hẫng lo âu giờ thì lòng dạ trở nên vui mừng chỉ khẽ gật gật đầu mà không sao nói được thành lời. 
Thế rồi các ghe chở bộ đội ta cũng lần lượt ập đến, mọi người ai nấy hối hả di chuyển lên ghe. Hết Tiểu đoàn 1 đến các tiểu đoàn khác lần lượt qua đến bên kia bờ. Địch trên giang thuyền thấy bộ đội ta đang vượt sông nhưng chúng không thể cơ động được nên cứ phải đứng nguyên tại chỗ. Trong kế hoạch công tác đảm bảo khi qua sông, tôi cũng cũng đã bố trí 4 khẩu ĐKZ và 4 khẩu 12,8 ly để sẵn sàng khi có tình huống. Thực ra thì binh lính trên giang thuyền có ra ngăn cản nhưng chúng cũng không làm gì hơn được bởi trên giang thuyền quá động các cháu nhỏ, mặt khác có lẽ họ cũng đã biết được thời thế lúc này nên đành bất lực. Thế là cuộc vượt sông của đơn vị diễn ra an toàn. Ai nấy đều mừng và cảm phục các anh lãnh đạo địa phương với những nước cờ quá cao tay trong tình thế bí bách thế này. 
Tiếp đó, một trở ngại lớn nữa xảy ra với chúng tôi trên đường tiến quân về Sài Gòn. Đó là sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong trận chiến đánh Chi khu Tân Trụ. Đây là chốt bảo vệ từ xa vòng ngoài cho Sài Gòn nên địch xây dựng rất kiên cố với hơn chục lóp rào thép bao bọc. Vì có thêm tàn quân ở các đồn bốt xung quanh chạy về cố thủ nên quân số  địch ở Chi khu Tân Trụ lúc này lên đến gần ngàn tên. Tôi báo lại tình hình cho các anh trong chỉ huy trung đoàn biết để thống nhất tìm cách cùng xử trí. Sau đó ta tổ chức cho Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 1 bao vây tấn công. Địch dựa vào thế đông, hầm hào vững chắc nên chống trả hết sức quyết liệt, bắn như vãi đạn vào đội hình ta đang trong thế công kiên nên gây cho ta tổn thất khá lớn. Cuối cùng thì Chi khu Tân Trụ cũng bị xóa sổ, nhưng các anh Lê Hữu Quỳnh, Chính trị viên; Phan Anh Đào, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2; Nguyễn Thọ Vực, sĩ quan tham mưu Trung đoàn cùng một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bị thương trong trận này.  
Đêm 25/4/1975, Trung đoàn 88 dừng chân ở giáp ranh giữa huyện Tân An, Cần Giuộc và quận 8.  
Sáng 26/4/1975, Trung đoàn nhận lệnh đánh địch ở cầu chữ Y, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy.
Đến trưa 30/4/1975, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn tôi đã đến cầu chữ Y và phát triển sang đánh chiếm khu Tân Quy, Nhà Bè nơi đây có Trung tâm huấn luyện hạ sỹ quan của Biệt khu thủ đô Ngụy. Tiểu đoàn 2 đến Tổng Nha cảnh sát thì gặp một bộ phận biệt động đang chiếm giữ. Sau đó đơn vị đánh chiếm kho K18. Đây là Tổng kho quân vụ của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Theo đó, một bộ phận chốt giữ bảo vệ Cư xá Ngân hàng Tân Thuận Đông. Tiểu đoàn 3 và Ban Chỉ huy Trung đoàn cơ động đến Bộ Tư lệnh Hải quân ở bến Bạch Đằng. Tại đây gặp Tiểu đoàn xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 1 cũng đang chốt giữ. Tiểu đoàn 3 tiếp tục triển khai sang hướng Phú Xuân chiếm giữ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè…
Nửa thế kỷ trôi qua, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Những người lính chúng tôi ngày ấy giờ đây kẻ còn, người mất tứ tán khắp nơi. Cuộc sống riêng mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng rồi, như một mệnh lệnh không lời, hằng năm cứ mỗi khi tháng Tư về là chúng tôi lại tin báo cho nhau cũng như anh em có dịp gặp lại nhau trong những lần họp mặt. Những khi ấy, có cơ man là chuyện, chuyện trong chiến tranh cái thời cầm súng, chuyện đời thường của mỗi người sau quân ngũ. Chuyện thì nhiều, kể thì dài nhưng với tôi, chuyện về những ngày tháng Tư của mùa xuân Ất Mão năm 1975 cứ như mới đây vậy./.

Hữu Mạo (ghi theo lời kể của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    EVN thực hiện tốt công tác chuyển đổi số

    EVN thực hiện tốt công tác chuyển đổi số

    Theo thông tin của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vào đầu tháng 2/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đạt kết quả tốt nhất về chuyển đổi số doanh ...
    Ký ức tháng tư

    Ký ức tháng tư

    Tháng bảy năm 2025 này, ông tròn 78 tuổi, cái tuổi xế chiều của một đời người, nhưng với ông thì đầu óc vẫn rất minh mẫn, phong thái thì vẫn như ngày còn quân ngũ. Đó là Thiếu tướng Trần Ngọc ...