• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Mái ấm sáng ngời tình đồng đội

Mái ấm sáng ngời tình đồng đội

Hội NNCĐ da cam/dioxin xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội)

Mái ấm sáng ngời tình đồng đội

Mặc dù không có kinh phí hoạt động, cán bộ chuyên trách không có thù lao, nhưng Hội NNCĐ da cam/dioxin xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Hội đã trở thành mái ấm, sáng ngời tình đồng đội của hội viên – những NNCĐ da cam/dioxin.

Những ngày cuối tháng 6, nắng như đổ lửa, đường làng ngõ xóm vắng bóng người, ông Phùng Khắc Nga, Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin xã Yên Bình vẫn lọc cọc với chiếc xe máy cũ đưa tôi vào xóm Vao thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thân, vợ nạn nhân chất độc da cam Đặng Văn Hiền.

Ông Nga cho biết: Gia đình bà Thân có hoàn cảnh rất đặc biệt và khó khăn nhất của xã. Ông Hiền đi bộ đội năm 1965, gần 6 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum. Cuối năm 1970, do sức khỏe yếu, ông Hiền được phục viên. Ông Hiền sinh được 7 người con, trong đó 3 con gái sinh trước khi nhập ngũ nên lành lặn, khỏe mạnh, nay đều có gia đình; còn 4 người con (2 nam, 2 nữ), sinh sau ngày ông Hiền ở chiến trường về đều bị dị tật nặng.

Chúng tôi đến nhà bà Thân lúc mặt trời đã gần đứng bóng, ông Nga vừa bước vào sân, tiếng reo mừng líu lô, ngọng rứu từ trong nhà vọng ra: Âng..âng.. âng A... (ông Nga), cả 4 người con bà Thân lật đật nắm tay nhau bước ra sân đón khách. Bà Thân nghe tiếng các con gọi tên ông Nga, bà gượng ngồi dậy trên dường, tay run lẩy bẩy. Bốn người con của bà Hiền, người nhiều tuổi nhất là Đặng Văn Đệ, 47 tuổi, người ít nhất là Đặng Thị Hoa, nay đã 37 tuổi, cả 4 người sàn sàn như nhau, chỉ cao 1,0m – 1,2m, nặng chưa đến 30kg, tất cả đều bị bệnh thần kinh, mất trí nhớ, không làm chủ được bản thân.

Con rể cả bà Thân cho biết: Ngày ông Hiền lâm bệnh, ông Nga, ông Sót, ông Vượng và các ông trong Hội thường xuyên đến thăm, động viên ông Hiền, nhìn các ông vắt cam pha nước, bón từng thìa cho ông Hiền mà không cầm được nước mắt. Các cụ kể chuyện chiến trường, ăn cơm vắt “chan” nước mưa, tìm lá chua trên rừng nhai cho qua cơn khát, rồi chuyện người này, người kia hy sinh chôn ở gốc cây, khe suối cạn... Đúng là một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ, ông Hiền rất vui. Tình cảm của người lính là thế, mộc mạc, mà sâu đậm nghĩa tình. Rồi khi ông Hiền mất, Hội NNCĐDCcùng Hội CCB xã đứng ra cùng gia đình lo toan chu đáo; họ hàng, bạn bè xa gần đến thăm viếng đều khen, cảm phục nghĩa tình đồng đội của những người hội viên NNCĐ da cam.

Trường hợp hội viên Nguyễn Văn Châu, xóm Cò cũng có hoàn cảnh khó khăn, ông Châu mới được công nhận là NNCĐ da cam/dioxin năm 2018 thì đầu năm 2019 ông Châu phát bệnh, chết, mặc dù không có quỹ nhưng các hội viên đã tự nguyện cùng nhau quyên góp tiền thăm hỏi lúc ốm đau và làm vòng hoa phúng viếng khi ông Châu mất.

Các trường hợp hội viên, thân nhân hội viên ốm đau hoặc chết, Hội đều tổ chức thăm hỏi chu đáo, coi đó là trách nhiệm, nghĩa tình của người chiến sỹ với đồng đội. Ông Nga cho biết, năm 2018, Hội đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị quân đội trên địa bàn hỗ trợ 60 triệu đồng cho một hội viên xóm Cò làm nhà.

Không chỉ chăm lo cho hội viên về đời sống tinh thần, trong những năm qua Hội còn tổ chức cho hội viên tham quan, học tập những mô hình kinh tế như trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao ngay trên địa bàn xã và các xã lân cận để truyền đạt cho con cháu làm theo. Ông Nga cho biết: Phần lớn hội viên đều đã ở tuổi trên dưới 70, sức khỏe yếu, bệnh tật không còn làm được những việc nặng nhọc, nhưng họ là người có kinh nghiệm, có uy tín với con cái nên mọi định hướng đều được con cháu nghe, làm theo. Những hội viên có điều kiện còn tương trợ giúp đỡ hội viên khó khăn về cây giống như bưởi, cam, phân bón... Nay, tất cả các hội viên đều có kinh tế ổn định, một số hộ có kinh tế khá. Và, hàng năm 100% gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hội viên Hội CCB tiêu biểu.

Các hội viên tham quan vườn cây ăn quả của gia đình Chủ tich Hội Phùng Khắc Nga.

Nói về kinh nghiệm hoạt động của Hội cơ sở, ông Phùng Khắc Nga cho biết: động lực để Hội hoạt động hiệu quả là phát huy tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu đồng đội của mỗi hội viên, đúng với lời thề danh dự của quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam (lời thề thứ 7). Nguồn lực để hoạt động, chúng tôi “lấy” từ hội viên. Hội viên có thể dành chính đồng tiền thù lao NNCĐ da cam hàng tháng của mình để giúp đỡ hội viên khác khi gặp khó khăn. Điều rất mừng là con cháu của hội viên luôn ủng hộ, động viên bố tham gia hoạt động Hội cả về vật chất và tinh thần. Có thể nói, hội viên Hội NNCĐ da cam/dioxin xã Yên Bình còn nghèo về vật chất, nhưng rất giàu về nghĩa tình đồng đội, đây là yếu tố quyết định để Hội duy trì, phát triển, để tổ chức Hội thực sự là mái ấm sáng ngời tình đồng đội của hội viên – những NNCĐ da cam/dioxin.

Nguyễn Hồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...