Giản dị, gần gũi, cởi mở, thân thiện và có tấm lòng nhân ái đó là những nét phác họa về ông Trần Bảo Vinh, 74 tuổi là nạn nhân chất độc da cam, ở khu phố Yên Sơn, thị trấn Hàng Trạm huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Năm 1970 thi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên, tháng 10/1971, tình nguyện nhập ngũ, biên chế vào Đoàn 559, năm 1975 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 11/1975 xuất ngũ, ông tiếp tục trở lại trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên để học tập, khi tốt nghiệp do kết quả học tập xuất sắc ông được giữ lại làm giảng viên. Năm 1978 ông chuyển về làm kỹ sư của Xí nghiệp Thuốc lá huyện Yên Thủy, tháng 9/1999 ông được tiếp nhận vào giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Yên Thủy A; năm 2011 ông được nghỉ hưu.
Ông tâm sự: tôi từng trải qua nhiều vị trí công tác, đến tuổi nghỉ hưu, những tưởng được thanh thản, vui sống tuổi già bên gia đình, nào ngờ lại bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở mức độ 3, ông rất buồn, dẫn đến có những suy tư, mặc cảm, nhưng chả lẽ cứ ngồi để than thân trách phận. Bằng bản lĩnh của người đã từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đã thúc đẩy ông cần phải làm việc gì đó có ích, vừa là niềm vui, lại có thu nhập, giúp gia đình cải thiện cuộc sống.
Ông đi khảo sát ở các bản làng, khu phố, nhìn những cánh rừng, triền núi thấy màu sắc của muôn loài cây xanh, quanh năm, nhiều loại cây tỏa hương thơm, ông đã tìm ra giải pháp, ông tự nói với mình: “Đúng rồi, nuôi ong mật”, thế là năm 2013, ông chính thức bước vào nghề nuôi ong lấy mật, hy vọng có thu nhập tốt.
Ông tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ong, đầu tư vào san lấp cải tạo vườn, trồng các loại cây xanh, cây ăn quả để tạo tính đa dạng cho môi trường sinh thái, các tổ ong được đặt thành hàng lối, thuận tiện cho khâu chăm sóc. Ban đầu ông chỉ dám mua 15 đàn, sau một thời gian đã có thu hoạch tốt, ông mạnh dạn đầu tư; đến năm 2024 ông đã có 100 đàn ong. Kết quả thu được là: sau khi đã trừ chi phí sản xuất, hao hụt thu được 1.000 lít mật, xuất bán với giá 180.000 đồng/lít. Ngoài nuôi ong mật, ông còn tự nhân giống xuất bán được 20 tổ ong thu về 20 triệu đồng; hằng năm thu được khoảng 200 triệu đồng.
Ông Trần Bảo Vinh (người đứng giữa) trao đổi về cách nuôi ong mật; ông Tạ Quang Biên (thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch Tỉnh hội cùng lãnh đạo Huyện hội và Hội thị trấn Hàng Trạm
Nhờ nuôi ong, cùng những nguồn thu nhập khác, ông đã xây được ngôi nhà 2 tầng vững trãi có đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt. Ông vốn là giáo viên dạy giỏi, vào dịp nghỉ hè, ông còn mở lớp dạy thêm môn hóa học, do phòng học hạn chế, nên số học sinh đến đăng ký ông chỉ nhận dạy trên 10 em, có những em cách xa 10 cây số cũng tìm đến thày Vinh để học. Dạy thêm cho đỡ nhớ nghề, chủ yếu tạo điều kiện, giúp các em củng cố thêm kiến thức là chính, kinh phí đóng góp, thực chất chỉ là mức bồi dưỡng, miễn sao các em thực hiện ước mơ trong tương lai là chủ yếu, ông chia sẻ.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ và 63 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, ngày 26/7/2024, ông Tạ Quang Biên, Chủ tich Tỉnh hội đã về thăm quan mô hình nuôi ong, qua thực tế ghi nhận, sau khi tặng quà cho hội viên làm kinh tế giỏi, ông Tạ Quang Biên đã biểu dương tấm gương của ông Trần Bảo Vinh, một Đảng viên, nạn nhân chất độc da cam đã biết vượt lên khó khăn bệnh tật, gương mẫu làm giàu chính đáng ngay tại quê hương mình; ông Biên cũng đề nghị ông Vinh cần phát huy kết quả đạt được,cố gắng nhân thêm nhiều tổ ong lấy mật, cung cấp sản phẩm có giá trị phục vụ cho nhu cầu người dân ở trong và ngoài địa bàn, góp phần đem lại mức thu nhập cao hơn nữa cho gia đình và đóng góp cho xã hội.
Ông Trần Bảo Vinh thực sự là tấm gương vượt khó vươn lên đáng để cho nạn nhân và hội viên noi theo./.
Đinh xuân Nghi
Chủ tịch Hội xã thị trấn Hàng Trạm
Bình luận