• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ

Ngày 8/10/2024,  Chính phủ đã ban hành Nghị định số  126/2024/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.  Nghị định  126/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ . Đồng thời,  bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù. (Nghị định 126/2024/NĐ-CP được đăng toàn văn trên trang Website của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (vava.org.vn) và Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam (dientudacam.vn). Trong khuôn khổ có hạn của Tạp chí in, chúng tôi chọn lọc một số điểm mới nổi bật trong Nghị định để bạn đọc tiện tham khảo).

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP gồm 8 chương, 53 điều, bao gồm: Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9); Chương II: Thành lập hội (từ Điều 10 đến Điều 17); Chương III: Tổ chức của hội (từ Điều 18 đến Điều 22); Chương IV: Hoạt động của hội (từ Điều 23 đến Điều 30); Chương V: Đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉ có thời hạn và giải thể hội (từ Điều 31 đến Điều 36); Chương VI: Một số quy định đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (từ Điều 37 đến Điều 42); Chương VII: Quản lý nhà nước đối với hội (từ Điều 43 đến Điều 50); Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 51 đến Điều 53).

Về tổng thể, so với Nghị định số 45 thì Nghị định 126 bao quát rộng hơn, đồng thời có nhiều quy định cụ thể, chi tiết hơn; phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn. Nghị định 126 quy định rõ hơn về quyền, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương trong việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội về kinh phí, ngân sách; quy định đã giao nhiệm vụ là được bảo đảm kinh phí ngân sách. Nhiều vấn đề mới nổi bật được quy định trong Chương VI “Một s quy định đi với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”; trong đó thể hiện rõ chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Trong Chương I  “Quy định chung”, Nghị định 126 nhấn mạnh đến mục đích hoạt động của Hội là: “không vì mục tiêu lợi nhuận”. Điều 8 “Cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho hội” quy định cụ thể về cấp giao nhiệm vụ (được gọi là nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao): 1) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cấp có thẩm quyền ở Trung ương giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; 2) Ủy ban nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền ở tỉnh giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp có thẩm quyền ở huyện giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã; 4) Ủy ban nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và cấp có thẩm quyền ở xã giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi xã).

Chương II "Thành lập hội". Tại Khoản 7, Điều 10 quy định về điều kiện thành lập hội "có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội". Tại Khoản 2, Điều 13 quy định: trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thì phải tổ chức đại hội thành lập (quy định trong Nghị định 45 là 90 ngày).   

Chương VI “Một s quy định đi với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” có nhiều điểm mới với các điều quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội; chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; cơ quan lãnh đạo hội; chủ tịch, phó chủ tịch và quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội.

Về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội, Điều 38 nêu rõ: Hội được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp; được tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, đề tài, dự án theo đề nghị của cơ quan nhà nước; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao; được tổ chức một số hoạt động kinh tế; được tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao… đúng quy định của pháp luật.

Về nghĩa vụ, trách nhiệm của hội, so với Nghị định 45, quy định báo cáo có điểm mới là: “Định kỳ 06 tháng, 01 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các cấp có thẩm quyền theo quy định”.

Chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được thể hiện ở Điều 39; trong đó quy định: Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, bao gồm: Chi lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội; Chế độ thù lao cho những người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách của hội; Chi thực hiện hoạt động thường xuyên tính theo định mức phân bổ chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể như cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương theo số biên chế được giao.

Quy trình giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương quy định: Đối với nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của hội đã có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền được phân công theo dõi, chỉ đạo hội trong đó xác định rõ nhiệm vụ được ngân sách nhà nước hỗ trợ (chi tiết số lượng, khối lượng nhiệm vụ), hội lập dự toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Đối với nhiệm vụ do các bộ, ngành ở Trung ương giao cho hội thì nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan giao nhiệm vụ; đối với nhiệm vụ được bố trí từ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia đó.

Đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương thì căn cứ nội dung hỗ trợ kinh phí, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật. Việc hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi toàn quốc; ngân sách địa phương đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã) và khả năng huy động các nguồn lực tài chính của các hội.

Về Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Điều 40 xác định người làm việc thường xuyên tại hội gồm: chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách; người làm việc tại đơn vị tham mưu, giúp việc trong biên chế được giao; người làm việc theo hợp đồng.

Người trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức và thực hiện chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Người làm việc tại hội không thuộc đối tượng trên, được hưởng tiền công và chế độ, chính sách khác do hội quyết định phù hợp với yêu cầu công việc và nguồn tài chính hợp pháp của hội, bảo đảm tương quan hợp lý trong nội bộ hội và theo quy định của pháp luật về lao động.

Đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách được hưởng chế độ thù lao theo quy định của pháp luật; kinh phí chi trả thù lao cho các đối tượng này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho hội.

 Các cơ quan lãnh đạo hội, gồm: đại hội toàn quốc; ban chấp hành, ban thường vụ hội; thường trực hội (chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách) là cơ quan điều hành công việc hàng ngày của hội (Điều 41). Quy định về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ và quy trình nhân sự của chủ tịch, phó chủ tịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra… do hội quy định phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội (Điều 42).  

Chương VII “quản lý nhà nước đối với hội” quy định cụ thể hơn, quy định rõ trách nhiệm (về quản lý và bảo đảm) của: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao; các bộ và cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.  

Cùng với 8 chương, 53 điều, trong Nghị định 126 còn có hệ thống phụ lục, các mẫu văn bản về xây dựng điều lệ hội, các loại báo cáo, đơn đề nghị… tạo sự thống nhất và thuận lợi cho các hội trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 126./.

Mạnh Dũng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...