Trong căn nhà cấp 4 giản dị ở ấp Quý Lợi, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có chị Trần Thị Mãnh, sinh năm 1976, ngồi trên chiếc ghế nhựa, đôi tay thoăn thoắt sắp xếp những tờ vé số rồi cẩn thận mang cất vào chiếc tủ nhỏ. Đôi mắt mờ, cùng đôi chân teo cơ khiến mỗi bước đi của chị là một vất vả, gian khó, nhưng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chị như thách thức những bất hạnh mà số phận khắc nghiệt đã đặt lên vai chị.
Chị Mãnh bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ người cha, ông Trần Văn Tư, chiến đấu ở chiến trường miền Nam và bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin. Sinh ra đã yếu ớt, lớn lên với đôi mắt mờ, đôi chân không vững, chị đối mặt với cuộc sống bằng ý chí kiên cường. Mưa trơn, đường trượt, chị dễ dàng ngã, nhưng khát vọng tìm con chữ chưa bao giờ tắt. Năm 9 tuổi, chị mới bắt đầu vào lớp 1, được gia đình, thầy cô, bạn bè tận tình giúp đỡ. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe hạn chế buộc chị dừng lại ở lớp 5. Anh chị em trong gia đình lần lượt lập gia đình riêng, để lại chị một mình bên cha mẹ già yếu.
Không chấp nhận sống lệ thuộc, năm 20 tuổi, chị Mãnh bắt đầu mưu sinh bằng những công việc giản đơn như lột nhãn, may gia công, rồi bán quần áo may sẵn ở các chợ quê. Khi cha mẹ bị bệnh tật liên miên, chị quyết định ở nhà phụng dưỡng, tranh thủ bán vé số quanh xóm để có thời gian chăm sóc. Năm 39 tuổi, chị lập gia đình với một người đàn ông cùng nghề bán vé số, nhưng hạnh phúc ngắn ngủi. Chỉ 5 năm sau, chồng chị qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Rồi cha mẹ chị cũng lần lượt ra đi, để lại chị với nỗi cô đơn và những khó khăn chồng chất.
Cách đây gần 1 năm, trên con đường quen thuộc chị rong ruổi bán vé số, tai họa bất ngờ ập đến, chiếc xe lăn cũ kỹ, người bạn đồng hành của chị, trật bánh trên mặt đường lồi lõm, mất thăng bằng, xe lao thẳng vào một gốc cây lớn bên đường. Chị Mãnh bị hất văng ra, rơi xuống kênh bên cạnh, cú va đập mạnh khiến hai mắt cá chân chị bị bể. Người dân xung quanh vội vã đưa chị đi cấp cứu, nhưng di chứng để lại nặng nề: hai mắt cá chân phải cố định bằng cặp inox, mỗi bước di chuyển giờ đây là những cơn đau nhức nhối. Căn nhà nhỏ trở thành nơi chị đối mặt với những ngày tháng dài, khi cơ thể tật nguyền thêm phần tổn thương, còn nỗi lo mưu sinh đè nặng tâm trí.
Chị chia sẻ: “Biết mình bị tật nguyền từ nhỏ, tôi buồn và mặc cảm lắm, nhưng nhờ anh em động viên, tôi tự nhủ phải cố gắng, làm gì đó để đỡ gánh nặng cho người thân. Dù đôi chân không vững, tôi vẫn còn đôi tay,” với giọng nói giản dị nhưng chứa đựng nghị lực phi thường. Chiếc xe lăn do các nhà hảo tâm hỗ trợ, dù đã đưa chị qua bao con đường làng, nay lại là chứng nhân cho những đau thương. Vậy mà chị không gục ngã. Vẫn với đôi tay ấy, chị tiếp tục sắp xếp vé số, tiếp tục hành trình mưu sinh dù mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến với cơn đau và những khó khăn chồng chất.
Cuộc sống của chị không thiếu những thử thách, gần đây, đôi mắt kém, chị bị kẻ xấu lợi dụng, tráo vé số cũ hoặc giật vé ngay trên tay, nhưng chị không chùn bước, với ý nghĩ: “Có nhiều nạn nhân chất độc da cam thế hệ tôi nằm liệt giường, người chẳng ra người, so ra, tôi vẫn may mắn hơn, nên phải tự động viên mình cố gắng” để vươn lên.
Chị Trần Thị Mãnh trên đường bán vé số
Nghị lực của chị Mãnh không chỉ khiến người thân khâm phục mà còn được cả xóm làng quý mến. Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Nhị Quý, cho biết: “Chị Mãnh là một trong những tấm gương vượt khó tiêu biểu nhất ở xã, câu chuyện vượt khó của chị cho thấy, người khuyết tật không hề vô ích, ngược lại, mỗi người khuyết tật, bằng nghị lực của mình hoàn toàn có thể khắc phục, chất độc da cam/dioxin lấy đi sức khỏe của các nạn nhân thì lại cho họ một nghị lực sống phi thường và họ trở thành những tấm gương tiêu biểu giữa đời thường". Nhận thấy sự chịu thương, chịu khó và nghị lực vươn lên của chị, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Năm 2023, phật tử Tịnh thất Hạnh Nhơn (ấp 3 xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy), do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì, cùng anh em, bà con và chính chị Mãnh tích góp, đã xây nên căn nhà cấp 4, trị giá 120 triệu đồng. Có được căn nhà mới, người phụ nữ nhỏ bé này mừng rơi nước mắt.
Từ những ngày tháng khó khăn, chị Trần Thị Mãnh đã viết nên câu chuyện về nghị lực sống, về ý chí vượt qua nỗi đau tật nguyền, những mất mát và cả những tai ương bất ngờ. Chị không chỉ là nguồn cảm hứng cho những người xung quanh mà còn là minh chứng sống động rằng, dù cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu, chỉ cần đôi tay còn làm việc và trái tim còn hy vọng, con người vẫn có thể vượt qua và vươn lên.
Quang Huy
Thị hội Cai Lậy
Bình luận