• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghĩa và tình của ông Nguyễn Viết Phượng

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Vinh đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi, có nhiều đóng góp cho công tác xã hội. Trong đó, CCB Nguyễn Viết Phượng, phường Hưng Dũng là một điển hình.

Theo sự chỉ dẫn của ông Tạ Quang Dư, cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), chúng tôi đến Công ty TNHH Dệt may và Xây dựng Hồng Loan, ở phường Hưng Dũng. Công ty do CCB Nguyễn Viết Phượng thành lập từ năm 2002.
Ông Nguyễn Viết Phượng không chỉ là tấm gương tiêu biểu, có nhiều thành tích trong chiến đấu mà còn là một doanh nhân luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả, không những đảm bảo cuộc sống gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương. Nhắc đến ông, không ai trong vùng là không biết,  bởi ngoài công việc kinh doanh - sản xuất, ông Phượng còn được mọi người gọi với biệt danh “người mang trái tim người lính” vì thường xuyên làm các công tác thiện nguyện, tham gia tích cực vào các tổ chức hội, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bước vào công ty cũng chính là nhà ở của gia đình ông Phượng, chúng tôi không khỏi thán phục khi được được tận mắt chứng kiến cơ ngơi khang trang, sạch đẹp với hơn 7 tầng được xây dựng theo mô hình công nghiệp khép kín. Ấy vậy mà khi tiếp đón chúng tôi, doanh nhân CCB ấy lại hết sức giản dị, khiêm tốn. Ông dẫn chúng tôi đi thăm các phòng và giới thiệu cho chúng tôi về hoạt động của công ty. Điều khiến chúng tôi nhớ mãi đó là ở mỗi tầng đều in những câu thơ do ông tự sáng tác gắn liền với công việc chuyên môn của từng phân xưởng, như: “Tầng 6 cắt xén định hình/Tầng 5 tiếng máy xập xình vui tai”.
Được biết, tháng 8 /1971, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra khốc liệt, ông Phượng khi ấy là tân sinh viên Đại học Bách khoa đã tạm gác bút nghiên xung phong nhập ngũ và tham gia chiến đấu 81 ngày đêm đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị. Nhớ về khoảng thời gian chiến đấu vừa anh dũng vừa khốc liệt ấy, ông Phượng xúc động: “Thời đấy hy sinh rất nhiều, 100 người thì chỉ còn vài người trở về, mà trở về khi đó cũng đã bị thương rồi, không ai lành lặn. Tôi bị thương và được đưa về điều trị tại Quảng Bình. Sau khi sức khỏe khá rồi, tôi trở vào chiến trường, lần ấy tôi bị ngất và may mắn được mẹ nuôi cứu giúp. Cách đây 2 năm, nhờ đồng đội cùng anh em bạn bè hỗ trợ, cuối cùng tôi cũng tìm lại được bà ấy”.
Rời chiến trường, ông Phượng quay về giảng đường và tiếp tục học tập. Đầu năm 1979, ông ra trường, làm việc ở Viện Thiết kế - Công nghiệp Nghệ Tĩnh. Sau đó, khi TP Vinh thành lập đơn vị dệt - giày da xuất khẩu, ông Phượng được giao làm giám đốc đến năm 1997. Năm 2002, ông Phượng mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Dệt may Hồng Long. Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Dệt may của ông Phượng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn, trong đó có nhiều hoàn cảnh hết sức éo le như con của NNCĐDC hay những người khuyết tật vào làm. Trong đó, có trường hợp của chị Vinh, con gái cả trong gia đình có bố và các anh chị em đều là nạn nhân da cam, bất đắc dĩ chị trở thành lao động chính trong gia đình. Được ông Phượng giúp đỡ công việc làm và chỗ ở, giờ đây chị Vinh đã có thể bớt được một chút gánh nặng cuộc sống và lo được một phần cho gia đình.
Những năm đầu công ty mới đi vào hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Phượng đã bắt đầu hành trình làm công tác thiện nguyện của mình. “Tôi may quần áo cho học sinh khuyết tật, một số bạn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tôi không lấy tiền. Tính từ năm đó cho đến năm vừa rồi, mỗi một năm khoảng 100 - 150 triệu, có năm trên 300 triệu tiền hỗ trợ đấy quy ra. Ví dụ có những trường họ không may quần áo ở công ty tôi, tôi cũng gửi tặng họ”. Hằng năm, gia đình ông Phượng đều trích hàng trăm triệu đồng tặng cho người khuyết tật là NNCĐDC. Mỗi khi MTTQ, Hội doanh nhân CCB hay Hội NNCĐDC/dioxin của tỉnh kêu gọi. Bản thân ông còn thường xuyên dùng xe riêng chở các nhà hảo tâm đến tận các gia đình để hỗ trợ tiền, tặng quà hoặc góp tiền làm nhà tình nghĩa.
Với những đóng góp hết sức tích cực cho cộng đồng, ông Phượng nhiều lần được vinh danh và được trao nhiều giải thưởng cao quý. Năm 2012, ông vinh dự được dự hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại Đà Nẵng. Năm 2017, ông được MMTQ tỉnh Nghệ An tuyên dương là một trong 87 doanh nhân tiêu biểu có tấm lòng vàng… 
Nói về người đồng đội của mình, đại tá Tạ Quang Dư, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP Vinh tự hào chia sẻ: “Là một người bạn, người đồng đội đã gắn bó và chứng kiến quá trình chiến đấu và làm việc của CCB Nguyễn Viết Phượng, tôi rất trân trọng và cảm phục. Những năm qua, ông Phượng đã tích cực tham gia hoạt động Hội và các phong trào của địa phương. Bất cứ khi nào Hội tổ chức chuyến đi thăm nạn nhân da cam hay các gia đình liệt sỹ, ông Phượng là người đầu tiên tham gia và quyên góp. Ông là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo.

Nguyễn Hoà

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...