Đại tá Nguyễn Mạnh Dũng - Q.Tổng biên tập Tạp chí làm Chủ tịch Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí Da cam Việt Nam
Tôi đặc biệt ấn tượng khi tiếp xúc các nhà báo của Tạp chí Da cam Việt Nam, như Đại tá Trần Đình Đích (nguyên Tổng biên tập), Đại tá Nguyễn Mạnh Dũng (Q.Tổng biên tập), Đại tá Chu Đình Út (Thư ký Tòa soạn), Đại tá Phạm Công Tuấn (biên tập viên)... Đó là những cựu chiến binh, họ đều mặc quân phục, đeo quân hàm cấp tá và là Nhà báo. Trước đó, các Đại tá này từng công tác trên nhiều lĩnh vực thuộc Bộ Quốc phòng, khi nghỉ chế độ, họ vẫn canh cánh một điều rằng, sức lực trí tuệ vẫn còn thì họ tiếp tục cống hiến cho đời, và họ đã chọn công việc khó khăn nhất đó là đứng về phía số phận "những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”, đó là những NNCĐDC - như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nói.
Đại tá nhà báo Trần Đình Đích, nguyên Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí cho biết: ngày 6/11/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép số 617/GP-BTTT, cho phép xuất bản Tạp chí Da cam Việt Nam. Ngày 10/01/2016, Tạp chí phát hành số đầu tiên - Đây cũng là Ngày Truyền thống của Tạp chí Da cam Việt Nam. Những ngày đầu, Tạp chí còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng với phương châm vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm và bằng sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, phóng viên, nhân viên, Tạp chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày 1/2/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định số 53/GP-BTTTT, cấp phép cho Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam; sau một thời gian chuẩn bị, ngày 15/5/2019, Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động. Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, là diễn đàn của NNCĐDC Việt Nam. Ngày 16/4/2022, Tạp chí Da cam Việt Nam khai trương Văn phòng đại diện Bắc Miền Trung đặt tại thành phố Vinh.
Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính (thứ 3 bên trái) tặng hoa chúc mừng Đại hội Chi hội Hội Nhà báo Tạp chí Da cam Việt Nam
Đại tá Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam tiếp nối vai trò chỉ huy của Tạp chí, chia sẻ: “Mỗi năm, Tạp chí in xuất bản 12 kỳ, mỗi kỳ phát hành trên 9.000 cuốn. Với ấn phẩm điện tử (dientudacam.vn), được thể hiện trên 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh; thông tin được khai thác, cập nhật kịp thời, chính xác, không có sai sót về nội dung; hiện đang có trên 100 quốc gia, với hàng triệu lượt truy cập thường xuyên.
Đặc biệt, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ hiệu quả của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, những năm qua, Tạp chí Da cam Việt Nam đã được phát hành tới tay cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân. Đây là một ấn phẩm quan trọng để đẩy mạnh tuyên truyền trong quân đội về thảm họa da cam ở Việt Nam, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam của Đảng, quân đội và nhân dân ta.”
Công ty Synot Asean tặng hoa chúc mừng Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí da cam Việt Nam
Đại tá Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam nhắc lại buổi thăm, làm việc với Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (ngày 18/11/2022), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa chất độc da cam/dioxin, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam; Đại tướng yêu cầu việc phối hợp chặt chẽ giữa Tạp chí Da cam Việt Nam với các đơn vị trong Quân đội thực hiện tốt Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10/11/2020 của Bộ Quốc phòng.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, mà Tạp chí còn làm tốt công tác từ thiện xã hội, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC: từ năm 2021 đến nay, Tạp chí đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 2,5 tỉ đồng, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC bằng nhiều hình thức ý nghĩa, thiết thực, như: Tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, trao bò giống sinh sản, hỗ trợ làm nhà tình nghĩa… cho nạn nhân ở cả ba miền đất nước.
Nổi bật, năm 2023, Tạp chí Da cam Việt Nam đã liên tục có nhiều bài viết đấu tranh cho sự công bằng của một gia đình NNCĐDC ở phường Bến Thủy thành phố Vinh, Nghệ An, trong việc tranh chấp ngôi nhà giữa cô em gái ruột với anh trai là NNCĐDC, để gia đình được trở lại sinh sống trong ngôi nhà của mình. Hoặc trường hợp ông Trần Trọng Dần, sinh năm 1950, ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, sau khi Tạp chí Da cam Việt Nam đăng bài “Cám cảnh với gia đình chưa được hưởng chế độ NNCĐDC ở Nghệ An” trên dientudacam.vn ngày 14/2/2023, sau khi báo nêu, các ngành chức năng tỉnh này đã vào cuộc, đến nay cả ông Trần Trọng Dần và hai người con đã được hưởng chế độ NNCĐDC...
Thời gian qua, Chi hội Nhà báo Tạp chí Da cam Việt Nam luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của hội viên; thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí, quy định đạo đức của người làm báo. Đặc biệt, năm 2021, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Tạp chí Da cam Việt Nam đã tổ chức thành công Cuộc thi viết về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” tạo sức lan tỏa rộng rãi. Cuộc thi đã đánh dấu bước phát triển của Tạp chí nói chung và là một hoạt động có tính bứt phá của Chi hội Nhà báo Tạp chí.
Trung tướng Nguyễn Hữu Chính - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí Da cam Việt Nam
Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính trong phát biểu với các nhà báo của Tạp chí Da cam Việt Nam, ông đã biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà Tạp chí đạt được trong những năm qua; đồng thời chỉ đạo Tạp chí cần tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm in và bài viết trên Tạp chí điện tử; tập trung duy trì ổn định các chuyên mục; chú trọng phản ảnh về hoạt động của các tổ chức hội trong cả nước, nhất là những hội hoạt động tích cực, hiệu quả; lan tỏa, phản ánh những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên trong cuộc sống; tấm gương các nhà hảo tâm,... góp phần thiết thực trong công tác vận động nguồn lực, đẩy mạnh phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Quốc Khánh
Bình luận