Năm 2018, sau một cơn bạo bệnh, từ một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, Đức không khác nào tàu lá chuối khô héo, tả tơi, rũ rượi, nằm bẹp trên giường, đi không nổi, tự ăn uống cũng không xong vì bị những cơn đau đầu hoành hành, chân tay co rút. Dần dần em bị mất trí nhớ lúc nào không biết.
Hai mẹ con chị Phan Thị Ngọc Châu - Lê Minh Đức |
Từ một chủ xe đò tự cầm tay lái, chạy tuyến Bình Thuận- TP Hồ Chí Minh, chồng chị phải bán dần tài sản trong đó có phương tiện kiếm cơm đưa con vào Bệnh viên Chợ Rẫy chữa trị. Hơn bốn năm vào ra nuôi bệnh, tiền mất tật mang, nợ nần vây bủa, cha sầu, mẹ héo, nhưng bán gì thì bán, căn nhà phải giữ lại để còn chỗ che mưa nắng. Dưới Đức còn cậu em trai đang học đại học công nghệ thông tin năm thứ ba. Vợ chồng chị Châu chỉ biết cầu xin trời phật cho đứa con trai nhỏ không bị đau ốm như Đức, vì đó là hy vọng của gia đình chị…
Trước mặt tôi là hai hộp thiếc đựng bánh loại lớn. Trên mặt bàn là những huân, huy chương xếp đầy vẫn không đủ chỗ. Đó là kỷ vật còn lại của ông Phan Văn Lào, người cha sinh năm 1929 của chị Châu. Nếu còn sống, năm nay ông sẽ được tặng thưởng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, vì những huy hiệu 40 năm, 45 năm (mất) 50, 55, 60, 65 năm may mắn vẫn còn. Anh bộ đội Cụ Hồ năm nào giã từ quê hương Quảng Nam xung phong ra chiến trường, trải máu lửa, đạn bom, thương tích đầy người, trở về ông Lào cùng vợ con định cư ở Tánh Linh (Bình Thuận). 6 năm trước, khi còn sống chắc ông không nghĩ mình sẽ mau từ giã cõi đời, nên không hề thực hiện những quy định của Nhà nước về chế độ chính sách cho các đối tượng như ông, chưa kể đời con cháu sau này cũng được thừa hưởng ít nhiều… Một điều khó tưởng tượng khi ông mất, một số hồ sơ giấy tờ liên quan đến quá trình hoạt động của ông vô tình bị bỏ chung vào quan tài. Bức ảnh có hình hai mảnh giấy bị cháy dở do phát hiện kịp nên chị Châu giữ lại. Còn may là hai hộp huân - huy chương của ông nhờ chị giữ kỹ nên còn đó…
Ông Lào mất được hai năm, thì đứa cháu ngoại trai Lê Minh Đức (thế hệ thứ ba) lâm vào tình cảnh như trên. Thế hệ thứ hai như chị Phan Thị Ngọc Châu và cô em gái ngày càng kiệt quệ về sức khỏe, người em bị tiểu đường rất nặng, biến chứng qua thận và tim. Còn chị Châu từ hơn 40 ký nay chỉ còn hơn 30 ký. Chị nói mình không dám đi khám, vì phải dành tiền mua thuốc cho con. Không còn sức để tiếp tục điều trị ở bệnh viện, chị đem con về cho uống thuốc nam, một tháng mất hơn 3 triệu đồng. Không biết hiệu quả tới đâu nhưng hiện nay Đức đã tự viết ra tên mình.
Cuộc sống bốn miệng ăn chỉ trông cậy vào nghề lái xe thuê của chồng chị. Ngày nào được phân công lái xe trên 20 chỗ còn được chủ trả 500 ngàn, xe nhỏ hơn chỉ 400 ngàn; xe hư càng bi đát hơn. Chính quyền địa phương và vài cá nhân hảo tâm đang cố gắng giúp đỡ, làm thủ tục cho mẹ con chị Châu được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo diện gia đình khó khăn có con khuyết tật nặng. Hy vọng mẹ con chị Châu được các cơ quan chức năng quan tâm xem xét chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và cháu hệ thứ ba đang còn là vấn đề rất nan giải./.
Hà Nhi
Bình luận