Ngày 23/10/2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học & môi trường (NACCET) tổ chức khảo sát đánh giá về nhu cầu hỗ trợ NNCĐDC giai đoạn 2024 – 2030 theo chương trình kế hoạch của NACCET và Công văn số 255/TWH-VH ngày 25/9/2024 của Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Tham dự hội nghị có: cán bộ lãnh đạo đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở LĐ-TB&XH; Hội Cựu chiến binh; Hội Chữ thập đỏ; Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Tỉnh hội và các đồng chí Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn và thành phố Thanh Hóa.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tú, Trưởng đoàn công tác NACCET làm việc với Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa
Chi nhánh miền Trung thuộc NACCET thông tin trao đổi một số tình hình về NNCĐDC mà đoàn khảo sát về nhu cầu của NNCĐDC ở một số tỉnh trên phạm vi toàn quốc, đồng thời nêu nội dung và hướng dẫn các ghi trên phiếu khảo sát về tình hình và nhu cầu của nạn nhân.
Về phía Hội /dioxin tỉnh, đồng chí Dương Văn Huệ, Ủy viên BCH Trung ương Hội, Chủ tịch Tỉnh hội thông tin trao đổi với đoàn công tác một số nét chính về thực trạng tình NNCĐDC hình, nhu cầu của NNCĐDC trên địa bàn tỉnh.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg ngày 03/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều tra, xác định nạn nhân bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có 24.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa.
Toàn tỉnh hiện có 11.518 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó, nạn nhân trực tiếp là 7.599 người, gián tiếp là 3.919 người. Hộ gia đình có 1 nạn nhân là: 7.207; gia đình có 2 nạn nhân: 1.810; gia đình có 3 nạn nhân: 153; gia đình có 4 nạn nhân: 27 và gia đình có 5 nạn nhân là 2. Từ năm 2000 đến nay, có 6.728 nạn nhân từ trần do chất độc da cam/dioxin gây ra. Độ tuổi của nạn nhân trực tiếp dưới 70 tuổi là 1.447; Từ 71 đến 75 tuổi: 3.419; từ 76 tuổi đến 80 tuổi 1.853; trên 80 tuổi là 880. Ngoài ra, còn 1.285 cháu thế hệ thứ 3 (F2) bị di nhiễm chất độc hóa học từ ông, bà, bố, mẹ sang, chưa được công nhận là NNCĐDC, đang hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu các cấp Hội trên địa bàn tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú để vận động được nhiều. Dịp Ngày TB-LS (27/7) và tết nguyên đán, UBND tỉnh thăm, tặng quà cho 100% NNCĐDC thuộc đối tượng trực tiếp. Đối với nạn nhân gián tiếp được cơ quan, ban ngành và các nhà tài trợ tặng quà Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, tết cổ truyền. Số tiền và quà quy thành tiền mỗi năm nạn nhân được thụ hưởng trên 6 tỷ đồng. NNCĐDC là đối tượng trực tiếp thuộc hộ nghèo được Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ tiền làm nhà tình nghĩa. Đến nay, cơ bản hộ gia đình NNCĐDC thuộc hộ nghèo không còn ở nhà tạm bợ, tranh tre dột nát, kém an toàn.
Hiện tại, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh đang nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 114 NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (lưu lượng chỉ tiếp nhận được120 NNCĐDC). Đây là sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với NNCĐDC đáp ứng được một phần di nguyện của bố, mẹ nạn nhân sau khi chết đi, con của nạn nhân không còn nơi nương tựa được đưa vào trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài.
Thực trạng NNCĐDC tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu đi viện điều trị dài ngày tại các cơ sở Y tế, chi phí tốn kém, do đó nhu cầu của nạn nhân cần trợ giúp là:
- Xe lăn, xe lắc: 320; xông hơi, giải độc: 500 người/năm; mổ dị dạng, dị tật: 10 người; vật tư y tế gồm: giường nằm cho nạn nhân bị bại liệt, động kinh; giường chuyên dụng chống lở loét; máy siêu âm, máy mát xa phục hồi chức năng; máy tập phục hồi vận động; 500 hộ gia đình cần được vay vốn phát triển sản suất.
Tại hội nghị tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng có thẩm quyền một số nội dung như sau:
1. Chính phủ sớm có chính sách đối với nạn nhân thế hệ thứ 3 (F2) theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
2. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung mục 3, Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về danh mục bệnh dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học phù hợp với thực tế; sửa đổi tiết (b) khoản 1 điều 54 Nghị định 131/2021/NĐ-CP về căn cứ lập hồ sơ: Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành xác nhận trước ngày 01/01/2000 rất khó khăn cho đối tượng bị thất lạc giấy tờ hoặc không còn chứng cứ ở chiến trường để lập hồ sơ hưởng chế độ, chính sách.
3. Đề nghị Chính phủ có chế độ về việc trợ cấp cho người nuôi dưỡng từ 2 nạn nhân trở lên không tự phục vụ được.
4. Đối với Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng NNCĐDC tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh nói chung, Trung ương Hội đứng ra làm cầu nối cho các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo quan tâm, giúp đỡ cho NNCĐDC về tặng trang thiết bị y tế, thuốc men, thăm tặng quà nhân ngày 10/8, tết nguyên đán.
5. Đề nghị Chính phủ tăng cường hợp tác Quốc tế chung tay khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường ở Việt Nam.
Đoàn công tác NACCET đến thăm và tặng quà cho gia đình NNCĐDC ở thành phố Thanh Hóa
Sau khi kết thúc hội nghị, đoàn công tác cùng với Thường trực Tỉnh hội và lãnh đạo Hội thành phố Thanh Hóa đi thăm, tặng quà cho 3 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa./.
Lê Xuân Quế
Phó Chủ tịch Tỉnh hội
Bình luận