• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tỉnh hội Yên Bái biểu dương điển hình tiên tiến và vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022, sáng 19/10, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương các điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2017 - 2022 và tôn vinh những tấm lòng nhân hậu, những người đã trực tiếp ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng, đặc biệt là những NNCĐDC nặng; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam ở Việt Nam, thúc đẩy phong trào chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC.

Trung tướng Đặng Nam Điền trao Bằng khen cho lãnh đạo Tỉnh hội Yên Bái

Dự hội nghị có Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cùng đại diện các đơn vị thuộc Trung ương Hội; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn; đặc biệt là 60 gương mặt tiêu biểu đã được các huyện, thị, thành Hội bình chọn, đại diện cho hàng trăm nạn nhân tiên tiến, nghèo, vượt khó, tuổi cao, sức yếu, bệnh tật vươn lên phát triển kinh tế và đại biểu phụ nữ đại diện cho hàng nghìn người bà, người vợ, người mẹ đã, đang và tiếp tục hằng ngày gánh vác công việc chăm sóc chồng, con, cháu là NNCĐDC.

* Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 1.300 nạn nhân da cam đang hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có 756 người trực tiếp hoạt động kháng chiến và 589 người thuộc thế hệ thứ hai (con đẻ của họ).

5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã ủng hộ tiền và vật chất hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho nhiều nạn nhân nghèo, đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2020, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái huy động từ nhiều nguồn quỹ như Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa và nguồn vận động xã hội, cá nhân hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng, NNCĐDC khó khăn về nhà ở gồm 427 nhà với số tiền 13,72 tỷ đồng; thăm, tặng quà nhân ngày 10/8 hằng năm và dịp lễ, tết cho 12.500 lượt nạn nhân với trên 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 180 lao động nông thôn, người khuyết tật là nạn nhân da cam. Phối hợp các hội từ thiện, các bệnh viện địa phương tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho trên 250 nạn nhân; hỗ trợ điều trị cho 151 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho 100% nạn nhân da cam; điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 230 nạn nhân; đón 3 nạn nhân thế hệ thứ hai về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài; tổ chức cho 62 nạn nhân tham gia xông hơi giải độc; hỗ trợ 13 xe lăn cho các nạn nhân khuyết tật…

Những tấm gương vượt lên “nỗi đau không chảy máu”

Hội nghị được nghe các tham luận tiêu biểu, đó là những tâm sự, chia sẻ rất xúc động về công việc âm thầm, hằng ngày chăm sóc chồng, con là NNCĐDC nặng mà phía sau đó là sự nỗ lực, tần tảo, bằng tất cả tình yêu thương, vượt qua nỗi đau để trụ vững; hơn thế, nhiều người còn tích cực tham gia công tác xã hội và quan tâm đến những hoàn cảnh khác khó khăn hơn mình.

Bà Nguyễn Thị Lợi (ảnh trên), ở thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) có gần 50 năm làm dâu và chăm sóc bố mẹ chồng già yếu và chăm sóc chồng bệnh trọng, nhiều lần phải mổ, nhưng không một lần bà kêu than số phận, dẫu trong lòng không tránh khỏi buồn tủi. Ngoài công việc cơ quan, bà thức khuya dậy sớm, làm thêm nhiều việc khác để trang trải cuộc sống và tạo mọi điều kiện để chồng thương binh - nạn nhân Nguyễn Văn Thản làm Chủ tịch Hội huyện Văn Yên từ khi Hội được thành lập cho đến nay. Bà chia sẻ “có mặt tại hội nghị này với chúng tôi là sự cổ vũ, là phần thưởng lớn lao; để khi trở về với gia đình thêm tin yêu cuộc đời hơn và cuộc sống thêm ý nghĩa khi sự hy sinh thầm lặng của mình đã được ghi nhần, đền đáp…”.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Niệt (ảnh trên) là vợ thương binh - NNCĐDC nặng ở tổ 7, phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ). Chồng bệnh trọng qua đời để lại cho bà gánh nặng gia đình: Một người con trai đã 45 tuổi, nạn nhân bị tâm thần nặng, không tự chăm sóc bản thân; một người con gái đã có chồng nhưng chưa một lần được làm mẹ. Vậy nhưng bà luôn tự động viên mình vượt qua khó khăn, sống vui, sống khỏe, sống có ích, tích cực tham gia công tác hội, sống nghĩa tình với đồng đội; ngoài ra còn chăn nuôi gia súc gia cầm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống…

Đó là bà Triệu Thị Phong, sinh năm 1954 là người dân tộc Dao ở thôn An Phú, xã Y Can (huyện Trấn Yên) có chồng là ông Lý Tiến Quý, nhập ngũ tháng 9/1966 tham gia kháng chiến tại các chiến trường B, C. Năm 1976, ông Quý trở về địa phương với nhiều thương tích cùng với các triệu chứng nhiễm chất độc da cam. Suốt nhiều năm lao động, vừa tần tảo nuôi con, chăm sóc bố mẹ già, chăm sóc chồng bệnh tật đau yếu, bà Phong còn dành thời gian tham gia công tác xã hội ở địa phương như: chủ tịch Hội phụ nữ xã, bí thư chi bộ thôn, đại biểu HĐND xã… đồng thời chăm lo phát triển kinh tế, ổn định thu nhập cho gia đình, xứng danh người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1951, trú quán tại tổ dân phố Phúc Thọ, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) có chồng là ông Hà Quang Mịch, thương binh ¼ đã qua đời vì căn bệnh ung thư; bản thân bà cũng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và có con đẻ là Hà Thanh Vân, sinh năm 1979 là nạn nhân nặng, bị thiểu năng trí tuệ. Mấy chục năm qua, vượt gian nan, vất vả, một mình bà tận tụy chăm sóc chồng, con. Không cam chịu số phận, bà đã vượt lên khó khăn vừa chăm sóc người thân, lao động cải thiện cuộc sống, vừa tích cực tham gia công việc của các hội đoàn thể ở địa phương.

Những người lính thời bình không đầu hàng số phận

Ông Hà Ngọc Xô (ảnh dưới) sinh năm 1954, trú quán tại thôn Ngòi Châu, xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) là thương binh 4/4, NNCĐDC, nhưng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mặc cảm bệnh tật, tích cực tham gia công tác đoàn thể địa phương như: Bí thư chi bộ thôn, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/doxin TP Yên Bái. Ông là một tấm gương điển hình đi đầu trong mọi phong trào, tích cực lao động sản xuất giỏi, nuôi các con ăn học trưởng thành và giúp đỡ hội viên nạn nhân da cam gặp khó khăn…

Ông Trần Thái Phong, sinh năm 1952, NNCĐDC ở huyện Văn Chấn đã vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế bằng nuôi chim bồ câu mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. 27 năm qua, sức khỏe yếu do di chứng chất độc da cam, nhưng ông tích cực tham gia công tác xã hội, làm Trưởng khu phố, Phó chủ tịch Hội nông dân, Phó chủ tịch MTTQ, Phó chủ tịch Hội CCB thị trấn Liên Sơn, 4 nhiệm kỳ đại biểu HĐND…

Còn nhiều nữa những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến: những người ông, người bà, người cha, người mẹ, người chị, người thân trong suốt nhiều năm qua đã tận tâm, tận lực chăm sóc người có công- những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con cháu họ, xứng đáng khâm phục, tôn vinh.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền đánh giá cao Tỉnh hội Yên Bái đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất và chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến gắn với vinh danh những tấm lòng nhân hậu người bà, người vợ, người mẹ tiêu biểu có công chăm sóc chồng con là NNCĐDC. Đây là một nội dung đổi mới trong thi đua khen thưởng, rất đáng được nhân rộng trong các cấp hội của cả nước. Đặc biệt, Tỉnh hội đã thực hiện phóng sự về nỗ lực vượt lên nỗi đau da cam rất chân thực về những điển hình, làm tư liệu quý cho công tác tuyên truyền; qua đó người xem thấu hiểu hơn về nỗi đau da cam do Mỹ gây ra, thấy rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác khắc phục thảm họa da cam, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Hội còn làm tốt tham mưu, phối hợp giải quyết chế độ chính sách cho NNCĐDC, tổ chức vận động nguồn lực chăm sóc, hỗ trợ, nâng cao đời sống cho nạn nhân. Với tinh thần Đoàn kết - Nghĩa tình - trách nhiệm – Vì NNCĐDC, thời gian tới, các cấp Hội tỉnh Yên Bái đẩy mạnh phong trào thi đua, hướng về cơ sở, thực sự là chỗ dựa vững chắc, cầu nối tin cậy của NNCĐDC với cộng đồng xã hội. Thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội, Trung tướng Đặng Nam Điền đã gửi lời thăm hỏi ân cần, trân trọng tri ơn những người ông, người cha, người bà, người vợ, người mẹ đã vượt qua nỗi đau, lan tỏa lòng nhân ái, tình yêu thương và nghị lực vượt khó tới cộng đồng…

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Tỉnh hội Yên Bái trao giấy khen cho các cá nhân

Nhân dịp này, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam trao tặng Bằng khen cho tập thể Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Yên Bái; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 2 tập thể (Huyện hội Văn Chấn, Huyện hội Chấn Yên) và 5 cá nhân; Tỉnh hội tặng giấy khen cho 42 cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Hành động vì nạn nhân da cam” giai đoạn 2017-2022. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh tặng quà cho 60 đại biểu điển hình, mỗi đại biểu 1 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tặng hoa và quà cho Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Yên Bái.

Bằng Giang

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12/2024, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự Đại hội có: Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu ...