• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bà Lê Thị Thanh Thủy - “Tấm lòng vàng” vì nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn

Trong Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2024 - 2029 của Hội NNCĐDC/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu , một tham luận gây ấn tượng sâu sắc với các đại biểu là Báo cáo thành tích của bà Lê Thị Thanh Thủy, người có hơn 10 năm đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu . Đến nay, gia đình bà Lê Thị Thanh Thủy đã đóng góp và vận động bạn bè ủng hộ khoảng 7.500.000.000đ để hỗ trợ, chăm lo cho NNCĐDC, người khuyết tật, trẻ mồ côi và những mảnh đời bất hạnh khác.  

     

 Bà Lê Thị Thanh Thủy sinh ra sau ngày đất nước độc lập, thống nhất, nhưng chưa đầy một tuổi, bố của bà qua đời do vết thương quá nặng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tái phát; một mình tần tảo, oằn mình nuôi 7 chị em khôn lớn. Phần vì mất một  trụ cột gia đình, phần vì đông con, trong khi đất nước vừa trải qua 20 năm chiến tranh, gia đình lâm vào cảnh cực kỳ nghèo khó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Trước hoàn cảnh đó, gia đình được chính quyền địa phương quan tâm cấp cho 01 lô đất đủ để xây dựng một căn nhà nhỏ; hằng tháng cả nhà được trợ cấp 10kg gạo, mặc dù không nhiều nhưng nó vô cùng quý giá đối với gia đình đang thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, khó khăn đó đã không làm cô học sinh Lê Thị Thanh Thủy chùn bước, mà ngược lại, hun đúc thêm quyết tâm để Thủy đạt nhiều thành tích tốt trong học tập. Lớn lên đi học đại học Thanh Thủy vừa đi học vừa phải đi làm gia sư để có thêm tiền lo ăn học, nhằm bớt đi phần nào gánh nặng trên đôi vai gầy ngày càng yếu đi của Má.

 Sinh ra trong một gia đình cách mạng, lại trải qua những năm tháng khó khăn đó nên từ bao giờ truyền thống nhân đạo “tương thân, tương ái”, Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam như thấm vào từng suy nghĩ, hành động của Lê Thị Thanh Thủy. Một may mắn là, qua phấn đấu bà Thủy đã được giao trọng trách m Giám đốc một ngân hàng ở tỉnh, chồng bà làm trong ngành xây dựng, xuất thân từ nông dân của vùng đất cằn khô xứ Nghệ, phấn đấu đi lên từ hai bàn tay trắng cũng luôn ủng hộ ý tưởng của vợ. Hai vợ chồng đều rất cảm thông, chia sẻ với NNCĐDC, người khuyết tật, trẻ mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn.


Bà Lê Thị Thanh Thủy tặng quà NNCĐDC tại Bà Rịa

Thời gian qua, gia đình bà đã nhận nuôi hàng tháng và cho đến hết đời 68 trẻ em tàn tật là NNCĐDC, với kinh phí trích ra từ nguồn lương của hai vợ chồng và sự đóng góp của một số bạn bè cùng có tấm lòng nhân ái, rất đồng cảm với hoàn cảnh của nạn nhân. Hằng tháng, hỗ trợ thường xuyên 300 ngàn, hoặc 500 ngàn cho 11 cụ già bị mù neo đơn thuộc Hội Người Mù của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, còn giúp đỡ nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác trong và ngoài tỉnh, đó là: Gia đình anh Nguyễn Thái Hạ Nghĩa Đàn, Nghệ An, nhà có 4 anh, chị em thì 3 người là NNCĐDC, mẹ bị tai nạn giao thông liệt nửa người, bố là NNCĐDC đã qua đời (hằng tháng ủng hộ gia đình anh Hạ 500 nghìn đồng). Cụ Thẩu hơn 70 tuổi bị mù ở Bến Tre 300 ngàn đồng/tháng; nhận nuôi dưỡng em Võ Thành Tâm, sinh 1998, mồ côi cha mẹ, quê ở Cà Mau; hỗ trợ gần 70 triệu đồng điều trị căn bệnh lạ của bé Diễm, sinh 1990, quê ở Cà Mau; hỗ trợ em Lân bị điện giật bỏng toàn thân quê ở Đồng Nai 20 triệu đồng; ng hộ 100 triệu đồng cho anh Bùi Đức Chỉnh, sinh 1976, quê ở Xuyên Mộc mổ tim gấp tại bệnh viện Chợ Rẫy; và rất nhiều trường hợp hỗ trợ bất thường khác. Trong dịp Tết Nguyên đán 2015, gia đình bà đã ủng hộ 800 áo ấm cho nhân dân vùng cao: Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, tổng kinh phí 80 triệu đồng. Thông qua Hội NNCĐDC và Bảo trợ xã hội tỉnh, gia đình bà và bạn bè đã hỗ trợ xây dựng 06 căn Nhà tình thương cho người khuyết tật nghèo, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng và mua sắm dụng cụ gia đình tương đối đầy đủ.

Hiện nay, bà Thủy và các bạn đã mở bếp ăn tình thương, mỗi ngày nấu và cấp miễn phí từ 300 - 500 suất cơm cho người nghèo, học sinh khó khăn. Gia đình bà và các bạn đã chi cho quán cơm khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng. Bà cũng đang tài trợ cho 12 hộ gia đình nghèo, khuyết tật ở Phường 8, thành phố Vũng Tàu, mỗi tháng 120 ký gạo (2.200.000đ) và 12 thùng mì…

Hơn 10 năm cùng đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin và BTXH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gia đình bà Thủy và bạn bè đã hỗ trợ, chăm lo cho NNCĐDC, người khuyết tật, trẻ mồ côi và nhiều mảnh đời bất hạnh khác khoảng 7.500.000.000đ.

Với những thành tích đã đạt được, Lê Thị Thanh Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Trung ương Hội NNCĐDC/dixoin Việt Nam tặng 3 Bằng khen; Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tặng 3 Bằng khen; Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng danh hiệu Công dân ưu tú và 5 Bằng khen…


Bà Lê Thị Thanh Thủy phát biểu tại Đại hội Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nhận thức rõ về thảm họa da cam và hậu quả lâu dài của nó đối với con người và môi trường ở Việt Nam bà Thanh Thủy tâm sự: thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đồng thời vận động bạn bè, đồng nghiệp cùng sẻ chia, đóng góp ủng hộ NNCĐDC, người khuyết tật, trẻ mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến mỗi năm sẽ xây tặng từ 2 - 3 căn Nhà tình thương với số kinh phí khoảng 50 triệu đồng/căn. Những suy nghĩ việc làm trên của bản thân, gia đình tôi cũng như những người bạn là hoàn toàn xuất phát từ đáy lòng; số tiền đó chưa phải là nhiều, “không thấm vào đâu so với những gì mà các gia đình NNCĐDC, người khuyết tật và trẻ mồ côi đang cần được giúp đỡ. Những việc chúng tôi làm cũng là để đền đáp, tri ân một phần công ơn của những người đã hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, giúp chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày nay./.

Mạnh Dũng

 

 

 

 

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...