• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Chịu đựng, vượt khó và vươn lên

BÀI DỰ THI: Chịu đựng, vượt khó và vươn lên

Một cựu chiến binh, một người mẹ với 3 thế hệ là nạn nhân chất độc da cam

Lâm Thị Thanh Xuân

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang trong giai đoạn gay go và ác liệt, năm 1971, một cô gái đang độ tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, viết đơn tình nguyện đi chiến đấu, người con gái đó là Lâm Thị Thanh Xuân, sinh 1954. Ngay sau khi được nhập ngũ, Xuân đã xung phong đi học lái xe và chỉ sau 15 ngày cô đã trở thành nữ chiến sĩ lái xe đầu tiên của trung đội lái xe Trường Sơn trên "Đường 20 Quyết thắng” và cô đã lái xe vượt qua nhiều cung đường ác liệt, đến các chiến trường phía Nam. Với thành tích vượt cung, tăng chuyến, tăng hàng, bảo đảm an toàn người, xe và hàng hóa. Từ mùa khô năm 1971 đến năm 1974, cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của BTL Trường Sơn. Năm 1973, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên tuyến lửa. Vì có thành tích xuất sắc, năm 1974, cô được đi báo cáo điển hình toàn BTL Trường Sơn. Năm 1975, sau khi hoàn thành duyệt binh mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cô xin chuyển ngành, cô được Thị ủy Hà Tĩnh tiếp nhận, giao giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Đoàn phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh; cùng năm cô lấy chồng, chồng cô là một sĩ quan đặc công, năm 1977 sinh con trai đầu lòng. Năm 1977 cô chuyển sang ngành Thương nghiệp, nhận công tác tại Công ty Thương nghiệp Phú Khánh, phụ trách cửa hàng ăn uống tại Ninh Hòa. Năm 1979, sinh con trai thứ hai, năm 1982, sinh con thứ ba là con gái, nhưng bị bại não, nằm một chỗ cho tới nay đã 38 tuổi, tất cả mọi sinh hoạt phải do mẹ phục vụ, chăm sóc. Hội đồng giám định y khoa kết luận cháu bị phơi nhiễm chất độc da cam. Bố cháu cũng là nạn nhân chất độc da cam, thương binh ¾. Cuộc sống khó khăn lại thêm khó khăn, năm 1986 vợ chồng ly hôn, để lại 3 đứa con cho cô nuôi dưỡng. Không lâu sau đó, cô được người đồng đội cũ giới thiệu với một chiến sĩ cũng là lái xe Trường sơn năm xưa anh đã phục viên, sức khỏe, không tốt, chưa xây dựng gia đình, quê Hải Phòng và họ đã đến với nhau hợp pháp, họ có cuộc sống hạnh phúc ở Ninh Hòa, có được 2 đứa con chung. Gần đây cháu nội của cô sinh ra nhưng không hoàn chỉnh (chưa có bộ phận sinh dục nên không rõ con trai hay con gái). Bà con nội ngoại đều rất xa không giúp được gì.

Năm 1992, cô được cơ quan cho nghỉ hưu, cả gia đình chỉ có đồng lương ít ỏi của cô, do ảnh hưởng từ chiến tranh, chồng cô đau ốm luôn, hai lần tai biến, không có chế độ lương hưu hoặc trợ cấp; mọi sinh hoạt trong gia đình, cô là vai trò trụ cột. Ngoài đồng lương, cô phải chạy chợ, làm thêm nhiều việc để có thêm thu nhập. Cô thường nói “Cuộc đời ai cũng muốn ấm no, hạnh phúc nhưng số phận không như mong muốn; có những nỗi đau tự nuốt vào lòng mà chịu đựng, tự khắc phục, vươn lên với cộng đồng”. Nhờ vào tố chất khỏe mạnh, lanh lợi, vui vẻ, nói và làm đi đôi với nhau, cộng thêm bản chất "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã thấm vào máu thịt nên sẵn sàng làm việc thiện cho đồng chí, đồng đội và những người khó khăn yếu thế trong xã hội.

Cô vui vẻ nhận và làm tốt các chức vụ được giao như: Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn thị xã, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa. Các chức vụ ở phường, tổ dân phố ở cương vị nào cô cũng đều hoàn thành tốt và xuất sắc, được mọi người quý mến. Cô còn bỏ công, bỏ tiền ra tận Hà Nội gặp các đơn vị cũ, tìm lại giấy tờ, chứng kiến xác nhận giúp cho hàng chục đồng đội có đủ hồ sơ để giám định và được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học hoặc thương binh. Năm 2016, trước nhu cầu cấp bách của các hội viên và nhân dân thôn Đá Hú, Cô họp bàn và quyết định xây dựng cây cầu bê tông cốt thép dài 10m, rộng 1,4 m bắc qua con suối thường xuyên gây ách tắc mỗi khi mưa về, lũ đến, giúp đồng bào thôn Đá Hú lưu thông thuận lợi với các thôn của xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cây cầu giá trị 100 triệu đồng (cầu cách nhà cô 20km). Cô đã đứng ra đại diện cho Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn đảm nhiệm công trình. Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, Cô đã đến các cơ quan, đơn vị các nhà hảo tâm xin ủng hộ vật tư, bà con trong thôn góp đá, cát và ngày công. Suốt hơn hai tháng, cô phải thu xếp việc nhà bám sát công trình. Sau hơn 2 tháng, công trình hoàn thành, bà con nhân dân thôn Đá Hú cũng như người dân trong xã, cảm ơn cô và các Nữ chiến sĩ Trường Sơn Khánh Hòa. Ghi nhớ công lao của cô, nhân dân nơi đây đã đặt tên cây cầu là “CẦU CÔ XUÂN”, nhưng cô khiêm tốn và khiêm nhường đã không nhận mà đề nghị đặt tên là “CẦU NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN” và đã được chấp thuận.

Mỗi việc làm đạt kết quả là cô cảm thấy vui vẻ, phấn khởi như làm cho chính mình. Với những việc làm có ích giúp mọi người, cô như được tăng thêm nghị lực để vươn lên vừa hoàn thành tốt việc chung, lại đảm việc nhà./.

Đậu Quốc Hương

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...