• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Thảm họa da cam và công tác khắc phục hậu quả ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

BÀI DỰ THI: Thảm họa da cam và công tác khắc phục hậu quả ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

Huyện Quế Sơn thuộc địa hình trung du - miền núi, trong đó có nhiều nơi hiểm trở, có những dãy núi liên hoàn và những khu rừng rậm tiếp giáp với các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình... tạo nên một thung lũng, mà trong chiến tranh gọi là "Thung lũng Quế Sơn", rất lợi thế cho quân và dân Quế Sơn bám trụ, chiến đấu kiên cường trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chính vì vậy mà địa bàn nơi đây cũng bị địch tập trung đánh phá ác liệt nhất, với đủ các loại bom đạn, ngày đêm chúng thi nhau ném xuống... Trong đó có cả chất độc hóa học, nhằm khai quang các khu rừng rậm, hòng tiêu diệt quân và dân ta; nhưng chúng vẫn không khuất phục được ý chí kiên cường trụ bám "Một tấc không đi, một ly không rời" của quân và dân Quế Sơn.

Sau giải phóng năm 1975, chất độc hóa học ở Quế Sơn đã để lại những hậu quả vô cùng thảm khốc, chỉ tính riêng chất độc hóa học đã làm cho gần 2.500 người bị phơi nhiễm, hơn 600 người là NNCĐDC, nhiều căn bệnh hiểm nghèo như: ung thư, tiểu đường, thần kinh, tai biến, vô sinh... Hơn 200 trẻ em bị tật nguyền, dị hình, dị tật, câm, điếc, bại liệt, mù lòa, thiểu năng trí tuệ... Nhiều gia đình có từ 2 đến 3 người là NNCĐDC như: gia đình anh Nguyễn Ngọc Tấn, xã Quế An, chị Nguyễn Thị Én, xã Quế Mỹ...

Để khắc phục hậu quả nặng nề của chất độc hóa học, năm 2006, Hội NNCĐDC/dioxin huyện và các xã, thị trấn được thành lập. Tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin ra đời đã có nhiều cố gắng, tập trung khảo sát, rà soát, thống kê, lập hồ sơ đề nghị giám định và giải quyết chế độ chính sách đối với NNCĐDC. Đặc biệt, từ sau khi có Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương, Thông tri số 06 ngày 10/6/2015 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Chỉ thị 01 ngày 28/10/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam". Có thể nói, ở Quế Sơn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, bằng những việc làm cụ thể, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện, cùng các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn toàn huyện; đồng thời vận động mọi người tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, các cuộc vận động, ủng hộ giúp đỡ NNCĐDC và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

Tính đến tháng 11/2020, toàn huyện Quế Sơn có 607 NNCĐDC (giảm 36 người so với năm 2015), trong đó nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến là 464 người, tỷ lệ mất sức lao động từ 21 đến 40% có 47 người, mức trợ cấp 1.234.000 đồng/người/tháng; tỷ lệ mất sức lao động từ 41 đến 60% có 408 người, mức trợ cấp 2.062.000 đồng/người/tháng, tỷ lệ mất sức lao động từ 61 đến 80% có 7 người, mức trợ cấp 2.891.000 đồng/người/tháng, tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên có 02 người, mức trợ cấp 4.518.000 đồng/người/tháng.

Nạn nhân là con đẻ của những người tham gia kháng chiến (thế hệ 2) có 143 người, hầu hết trong số họ có tỷ lệ thương tật trên 60%, cụ thể là: Từ 61 đến 80% có 85 người, mức trợ cấp 974.000 đồng/người/tháng, tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên có 58 người, mức trợ cấp 1.624.000 đồng/người/tháng.

Với mức trợ cấp như trên, mỗi năm ngân sách Nhà nước chi hơn 13,2 tỷ đồng để trợ cấp cho NNCĐDC của huyện.

Đối với tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin huyện, trong 5 năm (2015 - 2020), đã vận động nguồn lực tổng giá trị hơn 5,6 tỷ đồng để giúp đỡ nạn nhân và người bị phơi nhiễm, trong đó: tặng 48 con bò giống, trị giá 576 triệu đồng, hỗ trợ để xây mới 7 nhà nhân ái, mỗi nhà 50 triệu đồng, sữa chữa 10 nhà, mỗi nhà được hỗ trỡ 20 triệu đồng; tặng 30 sổ tiết kiệm, trong đó: 3 sổ, mỗi sổ 100 triệu đồng, 8 sổ, mỗi sổ 50 triệu đồng và 19 sổ, mỗi sổ 10 triệu đồng; trao 105 xe lăn, xe lắc do tổ chức Trả lại tuổi thơ và các tổ chức thiện nguyện khác tặng, tổng giá trị 210 triệu đồng; tặng 25 xe đạp cho con em gia đình nạn nhân và người bị phơi nhiễm chất độc hóa học trị giá 37 triệu đồng và tặng hàng nghìn phần quà vào các dịp lễ, tết...\

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Hội NNCĐDC/dioxin huyện Quế Sơn đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tập trung tuyên truyền, vận động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc "Xoa dịu nỗi đau da cam" trên địa bàn huyện.

Những vết thương của chiến tranh cũng đã lành, nhưng nỗi đau da cam thì vẫn còn dai dẳng... cuộc sống của họ sẽ càng trở nên khó khăn hơn bởi tuổi cao, sức yếu và bệnh tật hoành hành, đối với nạn nhân thế hệ 2 thì tỷ lệ thương tật rất cao nhưng mức trợ cấp lại rất thấp, đó cũng là những bất cập và gặp không ít khó khăn với họ.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), đây là dịp để mọi người nhớ về quá khứ đau thương của chiến tranh, tưởng nhớ và biết ơn những người đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam tại Việt Nam, trong xu hướng của một đất nước đang hội nhập và phát triển.

"Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" là thông điệp do Trung ương Hội phát động mà cả cộng đồng đã và đang hướng đến. Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng, mọi tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm với tấm lòng thiện nguyện sẽ tiếp tục có những việc làm đầy ý nghĩa hơn nữa, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và tổ chức Hội sớm khắc phục hậu quả chất độc hóa học và xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn huyện./.

Hồng Quang Minh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác