• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Vẽ lại cuộc đời bằng ánh sáng niềm tin

BÀI DỰ THI: Vẽ lại cuộc đời bằng ánh sáng niềm tin

Hòa chung không khí các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhân Kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam, tôi lấy làm vinh dự, khi được tham gia cuộc thi viết về tấm gương vươn lên, vượt qua nỗi đau chất độc da cam với phóng sự: “Cô Cao Thị Quí – Vẽ lại cuộc đời bằng ánh sáng niềm tin” (hai vợ chồng cô và 3 người con bị nhiễm chất độc da cam).

Cô Cao Thị Quí vẽ lại cuộc đời bằng ánh sáng niềm tin

Mối duyên kỳ lạ tại chiến khu

Tìm đến phường Trường Thọ, thành Phố Thủ Đức, hỏi về cô Cao Thị Quí – chú Hồ Văn Chiêu (chồng cô), người dân ai nấy đều niềm nở, nhiệt tình chỉ đường đến nhà cô chú. Hỏi ra mới biết, bà con địa phương rất quý đôi vợ chồng này bởi nghị lực vượt qua số phận của họ. Nhà của cô Cao Thị Quí không khó tìm, tương đối khang trang, đầy đủ và gọn gàng. Vui vẻ đón tiếp chúng tôi, cô Cao Thị Quí nhanh tay pha một ấm trà nhỏ, mang thêm chút kẹo mứt để cùng chuyện trò. Khi được hỏi về những năm, tháng hoạt động của cô chú tại chiến khu D, chú Hồ Văn Chiêu rất mở lòng, ôn tồn kể về những năm tháng hào hùng ấy và mối duyên kỳ lạ của đời mình tại chiến khu.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, chú Hồ Văn Chiêu từ sớm đã được giáo dục tinh thần yêu nước từ chính phụ thân là cụ Hồ Văn Lài - cán bộ hoạt động bí mật trong lòng địch, Sư đoàn 307. Chỉ mới 12 tuổi, chú Chiêu đã gan dạ theo cha vào đơn vị hoạt động với tên gọi là Nguyễn Hữu Trong. Năm 1960, cụ Hồ Văn Lài hy sinh, chú Chiêu nén nỗi đau, quyết tâm trụ lại đơn vị nhằm tiếp nối lý tưởng cách mạng của cha, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đến cùng.

Cô Cao thị Quý (người đầu tiên)

Trong khi đó, cô Cao Thị Quí (sinh năm 1945), cũng sinh trưởng từ một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, đã 76 tuổi, cô Quí vẫn nhớ như in bước ngoặt trong cuộc đời mình chính là vào năm 1962, đi theo lý tưởng cách mạng, cô tham gia vào Ban Tuyên huấn Sài Gòn – Gia Định, hoạt động tại căn cứ R. Và trong thời gian hoạt động cách mạng, cô quen biết, dần dần có cảm tình rồi bén duyên cùng chú Hồ Văn Chiêu

Nắm tay người bạn đời của mình, chú Hồ Văn Chiêu nhớ từng mốc thời gian mà hai người đã đi qua, kể lại vanh vách từng chi tiết một. Chú Chiêu cho biết năm 1968, chú kết hôn cùng cô Quí, giữa chiến khu mưa bom, bão đạn, hai người bên nhau chiến đấu, đồng hành suốt 28 năm đến dấu son ngày 30/4/1975. Một tháng sau đó, chú Hồ Văn Chiêu và cô Cao Thị Quí chuyển công tác. Năm 1998, chú Chiêu chính thức nghỉ hưu theo chế độ. Vẫn tưởng cuộc đời sẽ êm đềm trôi qua, nhưng cô chú không ngờ, phía trước lại là nghịch cảnh…

Khi nỗi đau chồng nỗi đau

28 năm lăn lộn khắp các chiến trường, chú Hồ Văn Chiêu kể rằng bản thân bao giờ cũng kiên cường, dũng cảm đối mặt với cái chết, đôi khi chỉ cách gang tay. Nhưng thời khắc biết bản thân đã mang trong mình căn bệnh quái ác từ chất độc da cam/dioxin, chú lại bần thần và trong lòng không khỏi vụn vỡ. Biết chuyện, cô Cao Thị Quí, dù rất đau đớn nhưng vẫn giấu nhẹm đi nỗi lo sợ, động viên người bạn đời giữ tinh thần lạc quan.

Cứ thế, cô Cao Thị Quí và chú Hồ Văn Chiêu nỗ lực tìm cách vươn lên, cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Niềm an ủi, hạnh phúc nhất với cô chú là sự ra đời của những đứa con kháu khỉnh, đáng yêu. Cô Quí cho biết, con gái đầu là chị Hồ Thị Kim Thoa sinh năm 1968, lành lặn ra đời, trộm nghĩ sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi chị Thoa đi học, rồi lập gia đình, đi làm được một thời gian thì bắt đầu có biểu hiện của bệnh khớp, xương thoái hóa. Đến lúc bệnh phát nặng, toàn thân chị Kim Thoa bắt đầu mệt mỏi, tay chân run rẩy, không thể làm gì, đành nghỉ việc ở nhà phụ giúp chồng con. Bấy giờ, bằng linh cảm của một người mẹ, cô Quí bắt đầu cảm thấy sự bất an âm ỉ trong lòng…

Năm 1974, người con thứ hai ra đời, là anh Hồ Thành Nam từng làm việc tại Phòng Kinh doanh Bưu điện Thủ Đức. Anh Nam được đánh giá là một nhân viên mẫn cán, nhưng vì mắc căn bệnh tiểu đường biến chứng, anh đành nghỉ việc giữa chừng. Theo lời chú Chiêu, đây cũng là di chứng từ chất độc da cam.

Đến người con gái út của cô chú là chị Hồ Thị Kim Chi, sinh năm 1976, phát hiện bị bệnh ung thư khi đang mang thai cháu thứ 2 trong bụng. Công tác tại Ủy ban nhân dân phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, bằng nghị lực của người cán bộ, chị Kim Chi vẫn lạc quan, tin tưởng, cố gắng vượt qua căn bệnh ung thư vòm họng quái ác trong người để tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.

Dũng cảm chiến đấu tại chiến trường miền Đông và Tây Nam Bộ, chú Chiêu trở về cuộc sống đời thường với nhiều căn bệnh quái ác trong cơ thể. Di chứng chiến tranh khốc liệt, âm thầm tàn phá cuộc đời chú. Cuộc sống của của người lính sau chiến tranh vốn nhiều khó khăn, nay lại càng thêm trắc trở khi ba người con đều bị nhiễm chất độc da cam. Đã có lúc, cô Quí và chú Chiêu tưởng chừng không thể vượt qua vì nỗi đau chồng nỗi đau…

Lần hồi từng mảng kí ức, nhớ lại thời điểm cả gia đình phải ăn sắn, ăn rau thay cơm, gương mặt khắc khổ của cô Quí thoáng nét đượm buồn; đôi mắt cô ướt lệ khi cả một quãng thời gian khốn khó hiện về. Khi đã thống nhất, đất nước bắt đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, thời buổi tái thiết, gia đình cô còn nhiều khó khăn. Với đồng lương ít ỏi, không đủ sống, vợ chồng cô Quí bươn chải đủ nghề trong cuộc mưu sinh.

Sau giờ làm ở cơ quan, vợ chồng, ai nấy, luôn tay, luôn chân, chăn nuôi thêm heo, gà nhằm kiếm thêm chút thu nhập để trang trải, nuôi các con ăn học. Thế nhưng, việc đảm bảo vệ sinh, môi trường nơi sinh sống, cộng thêm dịch bệnh phát sinh, chăn nuôi không có lãi, khiến cô chú không thể tiếp tục công việc này. Tuổi tác đã cao, con cái nheo nhóc, bệnh tật liên miên… cô Quí cho biết: cái ăn cho cả nhà đã phải chật vật, chạy lo từng bữa; nay tiền chữa bệnh cho con và chồng cứ leo thang, bao nhiêu cũng không đủ, khó khăn không sao kể hết! Cả gia đình lúc này phải chui rúc trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, xiêu vẹo và bế tắc…

Tiếp lời, chú Chiêu bồi hồi chia sẻ: khi nhìn số tiền tích lũy dần cạn kiệt, trong khi tuổi tác ngày càng cao, cứ trái gió, trở trời là đau nhức không chịu thấu… có kiên cường đến đâu đi nữa cũng không tránh khỏi sự tủi hổ. Nhiều đêm, vợ chồng cô chú cứ trằn trọc mãi không ngủ được, nhưng không dám nức nở vì sợ người bạn đời của mình thêm lo lắng, dằn vặt. Để rồi, họ quyết tâm không đầu hàng nghịch cảnh, phải tìm cách vươn lên…

Quyết định làm thay đổi nhiều cuộc đời

May mắn thay, năm 1976, được sự quan tâm của chính quyền nơi cô Quí công tác đã cấp cho đất ở. Đối mặt với nhiều khó khăn, đến năm 2018, cô Quí cùng chú Chiêu quyết định nhượng lại một phần đất để có vốn sinh nhai. Phần tiền có được, cô chú dùng chữa bệnh cho con, rồi bàn nhau sửa chữa lại căn nhà hiện hữu bởi chỉ khi “an cư” mới có thể lạc nghiệp. Tuân thủ quy định, đảm bảo môi trường sống, mỹ quan đô thị, cô chú không chăn nuôi mà chuyển sang xây 3 kiot nhỏ nhằm tạo thêm thu nhập; cộng vào phần lương hưu của hai vợ chồng cũng đủ sống qua ngày.

Đưa mắt ngắm căn nhà nhỏ của mình, chú Chiêu cho biết: “Có nhà, có kiot cho thuê thế này đã mãn nguyện lắm rồi. Gia đình chú sẽ gắn bó với tổ ấm này đến cuối đời. Đây là tình, là nghĩa của Đảng, Nhà nước và đồng chí, đồng đội dành cho vợ chồng tôi; là minh chứng để giáo dục con cháu về sự nỗ lực vươn lên, nối tiếp truyền thống của gia đình từ thuở hàn vi mà có được hôm nay. Ngược lại, bản thân chú cũng nhìn các con, các cháu mà cố gắng mỗi ngày. Mình còn sống ngày nào, còn sức lực ngày nào thì mình sẽ còn làm việc hết mình ngày đó. Đó cũng là cách để khi nhắm mắt, xuôi tay không phải lo lắng vì mình bỏ con cái bệnh tật ở trên thế gian này”.

Về phần mình, cô Quí luôn tự động viên bản thân phải lạc quan mà vui sống, cô bộc bạch: Trở về sau chiến tranh, nỗi đau lớn nhất là bản thân mình, con mình cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin và bệnh tật. Tôi xác định, bước chân vào cuộc kháng chiến mà còn sống đã là may mắn lắm rồi, bởi vậy dù mang trên mình những nỗi đau đó, người lính chúng tôi không còn cách nào khác là phải chấp nhận, đương đầu mà vươn lên”.

Khi kinh tế gia đình đi vào ổn định, chú Chiêu và cô Quí không chọn nghỉ ngơi với cuộc sống lặng lẽ, khép kín. Thay vào đó, đôi vợ chồng này đã tích cực phối hợp, tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội NNCĐDC/dioxin ở địa phương, như phong trào xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công...

Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin quận, ông Nguyễn Văn Luông chia sẻ gia đình Chú Chiêu, cô Quí là hội viên tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nổi bật là việc đóng góp cho cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị", thực hiện phân loại rác tại gia đình; 100% gia đình hội viên đạt chuẩn gia đình văn hóa… Được biết, gia đình chú Chiêu - cô Quí đã được Hội NNCĐDC/dioxin thành phố tặng 3 giấy khen cho cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào hành động "Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thủ Đức năm 2018".

Bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, cô Quí và chú Chiêu đã vượt lên số phận, làm nên điều kỳ diệu. Chú Chiêu tự hào cho hay: nhờ người bạn đời nhất mực yêu thương, chăm sóc và động viên, bản thân mới không gục ngã; quả thật, chính sự lạc quan, kiên cường, cô Quí đã hun đúc, cùng các thành viên trong gia đình quyết vẽ lại cuộc đời bằng một niềm tin mãnh liệt. Tấm gương của cô – một người vợ son sắt, thủy chung; một người mẹ bao dung, tuyệt vời; người đồng chí đầy trách nhiệm sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối.

Thật vậy, chiến tranh đã lùi xa, tuy nhiên, các di chứng trên cơ thể và vết thương lòng của những mảnh đời chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến vẫn còn đó, âm ỷ và rỷ máu. Chất độc da cam do Mỹ phun bị rải đã phủ một màu đen tối lên nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Mong rằng cô Cao Thị Quí – chú Hồ Văn Chiêu cùng các nạn nhân mang căn bệnh quái ác từ chất độc da dan dioxin sẽ không từ bỏ niềm tin, để nỗ lực chiến thắng số phận, sống phần đời còn lại thật ý nghĩa và đáng nhớ!

Năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin từ quận đến cơ sở đã làm tốt công tác là cầu nối vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho NNCĐDC, những trường hợp hội viên khó khăn, đau bệnh nặng. Nhân kỷ niệm ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam, Quận ủy - UBND quận tặng mỗi nạn nhân một phần quà nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NNCĐDC trên địa bàn với tổng kinh phí 25,4 triệu đồng. Trong năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận đã hỗ trợ 2 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 3,6 triệu đồng/năm.

Cô Cao Thị Quí (Người thứ 2 bên phải )

Thành phố Hồ Chí Minh tặng giấy khen cho 3 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào hành động "Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thủ Đức năm 2018"./.

Đào Hoa Tươi

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...