• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Báo chí các nước đưa tin về vụ kiện của bà Trần Tố Nga

Báo chí các nước đưa tin về vụ kiện của bà Trần Tố Nga

Việc Tòa án Evry của Pháp đưa ra xét xử đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ của bà Trần Tố Nga ngày 25/1 vừa qua đã được các phương tiện truyền thông của nhiều nước quan tâm, nhất là các báo Pháp. Hàng chục tờ báo, đài phát thanh, truyền hình của Pháp và các nước đã đăng tin, bài về vụ xử.

Đưa tin về sự kiện này, các báo đều dẫn tư liệu của các nhà khoa học Mỹ, của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhắc lại tội ác của Mỹ trong việc tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, phá hủy 3 triệu héc-ta rừng và đất canh tác, hủy hoại môi trường, sinh thái trên ¼ diện tích miền Nam Việt Nam, làm 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc, hàng triệu người vẫn đang phải gánh chịu hậu quả do chất độc hóa học gây ra, hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật. Đến nay ảnh hưởng của chất độc hóa học đã truyền sang thế hệ thứ ba, thứ tư...

Tập hợp ủng hộ bà Trần Tố Nga ở quảng trường Trocadéro, Paris ngày 30/1/2021 sau khi Tòa án Evry xét xử vụ kiện của bà kiện các công ty hóa chất Mỹ

Hầu hết các báo đều coi đây là một vụ kiện “lịch sử” và nhấn mạnh, lần đầu tiên các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam “bị ra tòa”, lần đầu tiên tội hủy diệt sinh thái (Ecocide) bị xét xử, lần đầu tiên tòa án Pháp xử các công ty hóa chất Mỹ về hành động gây hại cho công dân Pháp ở nước thứ ba…

Tờ Nhà quan sát mới (Le Nouvel Observateur) của Pháp ngày 25/1 viết: “Đây là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử về tội hủy diệt sinh thái”, vụ kiện “chất độc da cam”, một loại “thuốc diệt cỏ” đã làm cho hàng triệu người bị nhiễm độc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam… “Nếu thắng lợi, vụ kiện sẽ là án lệ để xem xét trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ trong việc gây ra tổn hại cho sinh mạng con người và môi trường”.

Tờ Giải phóng (Libération) đăng bài của tổ chức “Tập hợp vì nạn nhân dioxin Việt Nam” nhận xét vụ kiện tiến triển “chậm nhưng chắc” và đã được thực hiện do có một điều luật cho phép công dân Pháp có thể kiện một thể nhân hay một pháp nhân về những hành vi gây hại cho công dân Pháp bên ngoài lãnh thổ nước Pháp và “do có hai quốc tịch và với tư cách nạn nhân chất độc da cam, bà Trần Tố Nga hội đủ các điều kiện cần thiết để kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất và phân phối các sản phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe này”.

Bài báo nhấn mạnh, 45 năm qua cả Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ đều không chịu thừa nhận trách nhiệm của họ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Trong khi các cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường 180 triệu USD thì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chưa hề được thừa nhận theo pháp lý; đơn kiện của họ thậm chí đã bị Tòa án Tối cao của Mỹ bị bác, không thụ lý từ năm 2009.

Các báo còn kể về quãng đời tham gia kháng chiến ở Việt Nam của bà Trần Tố Nga và cho rằng vụ kiện của bà chống các công ty hóa chất Mỹ cũng là một cuộc chiến đấu, “cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Trần Tố Nga”. Các báo dẫn lời bà Trần Tố Nga nói: “Tôi không đấu tranh cho bản thân tôi, mà là cho các con tôi và hàng triệu nạn nhân”. Tờ Tin thành phố của Toronto, Canada dẫn tin hãng AP của Mỹ nói rằng, bà Trần Tố Nga đòi các công ty Mỹ phải bồi thường thiệt hại vì chất độc hóa học của các công ty này đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho bà, trong đó có bệnh ung thư và cho các con của bà và nếu tòa quyết định buộc các công ty Mỹ phải bồi thường cho bà thì đây sẽ là lần đầu tiên có sự bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đài BBC của Anh, tờ Japan Times của Nhật Bản, tờ Bangkok Post của Thái Lan, tờ Taipeh của Đài Loan và nhiều tờ báo của Mỹ, Anh, Canada đã dẫn lời bà Valérie Cabanes, chuyên gia về luật quốc tế của Pháp cho biết, mỗi năm có tới 6.000 trẻ em ở Việt Nam bị chẩn đoán là “dị tật bẩm sinh” và “việc thừa nhận các nạn nhân thường dân ở Việt Nam sẽ tạo thành một tiền lệ pháp lý”.

Tuy nhiên, các báo cũng nêu lên khó khăn của vụ kiện. Tờ Giải phóng cho biết, bà Trần Tố Nga đã được nhiều tổ chức phi chính phủ hậu thuẫn và luật sư bênh vực cho bà Nga là William Bourdon, một luật sư nổi tiếng với việc bênh vực các nạn nhân dưới thời Pinochet ở Chi-lê và vụ kiện tội diệt chủng ở Ru-an-đa. Cùng với William Bourdon còn có hai cộng sự là Bertrand Repolt và Amélie Lefèbrve. Tuy vậy, theo bài báo, ba luật sư nêu trên đã phải đối chọi với khoảng 30 luật sư biện hộ cho các công ty hóa chất Mỹ trong quá trình diễn ra các phiên thủ tục.

Các báo nhận xét, đây là “một trận đấu giữa David và Goliath” (câu chuyện trong Kinh Thánh kể về chàng David nhỏ bé với một chiếc súng cao su đã chiến thắng người khổng lồ Goliath có cây giáo to), vì bà Trần Tố Nga một mình phải chống lại cả một “đội quân hùng hậu” các luật sư của bên bị kiện. Tại phiên tòa ngày 25/1, có đến 15 luật sư đã ra tranh cãi cho các công ty hóa chất Mỹ.

Phản ánh về cuộc tranh luận giữa các luật sư của hai bên, hãng thông tấn AFP của Pháp cho biết, tiếp xúc với hãng tin này trước khi diễn ra phiên tòa, đại diện Công ty Bayer, công ty hóa chất của Đức mới mua lại Monsanto, đã nói: “Chất da cam được sản xuất dưới sự quản lý duy nhất của Mỹ và hoàn toàn cho mục đích quân sự”.

Về cuộc tranh tụng tại phiên xét xử, các báo nhắc lại luận điểm của các luật sư bào chữa cho các công ty hóa chất Mỹ nói rằng, tòa án của Pháp “không có thẩm quyền” xét xử các công ty hóa chất của Mỹ vì các công ty này “hành động theo lệnh của Nhà nước”. Jean-Daniel Bretzner, luật sư của Monsanto, còn ngang ngược nói: “Chúng tôi làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ và nhân danh Chính phủ Mỹ”, và “Không thể bắt Chính phủ Mỹ ra trả lời trước tòa của nước ngoài nên các công ty chúng tôi cũng phải được miễn trừ truy tố”. Còn Laurent Martinet, luật sư của Công ty Dow Chemical thì nói: “Tòa án Pháp không có quyền kiểm soát hành vi của một quốc gia khác có chủ quyền”. Laurent Martinet đe dọa bà Thẩm phán Chủ tịch phiên tòa: “Đừng phạm vào cái mà Tòa Giám đốc thẩm gọi là “lạm quyền”.

Đáp lại các luận điểm trên, theo Le Point, Bertrand Repolt, một trong 3 luật sư bênh vực bà Trần Tố Nga nói: Các công ty hóa chất đã nhận “mời thầu” của Chính phủ Mỹ chứ không phải là “làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ”. Trong khi đó, Amélie Lefèbrve, một luật sư khác của Văn phòng Luật sư William Bourdon và các cộng sự đưa ra bằng chứng chứng minh rằng, các công ty hóa chất Mỹ đã biết rất sớm dioxin là một chất cực độc nhưng vẫn cố sản xuất và bán loại chất độc này vì “bán loại sản phẩm này cho Chính phủ Mỹ kiếm được rất nhiều lời”.

Về luận điểm của Brigitte Daille-Duclos, Luật sư của Occidental Chemical Corporation nói rằng, các công ty hóa chất không thể không sản xuất theo lệnh của Chính phủ Mỹ vì có một điều luật của Mỹ bắt buộc các công ty tư nhân phải tham gia phục vụ chiến tranh nếu không sẽ bị “xử về tội hình sự”, Luật sư William Bourdon đáp lại rằng, vẫn có thể bất tuân lệnh chính phủ nếu mệnh lệnh đó có tội và là một mệnh lệnh bất hợp pháp theo nguyên tắc đã được Tòa án quốc tế Nuremberg thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Các luật sư bên bị còn phủ nhận mối liên hệ nhân quả giữa các bệnh mà bà Trần Tố Nga kể ra với việc phơi nhiễm chất độc hóa học. Luật sư Laurent Martinet của Công ty Dow Chemichal nói rằng, theo kết quả phân tích máu của Trần Tố Nga từ năm 2012, bà chỉ có 3,49 picogramme dioxin trong 1 gramme máu, tức là “hoàn toàn như mức trung bình của người dân châu Âu”. Luật sư bênh vực bà Trần Tố Nga đề nghị Tòa cho bà Nga đi kiểm tra lại sức khỏe, nhưng luật sư của các công ty đề nghị tòa không chấp nhận đề nghị đó và yêu cầu Tòa kết thúc vụ kiện.

Sau khoảng 5 giờ tranh luận giữa các luật sư của hai bên, Tòa án Evry tuyên bố ngày 10/5 tới đây sẽ trả lời đề nghị của các bên./.

Phạm Trương

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...