• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Cảm phục gia đình NNCĐDC vượt lên số phận

Trong hành trình của Tạp chí Da cam Việt Nam, đồng hành cùng đại diện Tập đoàn Synot Asean, tri ân nhân ngày TBLS 27/7; Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam và Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2023; Đoàn công tác đã thăm gia đình ông Bùi Đức Khai, trú xóm 4A, thôn Mỹ Thanh, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; ai cũng vô cùng ngỡ ngàng trước một khung cảnh khuôn viên sang trọng, ngôi nhà khang trang, ngăn nắp. Phía trong được ốp gạch và gỗ sáng bóng làm nơi thờ cúng liệt sĩ và thờ cúng tổ tiên.

 Đoàn công tác tặng quà gia đình ông Bùi Đức Khai ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An

Đó là ngôi nhà đặc biệt của hai con người tưởng như sẽ lụi tàn dưới đáy của xã hội bởi chất độc da cam đã hoành hành gia đình trong hơn 40 năm qua.

Hình ảnh đập vào mắt là hình hài một con người teo tóp co quắp mà không ai có thể đoán tuổi, đó là cô con gái của ông bà, nay gần 40 tuổi nhưng luôn phải trong vòng tay đỡ đần của người mẹ, bởi bản thân cô gái không tự làm được những gì cho bản thân, tất cả, từ vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ đều do người mẹ chăm bẵm suốt 40 năm nay và người mẹ không thể rời cô bất cứ lúc nào.

Mẹ của cô gái NNCĐDC thế hệ thứ 2 ấy là bà Võ Thị Hoàn; bộc bạch chia sẻ, bà là con liệt sĩ độc nhất, hiện nay bản thân vẫn đang hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước gần 3 triệu đồng mỗi tháng bởi bố đẻ là liệt sĩ độc nhất. Bố bà là liệt sĩ Võ Quý Toàn, hi sinh ở mặt trận Quảng Trị. Khi mẹ mang bầu được 7 tháng thì bố hi sinh, bà chào đời đã là bé mồ côi; ở với cố ngoại đến 7 tuổi thì sang ở với dì em mẹ, một buổi đi học một buổi ở nhà trông em, gì thì đi làm ở Hà Giang. Ở với gì suốt 22 năm, hồi đó đi học, thầy hiệu trưởng cám cảnh con liệt sĩ độc nhất nên xét cho hưởng 2 suất học bổng. Đến khi học hết lớp 10, là con liệt sĩ nên được ưu tiên xuất khẩu lao động nhưng bản thân chỉ nặng 37kg, không đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài, đành ở nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, số trời cho bà gặp anh thương binh nặng đang chăm sóc điều dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng thương binh Nghệ An, cảm thấy hợp nên kết duyên vợ chồng. Lúc đó, hai vợ chồng mới quyết tâm đi tìm mộ bố ở Quảng Trị, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh và trong ngôi nhà có một góc thiêng thờ bố.

Bà Võ Thị Hoàn kể, khi sinh con rồi mới thấy nản, chồng thì thương binh lại nhiễm chất độc da cam. Bà sinh 2 đứa đầu một đứa sinh năm 1984, một đứa sinh năm 1987, nhưng cả hai đều bị dị tật và mất ngay khi mới lọt lòng; còn đứa thứ 3, sinh năm 1985 cũng bị dị tật hiện gần 40 tuổi đó, nên vợ chồng cố gắng can thiệp y tế sinh thêm hai đứa sau, may mắn chúng đều bình thường và đã xây dựng gia đình.

Đại diện Tập đoàn Synot Asean tặng quà con gái ông Bùi Đức Khai, NNCĐDC thế hệ thứ 2 ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An

Ông Bùi Đức Khai, chồng bà Hoàn kể, năm 1978 ông chiến đấu ở chiến trường Campuchia, đến tháng 1/1979 giải phóng Phnompenh thì bị thương với thương tật 2/4 và được đưa về điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An. Sau khi cưới, vợ chồng ông không có nhà ở, may được chính quyền địa phương thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên cấp đất tình nghĩa nên làm được ngôi lều cấp 4 lợp lá cót, cột bạch đàn; theo đó được huyện Hưng Nguyên cấp mẫu ruộng làm lụng nuôi con. Chia sẻ với hoàn cảnh khốn khó của gia đình, Quỹ cựu chiến binh và Quỹ phụ nữ cho vay vốn 3 năm không lấy lãi, để mở ốt kinh doanh lương thực; thêm nữa vay ngân hàng Hưng Nguyên 50 triệu, vay hiệu vàng Kim Thành Huy, dựng được ngôi nhà một tầng trên đất tình nghĩa thành phố Vinh cấp, từ đó vợ chồng có động lực làm ăn, mỗi năm tích cóp sửa sang nâng cấp dần ngôi nhà, đến nay cuộc sống đã bình ổn.

Bà Võ Thị Hoàn cho biết, thời gian đã trôi qua 29 năm, biết bao thăng trầm vất vả, khó nhọc, gia đình vẫn duy trì cửa hàng lương thực ở nhà số 6, đường Tạ Công Liễn, khối 23- Phường Hồng Sơn, thành phố Vinh; Nhưng mỗi chiều bà lại chở đứa con tật nguyền do di chứng chất độc da cam về ngôi nhà ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên để chăm sóc thờ phụng ban thờ liệt sĩ và tổ tiên, rồi sáng mai lại trở xuống thành phố bán lương thực. Cửa hàng của bà được nhập các loại từ Bắc chí Nam, gồm gạo tẻ, nếp Lào, Thái Lan và các loại gạo đặc sản nổi tiếng khác.

Đến thăm ngôi nhà vợ chồng thương binh, gia đình liệt sĩ, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, những người trong đoàn công tác của Tạp chí Da cam Việt Nam, Tập đoàn Synot Asean đều kinh ngạc, cảm phục và thấy lòng mình nhẹ nhõm trước sự vượt lên số phận, vượt lên nỗi đau do hậu quả chiến tranh mà những người lính trở về luôn giữ phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.

 

Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác