• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chăm sóc hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam thường xuyên theo địa chỉ gia đình ở Thái Nguyên

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 500 gia đình nạn nhân chất độc da cam, nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để hỗ trợ giúp đỡ NNCĐDC, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Nguyên đã kêu gọi “Mỗi tổ chức, đơn vị, cơ quan hãy giúp đỡ một gia đình nạn nhân”. Nhiều cơ quan, đơn vị đã hưởng ứng, tạo nên phong trào sôi nổi. Phong trào đã giúp nhiều gia đình nạn nhân thoát nghèo, vươn lên làm giầu.

Đó là gia đình ông Nguyễn Trọng Hợp, sinh năm 1943 ở xóm Tân mỹ I, xã Tân Quang, Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, ông là nạn nhân chất độc da cam, thương binh hạng 3/4.

Trước kia ông là công nhân Xí nghiệp Toa xe Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1965 ông lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện chiến sỹ mới, ông được điều vào chiến đấu tại Quảng Nam. Đến tháng 10 -1969 ông bị thương và ra an dưỡng tại miền Bắc. Đến tháng 10- 1970 ông học trường Cán bộ quản lý xí nghiệp và đến tháng 12 năm 1973 chuyển ngành, ông làm cán bộ Tổ chức tại Trường cao đẳng cơ khí Luyện Kim. Cho đến năm 1982 ông nghỉ mất sức về sống cùng vợ con tại xã Tân Quang. Hoàn cảnh của gia đình ông rất đặc biệt. Ông cho chúng tôi biết:

- Gia đình tôi có 10 khẩu (kể cả con dâu và cháu nội), vợ tôi bị sỏi mật đã nhiều lần mổ nhưng không qua khỏi, bà đã mất năm 2013. Một mình tôi “gà trống” nuôi con. Tôi có 3 người con đều là nạn nhân chất độc da cam, cháu gái là Nguyễn Thị Hiền, cháu trai là Nguyễn Trọng Hiếu và Nguyễn Trọng Hiển . Hai đứa con một trai một gái, hai chân co quắp, chúng phải lê dịch từng tý một, vận động rất khó khăn. Không tự phục vụ được bản thân. Thâm chí khi đi ngủ vẫn phải có người khác giúp đặt mình xuống giường-hai cháu là nạn nhân mức I. Cháu gái còn lại teo cơ, gầy yếu, không tự đứng dậy được, phải có người giúp bế lên xe lăn, cháu là nạn nhân chất độc da cam loại 2. Tôi cùng người con trai bị đau dạ dầy, viêm đại tràng mãn và cô con dâu thể lực gầy yếu nhưng vẫn phải lo kinh tế và chăm sóc ba người khuyết tật, dị dạng trong gia đình.

Hôm chúng tôi vào thăm gia đình ông. Cháu Nguyễn Thị Hiền con gái lớn của ông, đi lê lết từng bước trong nhà, tâm sự với chúng tôi:

- Mỗi khi thấy bố cháu xới cỏ, chăm sóc cây ngoài vườn mà 3 chị em cháu rơi nước mắt. Vì chúng cháu không làm được việc gì giúp đỡ bố cháu.

Dừng tay làm vườn, ông Hợp vào nhà tiếp chúng tôi. Ông nói:

- Để không khí gia đình vui vẻ, tôi phải phấn đấu kinh tế gia đình ổn định, át đi nỗi đau da cam. Để tạo nguồn cảm hứng, giáo dục cho các cháu, lao động là niềm vui và hạnh phúc. Trong nhà mọi người đều có việc làm phù hợp với sức khỏe của mình. Tôi sắm máy vi tình, cho các cháu tìm hiểu kỹ thuật gieo cấy, nuôi trồng các loại cây, con để áp dụng. Mở cho các cháu xem kênh truyền hình Nông nghiệp, nông thôn cập nhật cây, con mới phù hợp với điều kiện đất bãi của gia đình. Các cháu đã xem và phát hiện được nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị phù hợp với điều kiện của gia đình.

Tôi đã mua một máy làm mỳ, làm bún, có ngày tôi làm, tiêu thụ hết 300 kg gạo. Tôi quy hoạch làm chuồng để nuôi 4 lợn nái, 10 lợn thịt 100 con gà, trồng cỏ voi để nuôi 2 con trâu cày kết hợp sinh sản.

Quanh nhà còn có nhiều đất đồi núi, tôi khai phá 15.000 m2 đất để trồng cây lấy gỗ như bạch đàn, keo, xoan… Và trồng các loại cây ăn quả. Ban đầu tôi trồng hàng trăm cây vải, nhãn, nhưng giá thị thu hoạch không cao. Hiện nay tôi chuyển sang trồng hơn 100 cây bưởi Diễn, trong đó có 50 cây đã cho thu hoạch. Đầu năm 2016, tôi tiếp tục cải tạo 2000 m2 đất trồng cây dong riềng, làm dược liệu cho Viện Y học bản địa làm thuốc chữa bệnh. Đối với việc trồng lúa, do gia đình ít lao động mà lao động lại yếu, ông mạnh dạn thuê máy cày, bừa và gieo mạ trên khay, nên vừa nhanh, năng xuất lại cao. Thu hoạc từ chăn nuôi, trồng trọt, cấy lúa mỗi năm ông cũng thu được hơn 100 triệu đồng, ổn định đời sống cho gia đình. Gia đình ông đã làm được nhà ở khang trang thiết kế phù hợp với người khuyết tật, mua sắm các tiện nghi sinh.

Do lao động giỏi, gia đình gương mẫu, từ năm 2000 trở lại đây, ông Nguyễn Trọng Hợp đã được UBND tỉnh Thái Nguyên và Hội Cựu Chiến Binh tỉnh các cơ quan chức năng tặng 10 Bằng khen, trong đó năm 2002 được Thủ Tướng Chính Phủ tặng Bằng khen; Năm 2013 ông được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về “ Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc Toàn quốc”. Ông Vinh dự được đi dự Hội nghị thi đua Toàn quốc Hội nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam năm 2013.

Mặc dù là gia đình có 4 nạn nhân chất độc da cam, xong ông không quản ngại khó khăn vẫn tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động ở địa phương, như thành viên MTTQ, người cao tuổi, Hội Cựu Chiên binh, gia đình ông luôn được mọi người tôn trọng và yêu mến.

Hỗ trợ nạn nhân phát triển kinh tế vườn ở Khe Mo, Đồng Hỷ

Mô hình trồng cây ăn quả (bưởi da xanh, cam quýt, vải nhãn) của gia đình ông Nguyễn Trọng Hợp là kết quả giúp đỡ của Hội làm vườn tỉnh Thái Nguyên, đơn vị bộ đội 210 (Quân Khu I).

Hội làm vườn giúp ông kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả. Đơn vị bội đội giúp, hỗ trợ công lao động, dọn cỏ vườn, vun xới cây và khi các con của ông ốm, đau đơn vị cử y tá bác sỹ khám bệnh điều trị.

Mô hình phối hợp này đã được Hội tỉnh Thái Nguyên, Thành phố Sông Công cùng Hội làm vườn, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn duy trì nhiều năm nay. Mô hình này đang được nhân rộng ra ở huyện Đồng Hỷ, huyện Võ Nhai. Nhiều hội viên ở Đồng hỷ như gia đình ông Lưu Ánh Bình, (ở xã Hóa Thượng) làm mô hình vườn -ao- chuồng; gia đình ông Trần Văn Hồng ở Linh Sơn nuôi ong đã phát huy hiệu quả, kinh tế gia đình đã được cải thiện rõ rệt.

Hoặc mô hình vận động các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu một gia đình nận nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội Phụ nữ TP Thái nguyên cũng đã phát động trong toàn thể hội viên ủng hộ gạo ăn hàng tháng cho những gia đình Nạn nhân chất độc Da cam có khó khăn về kinh tế. Hội Phụ nữ tỉnh đã duy trì cấp mỗi tháng 40 - 50 kg gạo cho gia đình bà Hoàng Thị Hằng (xã Động Đạt, huyện Phú Lương: gia đình bà có 4 cháu là nạn nhân chất độc da cam thiểu năng trí tuệ, không tự chủ trong sinh hoạt, kể cả vệ sinh cá nhân. Mọi sinh hoạt như ăn uống vệ sinh của 2 người con gái và một người con trai vẫn do bà trực tiếp làm). Gia đình bà Trương Thị Lưu ở xã Khôi Kỳ, Đại Từ cũng được các cơ quan đơn vị thăm hỏi giúp đỡ thường xuyên. Gia đình bà Lưu cũng có 3 người con thiểu năng trí tuệ, không làm được việc gì. Gia đình bà rất khó khăn về kinh tế.

Mô hình giúp đỡ trực tiếp thường xuyên những gia đình nạn nhân chất độc da cam đặc biệt khó khăn đã được Hội phát động và nhân rộng trong toàn tỉnh. Đây là việc làm thiết thực, hiệu quả tri ân, bù đắp những mất mát của các gia đình chính sách, người có công, nạn nhân chất độc da cam được cộng đồng trong tỉnh Thái Nguyên ủng hộ và tự nguyện đồng hành.

Lưu Sỹ Mùi (Văn phòng tỉnh Hội NNCĐDc/dioxin Thái Nguyên)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác