• Thứ hai, 28/04/2025 - 22:52
  • Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chiến thắng 30/4 - sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình

Cách đây 50 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân ta.

Để có được thời khắc lịch sử đó, cả dân tộc ta đã bền gan vững chí, kiên trì đấu tranh, vượt qua chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945; trong đó có 21 năm kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh, gian khổ. 
Trong các năm 1973, 1974, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi cho cách mạng, ta đã giành thế chủ động trên chiến trường, phát triển mạnh cả về lực lượng và vũ khí trang bị, đủ sức đánh lớn; sau khi Mỹ rút quân theo hiệp định Paris (27/1/1973), quân nguỵ bị động lúng túng, sức chiến đấu giảm sút nhiều. Trước tình hình đó, cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. 

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến. (Ảnh tư liệu).

Để chuẩn bị lực lượng, từ năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập: Quân đoàn 1 (10/1973), Quân đoàn 2 (5/1974), Quân đoàn 4 (7/1974), Đoàn 232 (tương đương quân đoàn - 2/1975), Quân đoàn 3 (3/1975). Việc thành lập các quân đoàn đã đánh dấu bước phát triển mới về quy mô tổ chức lực lượng của Quân đội ta; đủ khả năng tổ chức các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành, quy mô lớn.
Đầu năm 1975, trước thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị đã họp, hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; khi có thời cơ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Theo đó, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương đã họp quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; thông qua kế hoạch tác chiến năm 1975, trong đó xác định hướng tiến công chiến lược, mở đầu tại mặt trận Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột. 
 Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 4/3/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã chính thức ra lệnh nổ súng đánh tạo thế và nghi binh ở bắc Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ngày 10 và 11/3/1975, quân ta bất ngờ tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận then chốt quyết định của chiến dịch. Tiếp đó, từ ngày 14/3 đến ngày 3/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt lực lượng phản kích và nhiều vị trí quân địch, giải phóng tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên. 
Nét đặc sắc về nghệ thuật trong chiến dịch Tây Nguyên là, ta đã khéo léo nghi binh, lừa địch, làm cho chúng phán đoán sai lầm là ta sẽ mở chiến dịch đánh lớn ở bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Pleiku); nhưng ta đã bí mật cơ động lực lượng chuẩn bị chiến trường và bất ngờ đánh vào Buôn Ma Thuột (nam Tây Nguyên). Đòn tiến công chiến lược này đã làm rung chuyển hệ thống phòng thủ của địch, gây cho chúng hoang mang, tạo ra đột biến về chiến lược.
Để bắt địch phân tán lực lượng đối phó, cùng với chiến dịch Tây Nguyên, ngày 5/3/1975, quân ta đồng thời mở Chiến dịch Trị -Thiên- Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị (19/3). Từ ngày 21 đến 26/3/1975, quân ta tiến công giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị - Thiên; sau đó phát triển “tiến công trong hành tiến” quy mô lớn giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975), làm thay đổi cục diện so sánh thế trận, có lợi cho ta. 
Phát huy thắng lợi, với phương châm chỉ đạo “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng…”, bằng phương pháp “tiến công trong hành tiến”, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương nhanh chóng tiến công địch dọc theo các tỉnh duyên hải miền Trung, tiêu diệt và làm tan rã hàng vạn quân địch, giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (1/4), Khánh Hòa (3/4)… Phương pháp “tiến công trong hành tiến” đã đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật tác chiến của quân đội ta.
Với khí thế mạnh mẽ, tranh thủ thời cơ, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, bộ đội ta đã lần lượt giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; đập tan các tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang, Xuân Lộc, Biên Hòa… buộc địch co cụm về tổ chức phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn. Theo đề nghị của Bộ tư lệnh Chiến dịch, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tập trung một khối lượng lớn lực lượng và vũ khí, trang bị, chiều 26/4, ta nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân ta đồng loạt tiến công vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngày 29/4, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực số 5, 7, 25, 18 và 22 của quân đội Sài Gòn. Đúng 5 giờ sáng, ngày 30/4, quân ta mở đợt tiến công đánh thẳng vào các vị trí đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Cũng trong thời gian đó, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 (Quân đoàn 2) tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 

Xe tăng số 390 và 483 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập

Nghệ thuật quân sự nổi bật trong chiến dịch Hồ Chí Minh là, ta đã kết hợp chặt chẽ đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân; tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đặc biệt là, nghệ thuật tổ chức lực lượng thọc sâu đánh thẳng vào mục tiêu đầu não của địch, tạo điều kiện cho các hướng tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh chiếm 5 mục tiêu trong nội thành theo kế hoạch.
Sau ba đòn tiến công chiến lược then chốt ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn – Gia Định, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy quân sự khổng lồ của chính quyền ngụy, với đội quân lên tới 1,1 triệu người, có vũ khí, trang bị hiện đại; trong đó có 4 quân đoàn chủ lực, 6 sư đoàn không quân và hàng chục trung, lữ đoàn pháo binh, hải quân… 
Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một sự kiện trọng đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mang tầm vóc thời đại. Đó là thắng lợi của sự lãnh đạo, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, sự ủng hộ của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến công oanh liệt này bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quyết tâm giành độc lập, thống nhất đất nước và khát vọng cháy bỏng về hòa bình của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó đã trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng 30/4 đã tạo nền hòa bình, độc lập, thống nhất vững chắc, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. 
Chiến thắng 30/4 tiếp tục là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học từ chiến thắng 30/4 luôn nhắc nhở chúng ta phải chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo “đúng đắn, sáng tạo” và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Trong chiến tranh, phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc “khi có giặc thì toàn dân đánh giặc”, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của các binh đoàn chủ lực với nổi dậy của quần chúng nhân dân. Trong tình hình mới, phải đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, hiệp đồng quân binh chủng ở quy mô vừa và quy mô lớn… 
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Chúng ta càng nhớ ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu và các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những cựu chiến binh nạn nhân chất độc da cam… đã hy sinh, mất mát một phần cơ thể hoặc mang trong mình bạo bệnh bởi chất độc da cam/dioxin vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng, để những giá trị to lớn của Chiến thắng 30/4 luôn được giữ gìn, phát huy, tiếp thêm sức mạnh, ý chí về độc lập dân tộc, khát vọng về hoà bình, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Đại tá, Ths Nguyễn Mạnh Dũng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác