• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại

Sáng 9-12, Hà Nội ngàn năm văn hiến chào đón đoàn đại biểu về dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.

Đây là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 50 Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2022), do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Đại tướng Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: PHÚ SƠN

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo. Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Cùng dự có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thượng tướng Võ Minh Lương.

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. Ảnh: PHÚ SƠN

Dự và tham gia Đoàn chủ tịch hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Tham gia đoàn chủ tịch còn có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhân chứng lịch sử...

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, đó là “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: PHÚ SƠN

Chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là kết quả của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai; buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc; là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 130 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, TP Hà Nội, một số địa phương, cơ quan, đơn vị và các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, trong đó nhiều tham luận đã luận giải và khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Đặc biệt, trong báo cáo đề dẫn, Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho rằng: Sớm nắm bắt được âm mưu của Mỹ sẽ leo thang trở lại đánh phá miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và có nhiều khả năng chúng sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân là lực lượng chủ yếu, tập trung mọi khả năng tiêu diệt máy bay B-52. Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, sau 12 ngày đêm với 2 đợt chiến đấu, lực lượng phòng không - không quân cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52.

Trong tổng số gần 700 đại biểu dự hội thảo, có hơn 20 đại biểu là nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến dịch phòng không 12 ngày đêm và lập nên chiến công vang dội. Trình bày tham luận tại hội thảo với tựa đề: “Hành trình tên lửa phòng không vào Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, hồi tưởng: "Cuối tháng 10-1972, trong hội nghị rút kinh nghiệm của bộ đội tên lửa được tổ chức tại Sư đoàn Phòng không 361, gồm kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng tên lửa, các trợ lý chủ chốt quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, các kíp chiến đấu thảo luận, tranh luận theo đề dẫn của cơ quan tham mưu quân chủng rất sôi nổi, tâm huyết, có quyết tâm cao. Họ mang cả những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc từ lâu để cùng nhau chia sẻ, giải quyết cách đánh B-52. Để rồi, trong chiến dịch, Bộ đội Tên lửa đã đánh 192 trận, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52 (chiếm 85,3% số máy bay B-52 bị tiêu diệt trong chiến dịch)".

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu đã luận giải, nêu bật nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch phòng không, thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và sức mạnh Việt Nam; phân tích làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Từ những phân tích trên, hội thảo khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” đã giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề. Đây là đòn đánh quyết định buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ thắng lợi lịch sử này, nhiều bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, xây dựng thế trận, tổ chức lực lượng, về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến dịch phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... được đúc kết có giá trị lịch sử, hiện thực sâu sắc, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...