• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chính phủ dự kiến vay 644.515 tỷ đồng trong năm 2023

Chính phủ dự kiến huy động vốn vay năm 2023 ở mức 644.515 tỷ đồng thông qua “kênh” phát hành trái phiếu Chính phủ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài…
Chính phủ dự kiến vay 644.515 tỷ đồng trong năm 2023
Cơ cấu nợ Chính phủ từ nợ trong nước tăng mạnh, chiếm 70%, chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn phát hành dài. Ảnh minh họa: Internet

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.

Vay và chỉ tiêu trả nợ trong phạm vi cho phép

Tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vay trong nước tới 92%, thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.

Đề cập kỹ hơn về trái phiếu Chính phủ, Chính phủ cho biết, biến động trên thị trường tiền tệ, ngoại hối đã tác động mạnh tới tâm lý các nhà đầu tư. Lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ vừa qua tăng mạnh từ giữa tháng 2 đến tháng 5, sau đó duy trì ổn định, rồi tăng trở lại từ giữa tháng 7. Hiện lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp tăng 1,07-2,3% một năm so với đầu năm nay.

Các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp có xu hướng tăng lãi suất dự thầu, giảm khối lượng dự thầu. Hiện tỷ lệ dự thầu/gọi thầu bình quân tới giữa tháng 9 là 1,5 lần, giảm khoảng 1,1 lần so với cùng kỳ 2021. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ 2022.

Về huy động vốn nước ngoài, các khoản vay ưu đãi nước ngoài tính tới 9 tháng đầu năm là gần 185 triệu USD, gồm các khoản ODA từ Hàn Quốc (33,5 triệu USD); Nhật Bản (151 triệu USD). Mức lãi suất vay 0,1% một năm trong 40 năm, ân hạn 10 năm.

“Dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết 6 hiệp định, thỏa thuận vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 188 triệu USD”, báo cáo nêu.

Báo cáo Chính phủ cũng cho biết, tổng trả nợ của Chính phủ năm 2022 ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng.

Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 so với thu ngân sách nhà nước (ước khoảng 1.614 nghìn tỷ đồng tại thời điểm báo cáo) khoảng 18-19%, đảm bảo trong phạm vi mức trần 25% được Quốc hội cho phép.

Về dự nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2022, Chính phủ nêu, dự kiến khoảng 40-41% GDP, đảm bảo mục tiêu trong phạm vi mức trần nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP được Quốc hội phê duyệt.

Chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia (tính trên cơ sở kim ngạch xuất khẩu 368 tỷ USD, không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức 6-7%, cũng bảo đảm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).

Cơ cấu nợ Chính phủ từ nợ trong nước tăng mạnh, chiếm 70%

“Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô”, Chính phủ khẳng định.

Cơ cấu nợ Chính phủ từ nợ trong nước tăng mạnh, chiếm 70%, chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9). Nợ nước ngoài vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỉ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.

Báo cáo cũng cho biết, dư nợ vay bằng tiền VNĐ chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022. Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường…

Tuy vậy, Chính phủ nhận định vẫn có một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra, nhất là đối với vốn ODA, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt 65% kế hoạch.

Đáng chú ý, đến tháng 9/2022 đã có một số bộ, ngành, địa phương đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022, bao gồm: 6 bộ, ngành đề xuất trả 1.669 tỷ đồng; 9 địa phương đề nghị trả 9.970 tỷ đồng.

Áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng Việt Nam ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt đối với nợ bằng USD, và rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia…

Không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn

Trong bối cảnh, Việt Nam đối mặt với không ít rủi ro, thách thức, Chính phủ dự kiến huy động vốn vay năm 2023 ở mức 644.515 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng.

Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ như phát hành trái phiếu Chính phủ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với nguồn huy động như trên, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng (trả gốc khoảng 25.565 tỷ đồng, trả lãi khoảng 8.083 tỷ đồng).

Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt.

Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài. Dự kiến dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng…

Về giải pháp tăng cường quản lý nợ công, Chính phủ nhấn mạnh sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách. Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm.

Tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, áp dụng chính sách tài khoá linh hoạt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều yếu tố không chắc chắn.

Cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần tăng thu ngân sách để trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ, giảm áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...