Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Đó là chỉ đạo của Chính phủ với các bộ ngành, địa phương được nêu tại Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023, vừa được Thủ tướng ký ban hành.
"Khai tử" sổ hộ khẩu từ 1-1-2023 |
Chính phủ cũng giao Bộ Công an sớm kiện toàn tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Đồng thời, định kỳ hàng tháng tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao; tăng cường giao ban, kiểm tra, làm việc với UBND các địa phương, nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng, theo quy định tại Điều 38 của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ 1-7-2021). Với việc bỏ sổ sổ hộ khẩu, các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp.
Để đồng bộ về các quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
Nghị định số 104 bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: Việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…
Theo quy định mới, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số người dân phản ánh vẫn phải đến công an phường theo yêu cầu của các cơ quan chức năng khác để xin xác nhận thông tin cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải cung cấp thông tin này. Nếu như trước đây, khi sổ hộ khẩu chưa bị "khai tử", người dân chỉ cần xuất trình hộ khẩu khi làm thủ tục để xác minh thông tin cư trú.
Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng 1 trong 4 phương thức.
Phương thức thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia;
Phương thức thứ 2, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD;
Phương thức thứ 3, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;
Phương thức thứ 4 là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Chính phủ, thực hiện đồng bộ, sổ hộ khẩu
Bình luận