• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chuỗi các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam

Chuỗi các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam

Ngày 10 tháng 8 năm 1961, quân đội Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch phun rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất da cam, chứa 336kg dioxin, rải xuống ¼ diện tích miền Nam Việt Nam; 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần; 11% diện tích bị phun rải trên 10 lần; 86% CĐHH rải xuống rừng núi đầu nguồn các con sông; 14% rải xuống ruộng đồng. Hầu hết hệ sinh thái của bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đều bị hủy hoại. Dioxin là loại hóa chất độc hại nhất mà nhân loại biết đến, với liều lượng 1 picrogam (1 phần tỉ gram) có thể gây ra bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền đến đời con, cháu, chắt. Các nhà khoa học cho rằng chỉ cần 85gram dioxin là đủ để giết chết dân số của một thành phố 8 triệu người.

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trên 3 triệu người là nạn nhân. Thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng giờ, từng phút sống quằn quại, vật vã trong đau đớn từ các căn bệnh quái ác do chất độc da cam/dioxin gây ra. Chất độc da cam/dioxin di truyền xuyên thế hệ, nhiều gia đình ở Việt Nam không còn duy trì được nòi giống...

Đau đớn, khủng khiếp, tận cùng... là những từ mà nhân loại tiến bộ trên thế giới và nhân dân Việt Nam dành để chia sẻ với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Tháng 8/2021, chúng ta kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, nhằm ôn lại những đau thương mất mát của nhân dân ta, dân tộc ta, do hậu quả cuộc chiến tranh để lại. Thông qua các sự kiện, nhằm tôn vinh những tấm lòng nhân hậu trong nước và quốc tế đã đồng hành với nạn nhân chất độc da cam, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay cho toàn dân và nhất là thế hệ trẻ; góp phần thức tỉnh nhân loại cảnh giác và ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Với ý nghĩa sâu sắc và nhân văn đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng cho chủ trương và chỉ đạo hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương và đề xuất của Hội, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức hoạt động Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (Thông báo số 12440-CV/VPTW, ngày 01 tháng 07 năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng).

Ngày 25 tháng 9 năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Công văn số 9436-CV/BTGTW gửi các tỉnh, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, Ban cán sự Đảng trực thuộc Trung ương, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí Trung ương chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 405/KH-TWH, ngày 30 tháng 11 năm 2020 về tổ chức hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam, đồng thời hướng dẫn các cấp hội phối hợp với cơ quan chức năng cùng cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại các địa phương. Theo kế hoạch, tại Trung ương Hội diễn ra 3 sự kiện quan trọng là:

1. Tổ chức Đại hội Điển hình tiên tiến nạn nhân chất độc da cam lần thứ IV, dự kiến vào trung tuần tháng 7/2021.

2. Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, chữa trị”, dự kiến ngày 7-8/8/2021.

3. Mít tinh kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, dự kiến vào ngày 10/8/2021.

Thường trực Trung ương Hội đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức để triển khai các hoạt động phục vụ cho các sự kiện trên. Theo đó, các tiểu ban đã được thành lập và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đối với cuộc thi “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ nhất, năm 2020-2021, theo Ban tổ chức, đến hết tháng 3/2021 thời hạn cuối cùng nhận bài, đến nay đã có trên 500 bài dự thi gửi đến Ban Tổ chức, bao gồm công dân trong nước, quốc tế, thuộc các đối tượng: tổ chức, cá nhân, nhân dân, cán bộ, quân nhân, học sinh-sinh viên, nhà báo, hội viên Hội NNCĐDC/dioxin các cấp, người làm công tác hội... Cuộc thi đã đi được 2/3 chặng đường, Ban Tổ chức đánh giá, phân loại bài dự thi, tổ chức các vòng chấm thi và dự kiến tổ chức tổng kết và Lễ trao thưởng vào đầu tháng 7/2021.

Lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí thuộc Bộ Quốc phòng mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tuyên truyền về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Điện ảnh Quân đội và Truyền hình Quân đội, các Đoàn nghệ thuật, xây dựng phim tài liệu, các tác phẩm nghệ thuật nhằm khắc họa nỗi đau da cam, sự chung tay của xã hội, cộng đồng xoa dịu nỗi đau da cam...

Tổng cục Chính trị cũng chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức triển lãm ảnh, hiện vật với chủ đề: “Da cam - Lương tri và Công lý”, vào cuối tháng 7 đến hết tháng 8/2021; chỉ đạo Thư viện Quân đội triển khai giới thiệu sách về thảm họa da cam, nhân ngày sách Việt Nam 21/4/2021.

Tổng cục Hậu cần/Bộ Quốc phòng đã quyết định khám và cấp thuốc miễn phí cho 4.000 NNCĐDC tại 20 điểm khám trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố, do 20 bệnh viện Quân đội đảm nhiệm, tặng 5 căn nhà cho NNCĐDCvà tặng Trung ương Hội 100 triệu đồng. Theo Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đây là trách nhiệm, nghĩa tình, tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần Quân đội chia sẻ với NNCĐDC.

Có thể thấy, hệ thống chính trị trên cả nước đã vào cuộc. Các cấp hội cũng đã và đang chuẩn bị một cách tích cực, chủ động, hy vọng kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam là một hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, mang đậm tính nhân văn, nhân đạo, tạo ra cơ hội bứt phá, chuyển biến về chất trong công cuộc khắc phục hậu quả chất hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam./.

Trần Đình

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...