• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chuyển đổi số báo chí – Xu hướng không thể đảo ngược

Tại phiên thảo luận buổi sáng của Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 7-12, các đại biểu từ đã trình bày nhiều tham luận quan trọng, nhấn mạnh vai trò không thể đảo ngược cũng như những việc cần phải làm để chuyển đổi số báo chí và những khó khăn báo giới đang phải đối mặt.  

Mở đầu phiên thảo luận, nhà báo Wu Rui Ming thuộc tờ Shin Min Daily News của Singapore, cho rằng chuyển đổi số trong hoạt động báo chí đi kèm với những thay đổi lớn như áp lực về thời gian đưa tin, thông tin nóng, trình bày ngắn gọn, khai thác thông tin từ Internet, khả năng nắm bắt các kỹ năng kỹ thuật số như xử lý nhanh video clip, livestream… Nhà báo Wu Rui Ming cũng đề cập vấn đề sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyển đổi số báo chí, giúp đưa tin nhanh chóng hơn. Theo ông Wu, khó khăn đối với người làm báo trong quá trình chuyển đổi số là vừa phải đảm bảo tính tổng thể và đầy đủ thông tin của sự kiện vừa phải đưa tin nhanh chóng. Ngoài ra, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số cũng bao gồm việc phân định ranh giới giữa những gì nên làm và những gì không nên làm, cùng với đó là áp lực đem lại lợi nhuận (kinh tế báo chí). Việc cân bằng giữa những khó khăn này là điều không hề đơn giản.

Chuyển đổi số báo chí – Xu hướng không thể đảo ngược
Quang cảnh phiên thảo luận buổi sáng.

Đại diện cơ quan quản lý phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông - đưa ra bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam, công tác hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với quá trình chuyển đổi số báo chí và một số đề xuất. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra vấn đề đang được nhiều người trong giới quan tâm như kinh tế báo chí và việc sử dụng mạng xã hội trong làm quảng cáo. Một số đề xuất được đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra gồm việc các tòa soạn cần thay đổi nhận thức để có được những đầu tư đúng mức cho chuyển đổi số; kết hợp nhà báo, nhà quản lý và nhà quảng cáo trong hoạt động kinh tế báo chí; tăng cường đào tạo và bổ sung nhân lực về chuyển đổi số, bao gồm cả giải pháp đi thuê (outsourcing); ứng dụng công nghệ đo đếm thói quen người đọc nhằm làm ra những sản phẩm tốt.

Tham luận của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), do Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Liên chi Hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam - trình bày, đưa ra cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái báo chí của Đài Tiếng nói Việt Nam, phản ánh sự đa dạng và độc lập của cơ quan báo chí VOV trong ngành báo chí. Cụ thể, Đài Tiếng nói Việt Nam hiện đang có 4+1 loại hình truyền thông, bao gồm: Phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in và phân phối nội dung trên các nền tảng số. Mỗi hình thức truyền thông sản xuất với quy trình đặc thù, phục vụ các đối tượng chuyên biệt nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí nội dung chính xác, đáng tin cậy và đáp ứng đa dạng nhu cầu của người nghe, người xem.

Chuyển đổi số báo chí – Xu hướng không thể đảo ngược
Phần trình bày tham luận của VTVGo. 

Trong tham luận “Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo”, Giám đốc Trung tâm VTV Digital, Đài Truyền hình Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Phạm Anh Chiến trình bày bối cảnh hình thành của nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo, nhấn mạnh việc phải có những bước chuẩn bị chiến lược để sẵn sàng cho những thách thức trong xu thế phải cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng truyền thông mới và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Nhà báo Phạm Anh Chiến khẳng định, VTVGo là kết quả của quá trình chuyển đổi số hơn 10 năm của Đài Truyền hình Việt Nam, đem lại các giá trị về góc độ chính phủ số, kinh tế số, và xây dựng xã hội số.

Tham luận “Tài sản số, thực tế ảo, AI với hoạt động báo chí và quản trị tòa soạn số - Cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp công nghệ” do Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin, Khoa học lý luận chính trị Phạm Thị Thành và ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần và Đầu tư công nghệ OSB, là đồng tác giả đưa ra 5 bước để chuyển đổi số báo chí thành công. Năm bước đó là: Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; đưa nội dung lên nền tảng số có sẵn; đưa toàn bộ quy trình lên môi trường số; đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của tòa soạn; và phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực tòa soạn. Tham luận nhấn mạnh việc lập kế hoạch chuyển đổi số và đưa ra 6 vấn đề mà kế hoạch này cần xác định rõ: Mục tiêu chuyển đổi số; nội dung chuyển đổi số; phương thức chuyển đổi số; điều kiện chuyển đổi số (nhân lực, vật lực); lộ trình chuyển đổi số; cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm và cá nhân, tổ chức phối hợp, hỗ trợ… Ngoài ra, tham luận cũng định nghĩa, đưa ra ví dụ và nhấn mạnh giá trị của tài sản số; ứng dụng thực tế ảo và AI trong làm báo. 

Chuyển đổi số báo chí – Xu hướng không thể đảo ngược
Các đại biểu tại hội thảo. 

Phiên thảo luận buổi sáng còn có sự góp mặt của nhiều đại biểu tham gia trình bày các tham luận có giá trị khác từ các cơ quan báo chí Việt Nam và báo chí các nước trong khu vực ASEAN.

Nguồn: Báo QĐND

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...