Ngày 2/8, chị V.T (SN 1996, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) trình báo tới Công an phường Ô Chợ Dừa về việc bị lừa số tiền lên đến hơn 230 triệu đồng. Chị T cho biết, sáng ngày 30/7, chị nhận được một cuộc gọi từ số 082 732 4553 xưng là Hà Ngọc Thảo - nhân viên Bưu điện VNPost của quận Hải Châu (Đà Nẵng) thông báo chị có kiện hàng gửi tới người nhận là Nguyễn Xuân Cường tại Singapore không thành công. Kiện hàng bao gồm áo quần, 2 thẻ ngân hàng và 7 cái vảy con tê tê.
Song chị T khẳng định bản thân không hề chuyển hay đặt hàng gì qua bưu điện. Lúc này Hà Ngọc Thảo đã đọc thông tin cá nhân cũng như chứng minh thư của chị để xác thực. Chị thấy chính xác nên thật thà thừa nhận toàn bộ thông tin chính là chị nhưng một mực khẳng định không phải là người gửi đơn hàng đó.
Hà Ngọc Thảo đã nối máy cho chị T nói chuyện với bên thứ ba được giới thiệu là Công an thành phố Đà Nẵng. Đó là một người đàn ông nói giọng miền trong, tự nhận là Cảnh sát Kinh tế Quốc tế.
Chị T bị lừa 230 triệu đồng. |
Quá trình làm việc được diễn ra rất quy củ như đầu dây bên kia gọi đàm thông báo lên trung tâm, đọc thông tin của chị T để kiểm tra. Sau đó, người đàn ông chuyển sang cho người tên Vũ Huy Công để tiếp nhận sự việc của chị. Từ đó chị đã làm việc với phía tự xưng là công an qua điện thoại. Họ yêu cầu chị khai báo thông tin cá nhân cũng như tài khoản ngân hàng.
Quá trình khai báo của chị T đối với Vũ Huy Công được diễn ra ngay tại phòng trọ của chị. Đặc biệt chị phải tự chứng minh không có ai ở bên cạnh bằng cách gọi video cho người đó. "Họ xưng là công an với chất giọng rất đanh thép khiến bản thân tôi nghĩ đó không phải là lừa đảo. Tôi đã bật camera để họ thấy tôi đang ở nhà một mình. Còn phía họ, chỉ để lộ phần ngực với chiếc áo quân phục của ngành công an", chị T run rẩy kể lại sự việc.
Khi đã chắc chắn chị T ở nhà một mình, Vũ Huy Công thông báo sau khi tra cứu thông tin xác định chị có liên quan đến vụ án rửa tiền. Đáng nói đối tượng cầm đầu tên Lê Văn Linh đã bị bắt và khai nhận chị là đồng phạm. "Họ nói tôi vì túng quẫn đã bán tài khoản ngân hàng Bắc Á cho Lê Văn Linh với giá 500 triệu đồng. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì họ đề nghị tôi tải app Line Voom về điện thoại. Sau đó họ hướng dẫn tôi khai báo tất cả thông tin cá nhân trên app, trong đó có việc đưa tài khoản ngân hàng cho họ nắm giữ vì tài sản đã bị phong toả", chị T cho hay.
Chị T vì quá run sợ đã không còn tỉnh táo nên làm theo những gì phía lừa đảo hướng dẫn. Chúng yêu cầu chị phải chứng minh bản thân trong sạch bằng cách kêu gọi người thân, bạn bè chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chị.
"Hắn ta còn bắt tôi phải quay lại cuộc nói chuyện điện thoại kêu làm bằng chứng. Nhưng tôi lại không được tiết lộ với bất cứ ai về việc này vì đó là chuyên án trọng điểm, bại lộ sẽ bị phạt tiền lẫn đi tù, ảnh hưởng đến mọi người.
Đặc biệt tôi không được phép vào tài khoản ngân hàng của chính mình vì điều đó sẽ chứng tỏ tôi đang cố gắng tẩu tán tài sản. Hắn còn đanh thép dọa rằng: "Chị nên nhớ chị đang là bị hại nên đừng táy máy vào tài khoản ngân hàng hay tiết lộ cho bất cứ ai về thông tin chuyên án nếu không sẽ trở thành nghi can phạm tội"", chị T tường thuật.
Nghĩ bản thân đang vô tình dính vào một vụ án nghiêm trọng, chị T đã răm rắp nghe lời người đàn ông lạ. Và trong quá trình "làm việc" với nhau, chúng nói với chị rằng máy điện thoại của chị đang bị xâm nhập nghe lén từ một thiết bị khác thông qua icloud trên thiết bị iPhone của chị. Lúc này Công còn dàn dựng rõ kịch bản là xác định vị trí thiết bị xâm nhập và đọc rõ địa chỉ hắn đang cư trú. Sau khoảng 1 tiếng hắn thông báo đã truy bắt được đối tượng và đồng phạm gồm 12 tên, 30 chiếc máy tính. Hắn yêu cầu chị phải sắm một chiếc điện thoại khác để kết nối với cán bộ ngân hàng nhà nước cũng như bên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
"Hắn điều khiển tôi cài đặt và bấm đường link có hiện tên Bảo mật công an và logo hình ảnh công an để theo dõi, thao tác vào tài khoản ngân hàng. Tôi làm gì, đi đâu cũng phải báo cáo cho hắn biết. Thậm chí ngày nào hắn cũng giục tôi phải vay mượn tiền của bạn bè, người thân để chứng minh bản thân có tiền, không vi phạm pháp luật và đó chính là bổ sung bằng chứng. Hắn động viên tôi rằng chỉ trong vòng 72h, tài sản sẽ được trả về. Tôi đã làm theo và vay mượn 180 triệu đồng của bạn bè cùng với gần 60 triệu đồng có sẵn trong đó", chị T nói.
Lệnh bắt giữ hình sự và phong toả tài sản giả mạo. |
Giấy chứng nhận tài sản giả mạo sau khi chị T chuyển tiền cho các đối tượng. |
Dù đã chiếm đoạt hơn 230 triệu đồng song đối tượng tự nhận tên là Vũ Huy Công vẫn dọa nạt chị T rằng số tiền đó chưa đủ để chứng minh chị vô tội. Chị vì quá áp lực với mọi chuyện nên quyết định tâm sự với đồng nghiệp mong được giúp đỡ. Khi đó chị mới biết bản thân đã bị lừa.
"Lúc đó tôi vội vào tài khoản ngân hàng để kiểm tra thì không thể truy cập được vì sai mật khẩu. Sau đó tôi ra ngân hàng với hi vọng được giúp đỡ thì phát hiện toàn bộ số tiền trong thẻ đã được rút tại nhiều cây ATM khác nhau", chị T thông tin.
Công điều khiển chị T cài đặt và bấm đường link có hiện tên Bảo mật công an để theo dõi, thao tác vào tài khoản ngân hàng. |
Theo cơ quan công an, thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.
"Đa phần đây thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý", cơ quan công an cho biết.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Bình luận