Phương án đấu giá biển số xe lần đầu tiên được Cục CSGT đề xuất năm 1993 nhưng chưa thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật. Mới đây, dự thảo “Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá” do Cục CSGT tiếp tục trình Bộ trưởng Bộ Công an nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo dự thảo đề án, tất cả biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen (biển xe cá nhân) trong kho biển số xe chưa được đăng ký đều có thể đưa ra đấu giá. Tổ chức, cá nhân chỉ được tham gia đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở, nơi đăng ký thường trú và phải tuân thủ các quy định về đấu giá tài sản.
Đề án đưa ra hai phương án. Phương án 1, người trúng đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Phương án này tương tự với cách quản lý biển số hiện nay. Phương án 2, người trúng đấu giá sẽ được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số trúng đấu giá; người sở hữu biển số khi bán phương tiện vẫn có thể giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện khác của mình. Việc quản lý biển số khi đó sẽ khác với hiện nay.
Phương án 1 giúp bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với biển số xe trúng đấu giá nhưng hiệu quả đấu giá không cao, tài sản công sẽ không được khai thác tối ưu. Phương án 2 khắc phục được nhược điểm của phương án 1 nhưng việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ việc đấu giá biển số xe nhưng nên có điều kiện người tham gia đấu giá phải đang có một chiếc ô tô cụ thể, chỉ chờ gắn biển. Việc cho người chưa có ô tô tham gia đấu giá chẳng khác gì làm thủ tục khai sinh cho đứa con chưa đẻ ra. Theo tôi, vấn đề chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp biển số xe không nên thực hiện, còn nếu được phép, khoản tiền thu được từ thuế chuyển nhượng nhiều khi cũng không bù đắp được hệ lụy từ việc chúng ta không quản lý được ô tô.
Việc cho phép mua bán biển số sẽ tạo rối ren, phức tạp cho công tác quản lý, trong việc truy xét chủ xe thông qua biển số khi xe có vi phạm giao thông và các vấn đề khác, kể cả liên quan đến hình sự. Việc quan niệm biển số xe là tài sản có thể mang đi thế chấp ngân hàng cũng không nên làm. Bởi vì khi đấu giá biển số có thể lên đến hàng tỷ đồng nhưng khi người vay không trả được nợ thì ngân hàng bán biển số đó chắc gì đã thu về đủ số tiền cho vay”.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu giao thông vận tải (GTVT), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) lại cho rằng, người trúng đấu giá biển số xe không chỉ được quyền sử dụng mà còn có quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số trúng đấu giá. Bởi một mặt, do biển số là tài sản công theo quy định tại Điều 4, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và được khai thác quyền sử dụng thông qua đấu giá và có thể được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác.
Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật. Mặt khác, người trúng đấu giá biển số xe cần có các quyền trên, khi đó việc đấu giá mới có ý nghĩa, mới có thể thu hút được nhiều người tham gia đấu giá, từ đó giúp công tác đấu giá biển số đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu hơn, mang lại nguồn thu nhiều hơn cho Nhà nước, đồng thời sẽ bảo đảm được quyền lợi của người trúng đấu giá.
"Tuy vậy, cũng cần xem xét đầy đủ các yếu tố tác động của chính sách mới nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số, do đó cần có các giải pháp quản lý một cách hiệu quả. Việc tước quyền đăng ký nếu trong thời hạn 6 tháng biển trúng đấu giá không đăng ký gắn với phương tiện cũng cần được xem xét trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới”, ông Lê Văn Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và các cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc đấu giá biển số xe là cần thiết vì nếu không sẽ lãng phí nguồn tài nguyên khá lớn có thể thu về cho ngân sách nhà nước.
“Phương án nào cũng có tính hai mặt của nó, để áp dụng cần thí điểm, sau đó đánh giá, tổng kết, thấy phù hợp thì áp dụng và nếu cần thì kiến nghị sửa luật. Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ đang quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, nghĩa là pháp luật hiện hành chỉ coi biển số xe là công cụ quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Nếu đề án đấu giá biển số xe được Quốc hội chấp thuận và có nghị quyết thì việc thí điểm đấu giá biển số xe có thể sẽ được thực hiện trong năm nay. Hy vọng phương án và cách thực hiện tối ưu, khả thi sẽ được lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận