• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Điều tra: VÌ SAO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM Ở THÁI BÌNH KHIẾU KIỆN KÉO DÀI?

Thực hiện kết luận Thanh tra số 44/KL-TTr của Thanh tra Bộ LĐTBXH ngày 02/4/2015 về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình, hơn 7 năm qua Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã tham mưu và tiến hành rà soát, thực chứng toàn bộ hồ sơ về bệnh tật, dị dạng, dị tật và con đẻ mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh làm điều kiện để bố, mẹ đẻ hưởng chính sách ưu đãi… đến nay Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã có quyết định ngừng cho hưởng trợ cấp da cam đối với 3.964 người.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình cho thấy Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã làm chưa đúng, chưa tốt dẫn đến việc khiếu kiện của nạn nhân da cam ngày càng gay gắt. AHLLVT Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Đi ô xin tỉnh Thái Bình từ hơn hai năm trước đã nhận được nhiều đơn thư đề nghị bảo vệ quyền lợi cho hội viên khi Sở LĐTBXH Thái Bình tiến hành việc thực chứng hồ sơ và ra quyết định ngừng chi trả chế độ trợ cấp da cam của nhiều hội viên. Lường đón phức tạp xảy ra Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Nguyễn Đức Hạnh đã điện trực tiếp đề nghị Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Văn Bái (nay ông Bái đã nghỉ hưu ) cho được tham gia phối hợp xử lý công việc và đã nhận được câu trả lời của Giám đốc sở LĐTBXH đó là công việc của “nội bộ ngành”. Việc xử lý của nội bộ ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình thực hiện kết luận thanh tra số 44 của Thanh tra Bộ LĐTBXH bây giờ đã trở thành điểm nóng khiếu kiện gay gắt trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình ?

\

Bà Nguyễn Thị Vân 75 tuổi ở thôn Lê Lợi 2 xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng chăm sóc chồng

Có hay không ? “người trung mắc nạn, kẻ gian mỉm cười ”

Lần theo đơn thư phóng viên đã về gia đình bà Nguyễn Thị Vân 75 tuổi ở thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là vợ thương binh Vũ Mạnh Quyên 76 tuổi. bà Vân đã hơn chục lần viết đơn lên huyện, lên Sở LĐTBXH, lên UBND tỉnh, lên các cơ quan Bộ LĐTBXH và Trung ương kêu đòi trả lại chế độ trợ cấp da cam cho chồng. Căn nhà cấp bốn được làm từ năm 1987, lợp ngói cũ kỹ, phía trước lợp tấm tôn xi măng đã sệ xuống. Trong nhà đồ đạc không có gì đáng giá, ông Vũ Mạnh Quyên sau khi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình ra quyết định cắt không cho hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như người mất hồn, phần vì xấu hổ với bà con làng xóm là “da cam giả ” từ đó bệnh thần kinh tái phát, giọng nói thì ngọng, tai bị điếc, mọi việc trong gia đình dồn cả cho bà Vân nguyên là cựu thanh niên xung phong từ năm 1965 đến năm 1968 hiện tại bà Vân bị đau thần kinh tọa đi lại khó khăn và bệnh huyết áp. Dừng tay xoa bóp cho chồng bà Vân kéo ngăn tủ lấy ra tập hồ sơ, kèm theo đơn thư gửi các cấp các ngành kêu đòi trả lại chế độ, quyền lợi, danh dự cho ông Vũ Mạnh Quyên, bà Vân nói trong nước mắt: Tôi năm nay 75 tuổi bị đau thần kinh tọa thì ai muốn đi khiếu kiện mà việc gì phải đi khiếu kiện, nhưng vì công bằng, công lý và công lao của chồng và bệnh tật của chồng mà phải cố mà đến nơi công quyền mà kêu mà đòi thôi. Bà Vân tóm tắt về thời gian tham gia hoạt động cách mạng của hai vợ chồng thế này. Năm 1965 ông Quyên và bà Vân cùng đi thanh niên xung phong và yêu nhau, năm 1968 hoàn thành nhiệm vụ bà Vân về quê còn ông Quyên chuyển về công tác ở ngành Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang, năm 1969 ông Quyên nhập ngũ, tháng 5/ 1970 thì vào chiến trường tỉnh Quảng Trị chiến đấu, tháng 8 năm 1975 ông Quyên về phục viên. Để được hưởng trợ cấp da cam ông Quyên đã làm hồ sơ từ năm 2000 với đủ con dấu, chữ ký, năm 2003 làm lại cũng vẫn con dấu và chữ ký như cũ, năm 2005 làm lại lần nữa vẫn chưa được, năm 2007 được cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và đến năm 2009 thì có quyết định hưởng trợ cấp da cam. Trong biên bản giám định bệnh tật số 2466 ngày 11/10/2008 của Hội đồng Giám định Y khoa Tỉnh Thái Bình kết luận ông Vũ Mạnh Quyên sinh 1947, trú quán thôn Lê Lợi, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tình trạng bệnh tật : Giảm thị lực, giảm thính lực, Rối loạn tuần hoàn não, U chân trái, vai, ngực. Kết quả khám mắt phải 2/10, mắt trái 3/10, hai mắt mộng góc trong độ II, thể thủy tinh đục tiến triển, tổn thương thoái hóa hắc võng mạc. Suy nhược thần kinh thể trung bình. Viêm tai thanh dịch trái, nghe kém. U xơ da, rối loạn sắc tố da. Kết luận của Hội đồng giám định Y khoa Thái Bình : Theo tiêu chuẩn bệnh tật quy định tại Thông tư Liên bộ số 12/TT - LB ngày 26/7/1995 của Liên bộ Y tế, Lao động thương binh xã hội. Ông Vũ Mạnh Quyên có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 63% ( sáu ba phần trăm). Quyết định số 1061/ QĐ - SLĐTBXH tỉnh Thái Bình ngày 16/12/2020 về việc ngừng thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với ông Vũ Mạnh Quyên kể từ ngày 01/1/2021 quyết định này nêu lý do ông Vũ Mạnh Quyên hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học sinh con dị dạng dị tật. Kết quả thực chứng, rà soát con đẻ kê khai trong hồ sơ là Vũ Văn Cương không đến thực chứng ? Bà Vân nói ngay chồng tôi có kết luận giám định của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, việc khai báo cháu Cương dị dạng dị tật là do ngành Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn làm như vậy ? và cũng chính ngành LĐTBXH đã hoàn thiện hồ sơ, ra quyết định cho chồng tôi được hưởng chế độ chính sách. Nay họ bày ra thực chứng, thực chứng cái gì, thực chứng ở đâu ? họ thực chứng cái họ hướng dẫn kê khai rồi đổ lên đầu chồng tôi cho là “giả dối ” chồng tôi ốm đau bệnh tật thế này thì sống sao nổi, có chút trợ cấp lo cho sức khỏe tuổi già nay họ cắt trong khi ở ngay chính địa phương này nhiều kẻ lừa dân, dối Đảng thì đang được hưởng chế độ, bất công quá.

\

Tụ tập đông người trước UBND tỉnh

Gặp những nạn nhân đã có “thâm niên” hàng chục lần lên Sở LĐTBXH, lên trụ sở tiếp dân UBND tỉnh Thái Bình, lên Bộ LĐTBXH và Thanh tra chính phủ mang theo ảnh Bác Hồ, Cờ Tổ quốc, băng rôn, biểu ngữ, khiếu kiện biểu tình đòi công lý mới thấy họ không thể không bức xúc vì cách giải quyết của ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình tiến hành thực chứng thực hiện kết luận Thanh tra 44 của Thanh tra Bộ LĐTBXH về việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Ông Nguyễn Văn Lợi 69 tuổi ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình nhập ngũ năm 1973 tham gia chiến đấu ở chiến trường tỉnh Công Tum, tháng 10/2008 được hưởng chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì đến ngày 01/11/2020 bị cắt không cho hưởng nữa với lý do sau thực chứng không có con dị dạng, dị tật, ông Lợi đã có hơn chục lần lên Sở LĐTBXH và bốn lần lên Bộ LĐTBXH để đòi hỏi trả lại quyền lợi của người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Lợi khẳng định “không thể có bất công thế được, người có công thì chịu tiếng giả dối, kẻ lừa dối thì hưởng chế độ ”và khẳng định ở xã Liên Hiệp có ông Lê Văn D… có đi bộ đội nhưng chưa đi qua đất Quảng Bình nay đang hưởng chế độ trợ cấp da cam. Chúng tôi làm hồ sơ theo hướng dẫn của ngành LĐTBXH có đủ chữ ký của các bạn ngành địa phương, có sự thẩm định hồ sơ của ngành LĐTBXH, lại công khai minh bạch danh sách niêm yết ở UBND xã, phát trên đài truyền thanh của xã không ai khiếu kiện thắc mắc thì nay bị cắt chế độ…

Ông Đặng Văn Sửu 74 tuổi ở thôn An Nhân, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà bức xúc: Tôi vào chiến trường Miền Nam từ tháng 4/1968 được ra Bắc tháng 5/1972 được hưởng trợ cấp da cam năm 2009 và bị cắt năm 2020, tôi không thể tự làm và tự hoàn thiện hồ sơ mà hồ sơ do ngành LĐTBXH hoàn thiện nay lại bày ra thực chứng để hạ nhục người lính trở về là sao ? Ở xã Tân Tiến có Đào Xuân T… đi bộ đội tháng 6/1976 nay đang hưởng da cam, Hà Văn N… đi bộ đội rồi Đảo ngũ, Nguyễn Văn M… đảo ngũ, nay đang hưởng da cam sao không thấy ngành LĐTBXH thực chứng xử lý ?

Nạn nhân Nguyễn Hồng Chá 75 tuổi ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy là thương binh hạng 2/4 từng có 4 năm ( 1968 - 1972) chiến đấu ở chiến trường B5 được hưởng chế độ trợ cấp da cam theo nghị định 54 của Chính phủ từ năm 2009 đến ngày 24/12/2020 thì nhận quyết định ngừng hưởng trợ cấp da cam từ ngày 01/1/2021 với lý do Hồ sơ không có cơ sở pháp lý ? Trong khi đó cũng ở xã Thụy Xuân có ông Bùi Ngọc P…đi bộ đội đảo ngũ, bị khai trừ khỏi đảng vẫn đang hưởng chế độ trợ cấp da cam ? ông Nguyễn Đức Đ…đi bộ đội chỉ làm lính lái xe ở Trường Đại học Biên Phòng cũng hưởng da cam thật là chuyện lạ ?

Ngày 28/10/2008 tại quyết định số 249/QĐ - SLĐTBXH Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình Đỗ Trọng Khoa ký quyết định trợ cấp cho ông Vũ Ngọc Đắc 72 tuổi ở xã (Vũ Sơn) nay là xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ngày 24/12/2020 Phó giám đốc sở LĐTBXH Phí Ngọc Thành ký quyết định số 2100/ QĐ - SLĐTBXH ngừng việc thực hiện chế độ của ông Vũ Ngọc Đắc với lý do hồ sơ không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Trong khi đó tại Biên bản giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa Thái Bình số 918/ GĐYK ngày 18/7/2008 lại kết luận cụ thể ông Vũ Văn Đắc có tỷ lệ suy giám khả năng lao động do bệnh tật là 74% ( bẩy mươi bốn phần trăm) ông Đắc còn được Hội đồng giám định y khoa xác nhận bị mắc tiểu đường type II vì có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Ngày 26/8/2021 quyết định số 1682/ QĐ - SLĐTBXH do Phó giám đốc Nguyễn Văn Trường ký quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông Vũ Ngọc Đắc, mức phụ cấp 1.234.000 đồng ( Một triệu hai trăm ba mươi bốn nghìn đồng ), ông Đắc cũng cung cấp thêm cho phóng viên ở xã Vũ Sơn ( Tây Sơn ) có 19 trường hợp nạn nhân bị cắt chế độ trợ cấp thì có tới 15 người nhập ngũ từ các năm 1966 đến 1970, các trường hợp nhập ngũ 1973 đến năm 1975 đều còn được hưởng chế độ trợ cấp da cam ?

Nạn nhân Nguyễn Nguyên Hồng 78 tuổi ở thôn 4, xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương người có 7 năm 3 tháng trong chiến trường Miền Nam đánh Mỹ và được hưởng chế độ trợ cấp da cam tháng 7/2009 sau 11 năm 6 tháng thụ hưởng chế độ thì nhận quyết định của Sở LĐTBXH ngừng hưởng chế độ với lý do “Hồ sơ không có cơ sở pháp lý ”. Vậy trước đó ai ? cơ quan nào đã xác lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ để ông Nguyễn Nguyên Hồng được hưởng chế độ trợ cấp da cam. Ông Hồng bức xúc : Chúng tôi đến các cơ quan chức năng để đòi hỏi sự công bằng, công lý và khẳng định công lao của mình. Chúng tôi không gây rối, không chống đối Đảng và nhà nước, chúng tôi nghe theo lời Đảng gọi sẵn sàng lên đường chiến đấu và chấp nhận hy sinh, nay còn sống trở về được Đảng và nhà nước tính công cho hưởng chút trợ cấp lại bị ngành LĐTBXH Thái Bình cắt thì chịu đựng sao nổi với dự luận xã hội là “Giả dối” là lừa dân dối Đảng. Chúng tôi chỉ muốn phản ảnh với Đảng, nhà nước việc làm sai, làm không đúng của một số cán bộ ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình trong thời gian qua. Dẫn chứng cho việc thực chứng sai của ngành LĐTBXH là đã ra quyết định ngừng trợ cấp da cam của ông Nguyễn Ngọc Lân ở xã Tây sơn, huyện Kiến Xương, vì bị “Oan uất” ông Lân “chết” thì ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã lập tức về địa phương chi trả cho thân nhân của ông Lân trợ cấp ba tháng liền kề và tiếp đó là chi trả trợ cấp hàng tháng cho vợ ông Lân. Nếu thực chứng đúng và quyết định ngừng chi trả trợ cấp cho ông Lân là đúng thì sao ngành LĐTBXH Thái Bình lại phải thực hiện quy trình tiếp theo như vậy ? Dẫn chứng thêm về cái gọi là thực chứng vô lối của ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình. Trong biên bản làm việc, ngày 11 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở UBND xã Tây An, huyện Tiền Hải đoàn thực chứng hồ sơ cho nạn nhân Đỗ Văn Hanh, thành phần đoàn có ghi tới 14 người gồm đủ các ban, ngành cơ quan chức năng, nhưng thực tế đoàn chỉ có 5 người do bà Nguyễn Thị Minh Châu là cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Công Lý, trưởng phòng LĐTBXH huyện Tiền Hải làm phó đoàn, sau thực chứng dấu xác nhận lại của UBND xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tương tự biên bản làm việc ngày 11 tháng 6 năm 2018 cũng thực hiện tại xã Tây An, đoàn thực chứng do ông Bùi Văn Quyết, phó phòng người có công Sở LĐTBXH làm trưởng đoàn, thành phần đoàn ghi danh sách tới 14 thành viên, nhưng chỉ có bốn người có mặt thực chứng nạn nhân Vũ Minh Tân, kết thúc buổi làm việc lại con dấu và chữ ký của UBND Thị trấn Tiền Hải…Một điều lạ là thực chứng khám bệnh cho nạn nhân da cam nhưng đoàn lại không có cán bộ y tế thì thực chứng cái gì ? trong số 3.964 nạn nhân da cam bị cắt không được hưởng chế độ trợ cấp có bao nhiêu người được “hưởng” những biên bản thực chứng kiểu “Hồn Trương ba, da hàng thịt” để rồi tạo thêm bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Giải pháp và kiến nghị

Ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình cần nhìn thẳng vào sự thật và những yếu kém trong tham mưu, trong quản lý thực hiện chế độ chính sách với người có công trong các năm qua.

Rất cần một cuộc Tổng thanh tra rà soát việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng của tỉnh Thái Bình trong các năm qua. Việc thanh tra do Thanh tra Nhà nước thực hiện, không để việc thanh tra của ngành LĐTBXH tỉnh Thái Bình thanh tra theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như thời gia qua đã tạo thêm những tiêu cực làm mất niềm tin của người có công với Đảng và nhà nước.

Thanh tra rà soát phát hiện các trường hợp man khai hồ sơ để trục lợi chính sách và xử lý nghiêm các cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch hồ sơ, thực hiện sai chế độ của Đảng và nhà nước giành cho người có công với cách mạng.

Quy rõ ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra việc thực hiện sai chế độ chính sách nghiêm trọng ở tỉnh Thái Bình, dẫn đến khiếu kiện kéo dài trở thành điểm nóng thực hiện chế độ chính sách cho người có công với cách mạng.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 08/5/2022 về nghiên cứu, bổ sung chính sách cho trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị ngừng hưởng chế độ do gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ để chứng minh có con dị dạng, dị tật đã chết. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, rà soát nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Thái Bình và đề xuất phương án xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên phạm vi cả nước, tránh trường hợp trục lợi chính sách.

Trước mắt cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát và truy thu lại số tiền do các nạn nhân da cam từ trần mà các địa phương không báo giảm để trục lợi chính sách.

Cùng với đó là thực hiện kết luận số 03 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình xác định rõ trách nhiệm giải quyết dứt điểm các bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, trước hết thuộc về cấp ủy đảng các cấp. Các cấp, các ngành, Mặt trân Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, cụ thể các quy định của nhà nước về chính sách Người bị nhiễm chất độc hóa học, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động, thuyết phục những người ( nạn nhân ) hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục hưởng trợ cấp da cam theo quy định của nhà nước. Không cực đoan tham gia khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác