• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Chiều 22-8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hành tiết kiệm.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các sở, ngành của thành phố Hà Nội đã giải trình cụ thể về 12 ý kiến được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra liên quan đến 58 vấn đề cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Ảnh: DUY LINH

Qua các ý kiến giải trình, phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Hà Nội là địa phương luôn có tinh thần trách nhiệm cao về tiết kiệm, chống lãng phí trong cả lĩnh vực công lẫn tư; thực hiện rất tốt Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy, biên chế. Đây cũng là địa phương đã thực hiện hợp lý hóa cơ cấu chi khi đã dành 49% ngân sách cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên còn 51%-đây là tỷ lệ chi thường xuyên lý tưởng.

Mục tiêu lớn nhất sau cuộc giám sát lần này là nhằm khai thác các nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực tốt hơn để làm dư địa cho tăng trưởng, phát triển. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội cần rà soát các vướng mắc đang làm cản trở, nhất là trong cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm công ích. Đề nghị thành phố tiếp tục rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép đất nông nghiệp, đất dịch vụ, đất dự án treo, nhà ở xã hội, thu hồi các dự án kém hiệu quả, không để lãng phí nguồn lực về đất đai.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành cuộc làm việc. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo lại diện tích, số lượng nhà tái định cư chưa sử dụng, diện tích tầng thương mại của khu tái định cư đang bỏ trống và làm rõ vì sao không khai thác được, có vướng mắc gì ở thể chế, chính sách không hay do tổ chức thực hiện.

Giải trình vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra liên quan đến tài sản công, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, Hà Nội đã rà soát đầy đủ quỹ nhà tái định cư, nhà ở thương mại, nhưng vướng là ở quỹ nhà chuyên dùng. Hà Nội đã rà soát những vướng mắc này, báo cáo với Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể đưa quỹ nhà chuyên dùng vào quản lý, sử dụng có hiệu quả. Với nhà tái định cư, Hà Nội đã thống kê và rà soát, tuy nhiên, cơ chế xác định giá khởi điểm còn vướng mắc khó khăn, nên đang xác định lại nguyên tắc xác định giá khởi điểm…

Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo dự cuộc làm việc. Ảnh: DUY LINH

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, hiện nay dự án nhà ở xã hội đang được Hà Nội quan tâm theo chương trình phát triển nhà ở và nhu cầu của người dân. Quan điểm của Hà Nội là nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng tập trung thay vì phát triển nhỏ lẻ, và hiện cũng đang đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng này. Liên quan đến câu chuyện nguồn lực đất đai, Hà Nội đang tiếp tục rà soát các dự án còn chậm, những dự án không đáp ứng yêu cầu, thủ tục pháp lý thì thu hồi và thực hiện đấu thầu, đấu giá, tạo nguồn vốn hỗ trợ lại cho đầu tư công…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công. Hà Nội đang rất nỗ lực làm tốt công việc này, rà soát, đánh giá phân loại từng loại tài sản công, nhất là tài sản đất đai; giám sát toàn bộ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Chú trọng nâng cao hiệu quả trên 3 lĩnh vực: Tài chính, tài sản công (nghiên cứu toàn bộ đơn giá, định mức, trước hết ở lĩnh vực giáo dục); đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: DUY LINH.

Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục hoàn thiện báo cáo, chuẩn hóa số liệu, bổ sung các kiến nghị, đề xuất mang tính cấp bách để huy động hiệu quả nguồn lực của Hà Nội. Cần bổ sung các đề nghị cụ thể về sửa đổi pháp luật như điều nào, khoản nào nhằm thực hiện hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển đô thị, phát triển trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục, đào tạo khoa học, bảo đảm quốc phòng an ninh, kết hợp phát triển kinh tế, phấn đấu năm 2025 đạt mục tiêu thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, năm 2030 là thành phố có mức sống và cuộc sống cao hơn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác