Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có sắp xếp, bố trí nguồn lực tài chính khi cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện cải cách tiền lương.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh, bao gồm: Lương hưu, đối tượng do ngân sách đảm bảo, người có công, đối tượng gắn với lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng, chúng ta cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho chính sách này khi Quốc hội phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các giải pháp chủ yếu trong việc chuẩn bị nguồn lực tài chính đó là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi trong các hoạt động chi ngân sách nhà nước hiện nay.
Từ khi triển khai nhiệm vụ này và hết năm 2021, theo số liệu Bộ Tài chính nắm được chúng ta có nguồn từ ngân sách địa phương để chuẩn bị cho cải cách tiền lương đạt được trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đến thời điểm hiện nay, căn cứ trên yêu cầu cấp thiết về tăng lương cơ sở, Chính phủ đã trình với Quốc hội tăng lương cơ sở ở mức 20,8% từ 2023: "Như vậy, với số liệu ở trên, chúng ta hoàn toàn chủ động chuẩn bị nguồn lực tài chính cho quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua".
Chính phủ đã đề nghị các bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương. Giai đoạn 2023-2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định cũ cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng./.
Bình luận