• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Gương sáng nạn nhân chất độc da cam

Bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là phải gánh chịu những hậu quả về sức khỏe và di chứng đến các con cháu. Nhưng nhiều NNCĐDC đã có nghị lực mạnh mẽ, vượt qua chính mình vươn lên trong cuộc sống để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ông Lê Minh Hậu, ngụ ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một minh chứng.  

 

Với những nỗ lực đã đạt được, ông Hậu là 1 trong những gương điển hình tiên tiến của NNCĐDC vươn lên trong lao động sản xuất đã nhiều năm liền được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng.

Mô hình nuôi ếch thịt và ếch giống mang lại thu nhập, kinh tế gia đình ổn định

Vốn là người lính, từng tham gia chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông bị thương và nhiễm chất độc da cam/dioxin mất 60% sức lao động. Cho dù gặp biết bao gian nan, vất vả nhưng người lính năm xưa vẫn vượt qua với suy nghĩ còn sức khỏe là còn lao động giúp đỡ gia đình và cống hiến cho quê hương.

Sau khi lập gia đình, các con lần lượt ra đời trong niềm vui khôn xiết, nhưng di chứng chất độc da cam/dioxin đã làm cho người con gái lớn của ông Hậu trở thành nạn nhân thứ 2 của gia đình, không thể đi đứng bình thường như bao người khác. Nhiều năm sau đó, 2 người con trai lần lượt ra đời, nhưng cũng chịu di chứng của chất độc da cam/dioxin, vì sức khỏe yếu, không thể làm được những việc nặng nhọc. Thế là mọi lo toan về kinh tế gia đình lại đè nặng lên đôi vai của ông Hậu. Hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn ngược xuôi để lo cho các con. Năm nay, người con gái lớn đã 41 tuổi nhưng vẫn như “trẻ thơ” cần người chăm sóc; 2 người con trai đã lập gia đình nhưng vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên phải gửi con lại cho vợ chồng ông chăm sóc để đi làm thuê ở Bình Dương. Vừa lao động vừa chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ nên kinh tế gia đình ông Hậu đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Ông Hậu còn nuôi thêm cá nước ngọt để tăng thu nhập cho gia đình.

Nhiều năm nay, gia đình sống dựa vào 7 công đất cấy lúa, nuôi tôm; vụ mùa có lúc trúng, có lúc thất thu nên thu nhập bấp bênh, không ổn định. Năm 2018, ông Hậu bàn với vợ vay vốn của Ngân hàng chính sách-xã hội và với khoản tiền dành dụm được từ nhiều năm qua để mở rộng sản xuất, bằng cách xây chuồng trại, mua các con giống như: ếch, cá sấu, rắn, heo về nuôi thử. Nhờ chịu học hỏi và cần cù, chăm chỉ nên khi nuôi con giống phát triển tốt và đã duy trì được các mô hình cho đến nay. Sau một thời gian do giá heo và cá sấu sụt giảm nên ông nghỉ nuôi và tập trung vào nuôi ếch và rắn ri tượng, nhưng nhiều nhất là ếch. Hiện có 3-4 chuồng nuôi vài trăm con ếch thịt và vài ngàn ếch con bán luân phiên cho khách hàng trong và ngoài huyện.

Ông Hậu cho biết: “Lúc đầu tôi nuôi thử 2.000 con ếch giống, thấy ếch sinh trưởng, phát triển tốt nên 1 năm sau tôi tự sản xuất ếch giống và bán thêm ếch thịt. Ếch dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy giá không cao, nhưng đầu ra ổn định, ếch thịt giá từ 50-60 ngàn đồng/ký, ếch con 1.000 đồng/con. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm cá nước ngọt, có ai hỏi mua thì bán, chứ cá cũng nhiều, gia đình ăn không hết.” Với lợi nhuận từ các mô hình, đến năm 2022, ông Hậu mua thêm 7 công đất để mở rộng diện tích trồng lúa, nuôi tôm. Hiện nay, tổng thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình, mà 15 năm qua, ông Hậu còn đảm nhận vai trò Chi hội phó Hội Cựu chiến binh ấp Trần Độ và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Hậu đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng hội viên trên địa bàn nắm rõ và làm theo, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới; qua đó, nhiều năm liền Chi hội Cựu chiến binh ấp Trần Độ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thành tích mà ông Hậu đã đạt được trong những năm qua được ông treo trang trọng trong nhà của mình.

Ông Hậu cho biết thêm: “Sinh ra, lớn lên trong gia đình có công với cách mạng và đã từng là bộ đội Cụ Hồ nên đã hun đúc cho tôi tinh thần vượt khó, dù cho bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên. Hơn nữa, nhìn thấy các con sinh ra bị di chứng chất độc da cam/dioxin không được bình thường như bao đứa trẻ khác, càng khiến tôi phải nỗ lực hơn để bù đắp lại những thiệt thòi mà các con phải gánh chịu. Trong thời gian công tác, tôi và Chi hội Cựu chiến binh ấp Trần Độ đã giúp cho 1 hộ nghèo và 5 hộ khó khăn khác vươn lên thoát nghèo, ổn định được cuộc sống.

Ông Trần Công Lịch, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Thạnh Phú cho biết: “Ông Lê Minh Hậu, NNCĐDC là 1 trong những điển hình tiên tiến về vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Dù lớn tuổi, nhưng ông Hậu luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các phương tiện thông tin từ kinh nghiệm và các buổi tập huấn của xã về kinh nghiệm chăn nuôi để áp dụng vào mô hình của gia đình, nhờ đó mà kinh tế ổn định hơn. Chúng tôi mong muốn mô hình phát triển kinh tế gia đình của ông Hậu sẽ lan tỏa và được nhân rộng đến nhiều hội viên NNCĐDC trên địa bàn”./.

Kim Nhiên

 

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...