Có sự ra đi của người này lại tiếp nối sự sống cho những người khác nhờ hiến tạng và cấy ghép tạng. Với thân nhân của người hiến tạng, dù nỗi đau quặn thắt vì mất mát lớn lao, song thấy một bộ phận của người thân mình giúp cho một người khác được sống cũng là một sự an ủi phần nào. Sự hồi sinh những cuộc đời bằng nghĩa cử đầy nhân văn, cao đẹp này thật đáng trân trọng...
Phút mặc niệm thiêng liêng tiễn biệt người hiến tạng (Ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy)
Thiêng liêng tiễn biệt người hiến tạng
“Xin chào em…Các y bác sĩ, điều dưỡng đã hết lòng cứu chữa cho em, nhưng tai nạn giao thông đã làm cho não của em không hồi phục được. Ý nguyện của gia đình muốn giữ lại những phần còn sống trong cơ thể em để cứu giúp bệnh nhân. Các cô, các bác, các chú sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật này. Xin được cảm ơn gia đình, xin tri ân em, chào em...", đó là lời nói, lời chào từ biệt của các y, bác sỹ với nam sinh sau khi bị chết não, gia đình đã đồng ý hiến tạng em để giành sự sống cho người khác.
Dưới ánh đèn phẫu thuật, trong không gian im lặng như tờ, TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa Ngoại-Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy nghẹn ngào nói lời tri ân nam sinh 19 tuổi chết não trước khi bắt đầu lấy tạng hiến của em. Các bác sĩ, điều dưỡng cùng chắp tay, đứng vây quanh nam thanh niên rồi cúi đầu mặc niệm tiễn biệt.
Sau thời khắc xúc động, kìm nén nỗi tiếc thương vô hạn trước một cuộc đời phải dừng lại ở tuổi vừa chớm đôi mươi, đôi mắt “đại bàng” của bác sĩ Chí linh hoạt trở lại. Ê kíp y bác sĩ cầm dụng cụ phẫu thuật, nhanh chóng và tỉ mỉ, nâng niu trái tim, lá gan và 2 quả thận của nam sinh để chuẩn bị mang đi gieo sự sống cho những bệnh nhân khác.
Một tuần sau, khi nhớ lại thời khắc đó (ngày 6/5), bác sĩ Chí còn xúc động rơi nước mắt. Người hiến tạng là một chàng sinh viên năm nhất, con đầu lòng của đôi vợ chồng ngụ quận Bình Tân, đang phơi phới sức trẻ và đầy hoài bão. Tai nạn giao thông ập đến trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, em bị chấn thương não không thể phục hồi, thở máy, hôn mê sâu, điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau nhiều ngày nỗ lực cứu chữa, khi bác sĩ tiên lượng bệnh nhân không thể qua khỏi, bố mẹ bày tỏ ý nguyện hiến tạng con.
Cảnh sát giao thông dẫn đường vận chuyển nội tạng (Ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy)
Đặt mình vào hoàn cảnh làm cha mẹ, bác sĩ Phạm Hữu Thiện Chí thương vô cùng: “Chúng tôi cũng muốn truyền lại cho thế hệ đàn em, các đồng nghiệp của mình rằng chúng ta hãy làm công việc hiến tạng này với một tâm thế với một suy nghĩ là nhân văn, biết ơn, tri ân. Các bác sĩ trong phòng lúc đó cũng rất xúc động chứ không phải riêng mình tôi. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết, nhắc nhở nhau làm việc cho chuyên nghiệp để lấy được tặng tốt để bảo quản thật tốt”.
Những tạng của nam sinh 19 tuổi đã được được ghép cho 4 người, trong đó hai quả thận được ghép cho 2 nam bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo 9 năm. Lá gan được ghép cho người đàn ông 39 tuổi bị xơ gan đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng trái tim được Trung tâm Điều phối Quốc gia chọn ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trong hành trình hộ tống trái tim từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định ra sân bay Tân Sơn Nhất để vận chuyển về Huế, không thể thiếu vai trò điều phối, hỗ trợ của cảnh sát giao thông TP.HCM.
Trân trọng sự sống nối dài
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM bày tỏ niềm xúc động với việc gia đình người hiến tạng đã chia sẻ sự sống đối với những cuộc đời tưởng như tắt hi vọng. Thấu hiểu những điều đó, sau khi nhận được thông tin nhờ hỗ trợ trong công tác dẫn đường để vận chuyển nội tạng trong thời gian nhanh nhất, các chiến sĩ cảnh sát giao thông luôn sẵn sàng.
Ông Bình cũng cho biết, đây là lần thứ 5 lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các bệnh viện hộ tống tạng hiến đến nơi an toàn. Từng cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông được quán triệt làm nhiệm vụ thiêng liêng trong ngày hôm đó không bao giờ quên được chuyến đi đặc biệt, dù chỉ góp phần nhỏ để đưa nội tạng đến bệnh viện kịp thời gian để các bác sĩ thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Chúng tôi chỉ mong mỏi rằng với những chuyến đi này sẽ lan tỏa những hành động nghĩa cử cao đẹp đầy tình người, để những quả tim vẫn còn nhịp đập, những đôi mắt vẫn có thể sáng dù trong cơ thể của người khác, những bộ phận đó sẽ tiếp tục sống và công hiến cho xã hội. Một lần nữa chúng tôi xin nghiêng mình cảm tạ thân nhân gia đình người hiến tạng”, Thượng tá Nguyễn Văn Bình nói.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với hàng chục ca hiến tạng, ghép tạng tại bệnh viện, Phòng nhận nhiệm vụ hỗ trợ, cùng gia đình lo hậu sự cho người hiến một cách chu toàn. Điều đáng trân trọng là những thân nhân của người hiến tạng, dù mất mát lớn lao nhưng đều cảm thấy an ủi khi một phần cơ thể của con, của cháu mình tiếp tục nối dài sự sống đầy ý nghĩa.
“Sau khi hai phẫu thuật viên thông báo đến với gia đình người hiến rằng hiện trạng bệnh nhân được ghép đã tốt đẹp, dù rất là khó khăn trong chuyện mất mát của gia đình nhưng họ đã nở một nụ cười, niềm hy vọng cho những cơ quan của con của cháu mình được sống lại”, ông Hiền cho hay.
Với bệnh nhân nam 37 tuổi, quê Nghệ An, 9 năm qua, cứ mỗi tuần 3 lần anh phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy để chạy thận định kỳ, vô cùng mệt mỏi, công việc và kinh tế gia đình suy kiệt thì đây là món quà vô giá. Sau khi được ghép thận của nam sinh 19 tuổi, mặc dù không biết người hiến là ai, song suốt đời anh mang ơn người đã khuất và thân nhân của họ.
“Em rất trân trọng món quà này, mong muốn hành động hiến thận sẽ được lan tỏa nhiều hơn để những hoàn cảnh chạy thận như em được giúp đỡ vượt qua khó khăn bệnh tật. Em chân thành cảm ơn và rất quý trọng điều này”, bệnh nhân này bày tỏ sự biết ơn.
Nguồn tạng hiến từ người cho chết não là món quà quý giá và là một bước ngoặt giúp nhiều người bệnh cận kề cửa tử hồi phục, trở về cuộc sống bình thường. Trong bối cảnh còn rất nhiều bệnh nhân bệnh nặng chờ ghép nhưng khan hiếm nguồn tạng, những nghĩa cử cao đẹp chia sẻ nguồn tạng đã giúp nhiều cuộc đời tưởng như tắt hy vọng sống được tái sinh. Người chết nhưng vẫn không vĩnh viễn mất đi, một phần cơ thể họ vẫn sống, giá trị cuộc sống được nhân lên nhiều hơn, ý nghĩa hơn./.
Nguồn: VOV-TPHCM
Bình luận