Trên địa bàn huyện Gò Công Tây hiện có 769 NNCĐDC, trong đó có 80 nạn nhân bị tật nguyền, bệnh nặng không thể tự chủ trong sinh hoạt cá nhân mà phải nhờ vào sự giúp đỡ, phục vụ của người thân trong gia đình. Hầu hết các gia đình có NNCĐDC đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, phải sống trong sự nghèo khó, đau khổ triền miên,... điển hình là gia đình bà Cao Thị Tư, ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu; gia đình Đỗ Thị Mỹ, ấp Hòa Bình và gia đình chị Trần Thị Nương ở xã Long Bình…
Với phương châm hoạt động “Thương người như thể thương thân”, nhiều năm qua Hội huyện Gò Công Tây đã tập trung xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ; nâng cao chất lượng hoạt động của hội cơ sở, sâu sát với hoàn cảnh của nạn nhân được xác định là nhân tố quan trọng. Hiện nay, 13/13 Hội cơ sở của huyện Gò Công Tây có nền nếp sinh hoạt đều đặn, nội dung phù hợp; ở mỗi ấp, khu phố đều có Chi hội để hoạt động. Điểm nổi bật ở Gò Công Tây là hầu hết những người là thành viên Hội NNCĐDC/dioxin đều đam mê hoạt động xã hội - từ thiện, có trái tim nhân ái, sẵn lòng giúp người nghèo khó, bệnh tật, đặc biệt đối với NNCĐDC
Trao quà cho NNCĐDC tại gia đình
Trao quà cho NNCĐDC tập trung
Thể hiện rõ nét và thiết thực nhất là hàng năm cán bộ, hội viên ở đây đã nhiệt tình tham gia việc vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị đóng góp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân cả vật chất và tinh thần. Hằng năm, Hội các cấp trong huyện Gò Công Tây chủ động đi nhiều nơi và vận động cộng đồng ủng hộ trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024, vận động được trên 2 tỷ đồng. Trong dịp Xuân Ất Tỵ - 2025, hội các cấp đã vận động được 2.126 phần quà Tết, tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Ngoài việc vận động tặng quà nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt trong gia đình nạn nhân, tùy theo hoàn cảnh cụ thể các cấp hội còn vận động xây tặng nhà “mái ấm da cam”, nhà tình thương, tổ chức các đoàn khám bệnh phát thuốc miễn phí, tặng xe lăn - xe lắc, trao học bổng cho con em gia đình nạn nhân, hỗ trợ kinh phí sản xuất …Được Hội hỗ trợ sinh kế 10 triệu đồng (không lãi), gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (xã Bình Nhì), nuôi dê trong 3 năm, hiện gia đình đã có kinh tế ổn định - năm nay gia đình chị đã chủ động hoàn vốn lại cho Hội để chuyển sang hộ khác. Hay hộ của anh Phan Văn Thảo (ấp Bình Cách, xã Yên Luông), có con là NNCĐDC, gia đình nhận vốn 10 triệu của Hội về trồng cây màu (ớt, gừng…), sau 3 năm cần cù lao động sản xuất, cuộc sống nay ổn định và hoàn vốn lại cho gia đình nạn nhân khác.Thực tế cho thấy, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Gò Công Tây trong nhiều năm qua luôn hướng về cơ sơ, tập trung xây dựng Hội cơ sở vững mạnh từ đó chất lượng hoạt động của hội cơ sở từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay của Hội, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Tiêu biểu là Hội 2 xã Long Bình và Yên Luông đã coi trọng củng cố, kiện toàn tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao hiệu quả vận động nguồn lực chăm lo cho nạn nhân. Với vai trò là Chủ tịch Hội xã Yên Luông, bà Nguyễn Thị Hương luôn năng nổ, tích cực trong hoạt động, có tấm lòng nhân ái và tận tâm với nạn nhân. Chủ tịch Hội xã Long Bình, ông Trương Phát Nghĩa, là người thường xuyên gắn bó với các hoạt động của Hội, chăm lo tốt cho nạn nhân da cam.
Hội NNCĐDC/dioxin huyện Gò Công Tây xác định, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Trung ương Hội phát động; củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị 43- CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; đa dạng hóa nội dung, phương thức vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân theo hướng xã hội hóa.
Lê Huỳnh
(Hội tỉnh Tiền Giang)
Bình luận