• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Huyện Đà Bắc chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam  

Đà Bắc là một trong 22 huyện nghèo của cả nước, nhưng Đà Bắc là địa phương giàu nghĩa tình, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", “Vì nạn nhân chất độc da cam” đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm với xã hội của nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc.

Ông Bùi Thanh Phán, Chủ tịch Huyện hội Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Hội huyện Đà Bắc hiện có 200 hội viên, trong đó 112 hội viên là nạn nhân, 88 hội viên tình nguyện. Hội viên là nạn nhân nay tuổi cao, do tác động của chất độc hóa học thường xuyên ốm đau, bệnh tật, nhiều hội viên còn để lại di chứng cho con, cháu nên đời sống kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn, nhà cửa trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.  Cũng theo ông Bùi Thanh Phán, Đà Bắc là một trong 22 huyện nghèo của cả nước, nhưng Đà Bắc là địa phương giàu nghĩa tình, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", “Vì nạn nhân chất độc da cam” đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm với xã hội của nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc Anh hùng.

 Trong những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, đó là: Triển khai nghiêm túc, kịp thời Quyết định số: 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”. Nhiều gia đình hội viên khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ 40 triệu đồng (làm nhà mới), 20 triệu đồng (nếu sửa chữa). Với tinh thần: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở. Đến nay, hàng chục gia đình NNCĐDC trên địa bàn huyện đã có nhà ở mới, đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Cùng với hỗ trợ vốn làm nhà, các xã, thị trấn còn tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (nuôi cá lồng), sản xuất, chế biến nông sản… Từ đó nhiều gia đình nạn nhân đã vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, khá giả, nhiều hội viên đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện.

Công ty HRNEE thăm, tặng quà cho gia đình thương binh, NNCĐDC tại xã vùng cao Mường Chiềng nhân ngày TBLS 27/7

Đến thăm gia đình NNCĐDC Lường Văn Huân (xóm Hạ, xã Đồng Ruộng). Ngồi trong ngôi nhà xây rộng gần 50m2, được trang bị khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, ông Huân phấn khởi cho biết: Ông nhập ngũ tháng 9/1971, tháng 12/1980 phục viên. Ông đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, mặt trận B3 Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào. Vợ chồng ông sinh được 4 người con thì cả 4 người đều bị dị dạng, dị tật, con gái cả là Lường Thị Yêu gần như bị mù hai mắt. Trước năm 2023, vợ chồng ông cùng 4 người con sống trong ngôi nhà gỗ 2 gian, mái lợp lá cọ, vách nứa đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi mưa bão, vợ chồng ông lại phải đưa các con đến ở nhờ nhà anh em họ hàng trong xóm. Năm 2023, ông được Huyện hội vận động các nhà hảo tâm ủng hộ gần 150 triệu đồng, các tổ chức đoàn thể như: Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã Đồng Ruộng cùng bà con họ hàng, làng xóm giúp đỡ vật liệu, ngày công, vợ chồng ông đã có được ngôi nhà khang trang, vững chắc như bây giờ.

Gia đình ông Hà Thanh Kế, thương binh 3/4, NNCĐDC ở xóm Tràng, xã Tú Lý, năm nay (2024), ông Kế đã ngoài 70 tuổi. Nói về ngôi nhà mái bằng rộng rãi, khang trang vợ chồng ông đang ở, bà Đinh Thị Minh (vợ ông Kế) vui vẻ, nói: Là gia đình chính sách nên được Huyện hỗ trợ 40 triêu đồng, vợ chồng tôi bán hai con bò, đấy là cái vốn tiết kiệm dưỡng già của hai vợ chồng, được gần 30 triệu đồng, được Hội CCB, Đoàn thanh niên trong xóm, trong xã giúp đỡ vật liệu (cát, sỏi, đá) mới làm được ngôi nhà như thế này. Đúng là ngôi nhà mà vợ chồng tôi bấy lâu chỉ mơ ước chứ không giám nghĩ đến.

Cũng như gia đình NNCĐDC Hà Thanh Kế, Lường Văn Huân, hàng chục gia đình NNCĐDC khác trên địa bàn huyện Đà Bắc, như: Bà Nguyễn Thị Báu (xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn), cựu TNXP, NNCĐDC được tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin, Hội Cựu TNXP huyện Đà Bắc vận động hội viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây tặng ngôi nhà mái bằng có diện tích hơn 50m2. Nạn nhân Đinh Thông Hữu, đã ngoài 70 tuổi, bị tai biến nhẹ, sống một mình, ông Đinh Văn Thêm, thị trấn Đà Bắc đã ngoài 80 tuổi, hiện bị tai biến, ông sống với 3 người con gái đã được Chi Hội thị trấn Đà Bắc thường xuyên quan tâm, giúp đỡ cả vật cất và tinh thần.

 Tại xã Đồng Chum, xã đặc biệt khó khăn, hơn 90% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Mường, Dao), cách trung tâm huyện hơn 80km, nhưng Đồng Chum lại là điểm sáng trong phong trào chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC của huyện Đà Bắc. Ông Lường Văn Họp, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hội NNCĐDC của xã có 47 hội viên. Trong đó 8 hội viên là nạn nhân trực tiếp, 39 là hội viên tự nguyện, 8 nạn nhân trực tiếp đều đã ở độ tuổi ngoài 70, gần 80, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vì vậy, các hội viên không có điều kiện, nhất là về vật chất để thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi ốm đau hoặc gia đình hội viên gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Chính quyền xã Đồng Chum đã tổ chức triển khai phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và dân trong xã, trên tinh thần: Toàn dân chung tay chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất. Kết quả, tất cả cán bộ, đảng viên khối Đảng ủy, HĐND, UBND, các đảng viên, trưởng các tổ chức đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản đã tình nguyện tham gia Hội NNCĐDC/dioxin xã. Từ 8 hội viên, Hội xã Đồng Chum nay đã tăng lên 47 hội viên. Tổ chức Hội xã Đồng Chum đã thực sự phát triển, vững mạnh cả về tổ chức và chất lượng hoạt động.

Ông Xa Đức Hận, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Đồng Chum vui vẻ cho biết: Mấy năm nay, những buổi sinh hoạt Hội trở nên sôi nổi, khí thế hơn. Tình đồng chí, đồng đội ngày càng gắn bó, mật thiết, nguồn quỹ Hội không ngừng được bổ xung. Đời sống của nạn nhân được chăm sóc, giúp đỡ cả vật chất, tinh thần. Có thể nói, mô hình xây dựng tổ chức Hội ở xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc đã thể hiện rõ vai trò của tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đà Bắc Bùi Thanh Phán cho biết, mô hình xã Đồng Chum sẽ được nhân rộng trên toàn huyện Đà Bắc và Tỉnh Hòa Bình.

  Nguyễn Hồng

            

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác