• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Huyền thoại tình yêu của thời bố mẹ tôi

Trong muôn vàn tình yêu của người lính, có một tình yêu kỳ diệu như là huyền thoại đối với thế hệ chúng tôi. Đó là tình yêu của bố mẹ, hai người thương binh đến với nhau từ tình thương yêu đồng đội.

Bố tôi, Lô Văn Minh, chàng trai 18 tuổi đã vào lính, từng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê heo hút của núi rừng Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Từ thị trấn Tân Lạc của huyện Quỳ Châu vào đến quê bố tôi khoảng hơn 20 cây số, nhưng thời ấy chưa có đường mà chỉ là lối mòn, vượt qua một ngọn núi cao có tên là Bù Xén, muốn ra trung tâm huyện chỉ có cách duy nhất là đi bộ, phải mất gần một ngày đường và phải ngủ lại nhà quen, cần lắm thì người ở quê mới dám ra thị trấn. Chính vì thế, người quê chỉ quen với núi rừng, nương rẫy, ít ai biết đến ô tô, máy móc. Bố kể, quê bố xa trung tâm huyện lỵ và không có đường ô tô, nhưng hằng ngày, hằng đêm, máy bay Mỹ oanh tạc, thả biệt kích, rồi pháo sáng, rải truyền đơn với mục đích chia rẽ đoàn kết các dân tộc và xuyên tạc lòng yêu nước của người dân. Thế nhưng người quê xa xôi ấy mà lớp thanh niên thời bố vẫn cháy bỏng ý chí quyết lên đường cầm súng đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.

Huyền thoại tình yêu của thời bố mẹ tôi
Hồi đó từ quê bố ra thị trấn phải qua dốc Bù Xén vô cùng cheo leo, và chỉ có lối mòn
Huyền thoại tình yêu của thời bố mẹ tôi
Bố tôi sinh ra, lớn lên ở một bản Thái quanh năm chỉ biết nương rẫy

Tháng 2 năm 1975, bố đi bộ một ngày đường ra thị trấn Tân Lạc của huyện Quỳ Châu để được ghi tên vào đội ngũ. Ông bà tôi lúc ấy tiễn con lên đường chỉ theo đến đầu bản và dặn, con nhớ ghi thư về cho bố mẹ nhé. Bố cũng chỉ kịp ôm người thân mỗi người một thoáng rồi lau nước mắt nhập vào đoàn thanh niên bản, hồ hởi vượt núi ra thị trấn lên đường tòng quân.

Ông tôi lúc ấy không khóc, nhưng nước mắt ông cứ chảy, gọi với theo, con đi khỏe nhé, nhớ là không được đảo ngũ đấy.

Bố tôi bảo, thời đó ở quê, khi lên đường, người già thường nhắc nhở con cháu như thế.

Bố tôi được biên chế vào một đơn vị thuộc Trung đoàn 6, Quân khu 7, chàng trai miền núi còn lạ lẫm với đồng bằng huống hồ là chiến trường miền Nam lúc đó; nhưng ông được huấn luyện nhanh chóng để chi viện lực lượng cho chiến thường miền Nam.

Đường ra trận năm ấy là mùa xuân, bố tôi nhớ lại, bố hành quân xuyên những cánh rừng đại ngàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhiều lúc mưa dầm dề cả tháng trời, rồi mây mờ che kín núi làm ông nhớ nhà, nhớ quê, nhưng mục tiêu mà ông hướng tới lúc đó là dù khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đến mấy cũng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược Mỹ và tay sai bán nước.

Gian khổ là thế, nhiều lính trẻ không quen khí hậu thì bị sốt rét, đồng đội phải cõng nhau đi tiếp. Trên đường hành quân ra trận, lúc thì máy bay địch oanh tạc, thả bom vu vơ, nhiều cuộc hành quân còn gặp những toán biệt kích nhảy dù, phục kích, buộc quân ta phải nổ súng. Dần dà, bố tôi đã quen với những cảnh hành quân ròng rã như vậy. Một điều bố tôi nhớ nhất trong đội ngũ lúc ấy, các chàng trai mười tám đôi mươi đến từ nhiều vùng miền quê khác nhau, mỗi người một giọng nói, tiếng quê, riêng bố tôi là người Thái nên nói tiếng Kinh chưa sõi, nhiều từ ngữ cán bộ chỉ huy nói bố tôi còn không hiểu, nhưng thật lạ là trong đôi mắt, cử chỉ và ý chí của cán bộ, chiến sĩ luôn đồng điệu, cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, của Đảng, cùng chung quyết tâm đánh giặc bảo vệ Tổ quốc.

Tuy gian khổ nhưng tuyệt nhiên không một ai nản lòng, tinh thần lúc nào cũng tự tin, phấn khởi, hào hứng. Bố tôi kể:

Sau khi tham gia nhiều chiến dịch, đi khắp các chiến trường Miền Nam, đến ngày 30/4/1975, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, bố được biên chế vào đơn vị tham gia kiến thiết và tăng gia sản xuất. Đến năm 1979, khi quân diệt chủng PolPot ở Campuchia tràn sang đánh phá biên giới, gây rất nhiều tổn thất, đau thương cho đồng bào ta dọc biên giới cũng như người dân nước bạn Campuchia, nhiều toán quân của chúng còn lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân lành. Lúc đó đơn vị của bố được giao trọng trách “Đội quân nhà phật” tình nguyện giúp đỡ nước bạn Campuchia xây dựng đất nước.

Sau này, khi đất nước Campuchia được giải phóng, thoát khỏi họa diệt chủng Polpot, Iêng Xary, Thủ tướng Campuchia Hun- Sen, từng khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, Iêng Xary và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là Nhân dân và Quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”. Và bố tôi là một trong những chiến sĩ của đội quân ấy.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt cứu nguy dân tộc Campuchia, bố tôi đã để lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường với thương tật hạng nặng 1/4, trong đó phải cắt bỏ 1/3 cẳng chân trái; bị gãy 1/3 dưới 2 xương cẳng chân phải, vết thương lớn ở trán và má kéo thẳng xuống cằm; gãy 5 răng và nhiều vết thương khác ở phần mềm với tỉ lệ thương tật 81%.

Đó là điều không may của người lính trận, nhưng bố đã gặp may, đó là gặp được mẹ của các con bây giờ. Người mẹ đã chịu thương chịu khó, chia sẻ mất mát thương tật, ốm đau trong chặng đời còn lại của bố- Bố tôi hào hứng kể.

Huyền thoại tình yêu của thời bố mẹ tôi
Bố tôi, người thương binh hạng 1/4, Lô Văn Minh luôn phải vào viện mỗi khi trái gió trở trời

Ngày ấy, vì là thương binh nặng nên bố được đưa vào chăm sóc, điều trị tại Trại an dưỡng Thương binh 4 Nghệ An. Do vết thương tái phát, nhiều tháng ông phải nằm liệt trên giường, không tự chủ được các sinh hoạt của mình, đòi hỏi phải có người chăm sóc phục vụ thì lúc ấy, người con gái xứ Phuống xuất hiện. Cô ấy tên là Bùi Thị Hòa, quê ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An, cũng là thương binh hạng 3/4, bị thương vào tháng 3/1975, tại mặt trận A lưới, Quảng Trị. Vì là cùng cảnh ngộ, nên hàng ngày cô ấy giúp chàng lau rửa vết thương, chăm sóc ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, giặt giũ... rồi động lòng thương yêu tự lúc nào không ai nói với ai. Đó là điều kì diệu của tình yêu, bố tôi nói.

Vì là cùng cảnh ngộ nên hai người luôn sẻ chia, cảm thông, đỡ đần, nhường nhịn nhau những lúc khó khăn, thiếu thốn, cả những khi đau đớn bực bội. Điều đáng nói là hai người luôn tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh. Khi bố đã hồi phục vết thương thì hai người chính thức ngỏ lời thưa chuyện với gia đình, đó là một trở ngại, bố kể: Mẹ tôi, tuy là thương binh nhưng vẫn giữ được phong độ và bản lĩnh cô gái Thanh Chương xinh xắn, ngoan, hiền, luôn hòa đồng với mọi người. Khi mẹ “Trình làng” chuyện sẽ làm vợ bố tôi thì cả họ cho rằng, con là thương binh, lại lấy một người chồng thương binh nặng, hơn thế lại là người khác dân tộc, liệu rồi con có vượt qua những trở ngại đó được không. Gia đình không phản đối vì anh ấy và con đều là những người đã cống hiến cuộc đời mình, hi sinh cho đất nước, nên tin các con sẽ biết cùng nhau vượt qua trở ngại. Bây giờ các con đã chọn hạnh phúc cho mình thì các con phải tự biết lo cho cuộc sống của mình; sẽ rất nhiều gian khổ, khó khăn, thậm chí còn gian khổ thiếu thốn hơn cả lúc trong chiến trường”. Người trong họ mẹ tôi nói vậy.

Quả thật, hai người cưới nhau, sinh hai chị em tôi, bố mẹ phải rất vất vả trong việc tự chăm sóc đến nuôi con, mà chủ yếu là cơm áo, gạo tiền, học hành rồi xin việc cho con cái.

Mẹ tôi, sau khi điều trị an dưỡng thì ra quân và đi học trường Trung cấp Thương nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa, sau đó về làm việc tại Xí nghiệp Bánh kẹo Vinh.

Chuyện của họ không bao giờ kể hết, như số phận biết bao người lính, biết bao hoàn cảnh trên cuộc đời này, nhưng những người lính luôn vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, họ không chỉ vượt lên chính mình mà họ còn gánh cả gia đình người thân mặc dù họ sẽ thiệt thòi, chịu phần thiếu thốn suốt đời. Người xưa có câu “Em như con hạc đầu đình, muốn bay không cất nổi mình mà bay” thật có lí khi chiêm nghiệm cuộc đời của những người thương binh giữa đời thường. Bản thân họ muốn cất cánh đã khó, huống hồ họ còn gánh cả con cái, người thân trên lưng mình thì làm sao bay nổi. Nhưng những người lính Cụ Hồ là vậy, họ luôn chiến thắng cho dù số phận có cay nghiệt đến đâu.

Huyền thoại tình yêu của thời bố mẹ tôi
Bức ảnh (22/12/2019), kỷ niệm của hai người trong một lần gặp mặt những người CCB

Hơn 40 năm qua, tuổi hai người nay đã cao, những vết thương chằng chịt trên cơ thể luôn hành hạ cả bố, lẫn mẹ mỗi khi trái gió trở trời. Từ trại nuôi dưỡng thương binh nặng tập trung, bố tôi đã xin về gia đình tự chăm sóc nên hàng ngày, mẹ vẫn phải chăm lo cho bố từng bữa ăn giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, máy thở... Những lúc bố vào viện thì cả hai đều là bệnh nhân vì chăm bố đến nỗi mẹ kiệt sức.

Mặc dù thế nhưng cả hai không bao giờ kêu ca về chế độ, về sự đãi ngộ hay bất mãn điều gì. Hiện ông bà là công dân Khối 3, thị trấn Hưng Nguyên, được công nhận là "Công dân kiểu mẫu".

Tình yêu của ông bà so với thế hệ chúng tôi quả là điều kì diệu không lột tả hết bằng lời; luôn là tấm gương để chúng tôi vượt qua mọi hoàn cảnh, răn mình trong cuộc sống và biết bằng lòng với những gì mình làm được.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Chăm lo cho người có công dịp 27/7

    Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho 67.244 người có công với cách mạng với tổng số tiền 20,39 tỷ đồng.  
    Đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam

    Đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam

    Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh Ninh Bình luôn tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam. Bằng trách nhiệm và những việc làm cụ thể, Hội đã khẳng định vai trò ...