• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kỳ II: Phòng, chống tham nhũng - nhìn từ góc độ nạn nhân chất độc da cam “giả”

Kỳ II: Phòng, chống tham nhũng - nhìn từ góc độ nạn nhân chất độc da cam “giả”

Kỳ II

Nguyên nhân

Nguyên nhân của hiện tượng nạn nhân chất độc da cam “giả” có nhiều, song trước hết là do trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt hồ sơ từ cấp xã, huyện đến tỉnh chưa tốt. Xã là cấp cơ sở, có trách nhiệm thiết lập hồ sơ ban đầu; các thành viên của Hội đồng xét duyệt người có công với cách mạng là những người ở gần hoặc cùng sinh hoạt, sinh sống với đối tượng, nhưng “không” phát hiện được sai phạm hoặc do nể nang, dễ dàng bỏ qua những nội dung mà các đối tượng khai man. Thực tế có không ít trường hợp nạn nhân “giả” là người nhà cán bộ ở xã, phường. Đối với cấp huyện, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội không hoàn thành tốt chức năng kiểm tra, thẩm định tính xác thực của hồ sơ. Họ chỉ dựa trên các tài liệu, giấy tờ, hồ sơ do cấp xã và đối tượng cung cấp rồi trình Ủy ban nhân dân huyện ký phê chuẩn. Đối với cấp tỉnh, Phòng Người có công là nơi có nhiệm vụ thẩm định, xét duyệt hồ sơ, nhưng để "lọt" hồ sơ giả mạo, dẫn đến việc lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định được hưởng trợ cấp không đúng đối tượng.

Thực tế những năm qua cho thấy, do một số văn bản quy phạm pháp luật ra đời ở các giai đoạn khác nhau, hoặc giữa các cấp (Trung ương và cấp tỉnh) chưa thống nhất, dẫn đến cách vận dụng khác nhau; thậm chí có quy định còn bất cập. Ví dụ: theo các văn bản quy định, người có bệnh tật như nhau nhưng nếu giám định trước năm 2014 thì được công nhận là nạn nhân chất độc da cam, còn giám định sau năm 2014 lại không được công nhận. Bộ Y tế hiện vẫn chưa có tiêu chí cụ thể về y khoa để xác định, phân biệt người bị nhiễm chất độc hóa học với người không bị nhiễm chất độc hóa học; bởi cùng một bệnh thì có người không tham gia kháng chiến, không bị di nhiễm từ bố, mẹ là người bị phơi nhiễm hất độc hóa học vẫn có thể bị mắc. Mặt khác, trong danh mục 17 loại bệnh tật do Bộ Y tế quy định, có những nạn nhân mắc loại bệnh không nằm trong danh mục đó, nên Hội đồng Giám định y khoa không thể xác nhận bệnh tật. Thêm nữa, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp phải mất sức lao động từ 61% trở lên… Đó là những trở ngại, khó khăn trong thực tế.

Nam Định là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp người có công

Ở một số địa phương, việc khám, giám định và kết luận của cơ quan y tế thiếu chặt chẽ, một số cán bộ đã cố tình xác nhận sai cho đối tượng; thực tế đã có một số cán bộ y tế bị bắt về tội làm giả hồ sơ bệnh tật cho đối tượng. Thông tư Liên tịch số 41/2013, ngày 18/11/2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có hiệu lực; trong danh mục 17 bệnh, tật nêu tại Thông tư này có quy định người nhiễm chất độc da cam/dioxin bị bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính, bán cấp tính và tiểu đường tuýp 2. Thực tế, nhiều người không bị nhiễm chất độc hóa học cũng vẫn bị mắc bệnh này; hơn nữa khó định lượng về mức độ bệnh tật. Từ đó nhiều người lợi dụng loại bệnh này để kê khai thành bệnh tật liên quan. Qua kiểm tra hồ sơ ở các tỉnh đều có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đối tượng kê khai bệnh “thần kinh ngoại biên”.

Cùng với đó là một số sơ hở trong thẩm định, xét duyệt hồ sơ của đối tượng di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác (nhất là giai đoạn thực hiện Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Quyết định 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế). Một số đối tượng đã lợi dụng quá trình di chuyển hồ sơ để khai man, làm giả con dấu, chữ ký của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Địa phương có đối tượng chuyển đến sau khi tiếp nhận hồ sơ đã thiếu chặt chẽ trong khâu đối chiếu, thẩm định. Ví dụ: tỉnh Gia Lai đã phát hiện 8 đối tượng di chuyển từ Hải Dương, Hưng Yên vào sinh sống tại địa phương làm giả hồ sơ nạn nhân chất độc da cam.

Một nguyên nhân khác là, do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa thấy được hậu quả việc làm sai trái của mình. Một số người sau khi bị cơ quan chức năng gọi ra thẩm tra đã phân bua: mình có tham gia bộ đội, biết rằng chưa đủ tiêu chuẩn để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhưng vì cuộc sống còn khó khăn nên làm giả mạo giấy tờ. Ông H ở Thái Bình bộc bạch: tôi suy nghĩ đơn giản là tiền của Nhà nước nên thêm một suất của cá nhân mình chẳng đáng bao nhiêu, trong khi mình còn nghèo quá!

Thêm nữa, một bộ phận đã bị “cò mồi” lôi kéo với lời dụ dỗ có đường dây “chạy” được với số tiền chỉ bỏ ra một vài chục triệu đồng (trường hợp đường dây làm giả hồ sơ đã bị bắt ở Thái Bình). Đáng nói là, số người bị phát hiện làm giả hồ sơ khi bị thu hồi tiền thì đa số không còn khả năng chi trả ngân sách Nhà nước; bởi lẽ đa phần tuổi đã cao, sức khỏe yếu không còn khả năng lao động, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có khả năng hoàn trả. Ví dụ: Thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra tại Quân khu 5, có 37 trường hợp làm giả hồ sơ, yêu cầu truy thu hơn 5 tỷ 150 triệu thì chỉ thu được hơn 700 triệu.

Hiện tượng nạn nhân chất độc da cam “giả” đã gây bất bình trong nhân dân, nảy sinh khiếu nại, tố cáo, tụ tập đông người ở một số địa phương. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương phải thực hiện tốt các giải pháp để giải quyết kịp thời hiện tượng này.

Mạnh Dũng - Đình Trọng

(Kỳ III - Một số giải pháp chủ yếu)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Sáng 26/4, Trung tâm BTXH NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2014 – 28/4/2024). Dự lễ kỷ niệm có: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người Khuyết tật, Cục Bảo ...