Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bắng súng bộ binh của Trung đội dân quân xã Tiền Châu đã cách nay 50 năm. Giờ đây những chiến sỹ dân quân ngày ấy người còn, người mất, số phận và hoàn cảnh cũng khác nhau. Nguyên Trung đội trưởng Nguyễn Đình Cán đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho người bị nhiễm chất độc da cam với mức trên 81% (trợ cấp 3,703 triệu đồng/tháng). Theo lời ông kể, trong những năm tháng sôi sục đánh Mỹ, cũng giống như những thanh niên cùng trang lứa, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đầu năm 1966, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Cán đã lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào đơn vị 304A rồi hành quân vào chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị. Gần 5 năm trời quần nhau với giặc, tại đây ông và nhiều đồng đội đã bị nhiễm chất độc da cam, những trận bị sốt rét rừng hành hạ chết đi sống lại, khiến ông không thế tiếp tục cùng đơn vị hành quân vào sâu tại các chiến trường. Tháng 8/1971 ông được đơn vị chuyển ra an dưỡng tại đoàn an dưỡng thương binh nặng của tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Sau đó, ông được giải quyết chế độ phục viên về địa phương và được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng dân quân của xã nhà.
Mặc dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Nguyễn Đình Cán vẫn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về chiến công năm xưa của trung đội do mình chỉ huy, đôi mắt nhăn nheo mờ đục của ông bỗng sáng lên niềm vui, nhấp ngụm nước chè tươi trong vườn nhà, ông hào hứng kể. Vào đầu năm 1972 trung đội phòng không của xã Tiền Châu được biên chế 9 cán bộ, chiến sỹ, 3 khẩu đại liên và một số súng trường. Cũng trong khoảng thời gian này đế quốc Mỹ liên tục tiến hành các hoạt động leo thang đánh phá Miền Bắc với cường độ ngày càng ác liệt. Đêm 16/10/1972 Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đánh phá vào các khu vực dân cư, các khu công nghiệp của Hải Phòng Hà Nội và Vĩnh Phúc. Chúng rải bom xuống các làng mạc, các khu công nghiệp đánh trúng một số đơn vị bộ đội, gây ra cái chết cho nhiều thường dân vô tội. Căm phẫn trước tội ác của Đế quốc Mỹ xâm lược, mong muốn được trả thù cho dân làng và những người đồng chí thân thiết đã hy sinh bởi bom đạn giặc. Trung đội phòng không xã Tiền Châu do trung đội trưởng Nguyễn Đình Cán chỉ huy từng giây, từng phút bám trụ bên ụ súng, đôi mắt hướng lên bầu trời quê hương, sẵn sàng nhả đạn và tiêu diệt giặc thù.
Thời cơ đã đến, vào khoảng 0 giờ 5 phút ngày 17/10/1972 dưới ánh trăng vằng vặc của trời thu tháng 10, sau tiếng còi báo động, các chiến sỹ dân quân trong trung đội phát hiện 2 chiếc “thần sấm” của giặc đang trên đường đi gây tội ác chúng quần đảo liên tục trên bầu trời Hà Nội, rồi bất ngờ một chiếc lao thẳng lên khu vực dãy núi Tam Đảo, một cái hạ thấp độ cao, lao về đúng vị trí trận địa của trung đội. Ngay lập tức, trung đội Nguyễn Đình Cán ra lệnh cho các chiến sỹ nhanh chóng tính toán, xác định cự ly, vật chuẩn khi máy bay giặc đã vào đúng vị trí vật chuẩn 1, hàng loạt đạn đại liên vang lên giòn giã, xé toang bầu trời, lao thẳng vào quân thù.
Chiếc F111 “cánh cụp cánh xòe” bốc khói chao đảo rồi đâm đầu xuống khu vực Đầm Quận, xã Tiền Châu, cách vị trí trận địa của trung đội khoảng 1 km, tạo nên một tiếng nổ dữ dội, lửa bốc cao ngùn ngụt. Trong giây phút đặc biệt ấy cả trung đội bỗng ôm chầm lấy nhau xúc động. Nguyễn Thị Liên chiến sỹ nữ dân quân duy nhất của trung đội và cũng là người có nhiệm vụ tiếp đạn trong quá trình chiến đấu đã òa khóc vì sung sướng. Từ ngày được vào lực lượng dân quân của xã tham gia đánh Mỹ, đấy là chiến công đầu tiên và cũng là khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời chị. Flll “cánh cụp cánh xòe” là loại máy bay hiện đại được mệnh danh là “kẻ đột nhập thần kỳ” với nhiều lợi thế. Bay nhanh, bay thấp, giỏi luồn lách, rất khó phát hiện, rất khó bắn trúng, giá mỗi chiếc thời điểm đầu những năm 1970 khoảng trên 15 triệu đô la. Tuy nhiên dù có hiện đại thế nào, ma mãnh ra sao, chúng vẫn phải đền tội bởi lưới lửa phòng không, bởi lòng căm thù giặc Mỹ và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” của quân và dân ta. Ngay ngày hôm sau tin Trung đội phòng không xã Tiền Châu Mê Linh của Vĩnh Phúc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh đã được lan báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các báo chí nước ngoài. Đặc biệt tính đến thời điểm ngày 17/10/1972 thì đây là chiếc máy bay thứ 4.000 của giặc Mỹ phải đền tội trên bầu trời Miền Bắc. Do đó; chiến công này của Trung đội dân quân xã Tiền Châu đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Những năm sau hòa bình, nhất là vài năm trở lại đây, tuy cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng năm nào cũng vậy cứ vào dịp kỷ niệm chiến Thắng Hà Nội “Điện biên phủ trên không 18/12’’ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày Hội quốc phòng toàn dân 22/12 những chiến sỹ trong Trung đội dân quân xã Tiền Châu ngày ấy lại tổ chức gặp mặt cùng nhau ôn lại chiến công hào hùng đã đi vào sử sách, đồng thời kể cho các cháu thiếu niên nhi đồng nghe về chiến công đã trở thành huyền thoại của quê hương. Trong cuộc sống họ cũng luôn phát huy tốt phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ” giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hỏi thăm động viên nhau những lúc ốm đau bệnh tật. Ngoài ra họ cũng luôn là những công dân tiêu biểu trong chấp hành và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần làm cho bộ mặt của quê hương Tiền Châu anh hùng, ngày càng khởi sắc.
Ảnh chiếc máy bay F111 bị bắn rơi ngày 17/10/1972 tại Tiền Châu, Mê Linh – Hà Nội (Nay là Thành Phố Phúc Yên – Vĩnh Phúc). |
Bình luận