• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

 Lan toả tình thương và trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

 Nỗi đau da cam:

Lịch sử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã ghi lại, ngày 10/8/1961, ngày đầu tiên quân đội Mỹ phun rải chất độc hoá học xuống vùng đất thuộc tỉnh Kon Tum; bắt đầu cho một cuộc chiến tranh hoá học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất trong lịch sử nhân loại (1961-1971). Trong suốt 10 năm Mỹ đã phun rải hơn 80 triệu lít chất độc hoá học, gây ra hậu quả rất nặng nề cho môi trường và con người Việt Nam. Đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hoá học, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều người đã chết, nhiều người đang phải sống quằn quại với bệnh tật dày vò. Đau buồn hơn nó còn di chứng sang con, cháu, chắt của họ ngay khi được sinh ra.

Hà Tĩnh là quê hương có truyền thống cách mạng, hàng vạn thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nối tiếp nhau ra chiến trường. Khi thống nhất đất nước, hang nghìn liệt sĩ nằm lại trên chiến trường, còn các thương bệnh binh, những cựu chiến binh trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới, trong số đó có bao nhiêu người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; nhiều người sinh con bị dị tật, dị dạng, nhiều cha mẹ nuôi con lớn lên nhưng chưa một lần được nghe tiếng gọi bố, mẹ.

Ông Nguyễn Minh Nguyên (bên phải) Chủ tịch Tỉnh hội Hà Tĩnh tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam

Hà Tĩnh có 19.271 người bị phơi nhiễm chất độc hoá học. Từ khi ban hành chế độ chính sách cho người bị nhiễm chất độc da cam, có hơn 15.000 người đã được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước; theo năm tháng, số nạn nhân cũng đã ra đi vĩnh viễn. Hiện nay, còn 5.445 người đang được hưởng chế độ (trong đó nạn nhân trực tiếp là 3.307 người, nạn nhân gián tiếp là 2.138 người). Nạn nhân chất độc da cam đều có chung hoàn cảnh, bệnh tật liên miên dày vò, đời sống vật chất và tinh thần gặp nhiều khó khăn. Địa phương nào trên địa bàn tỉnh cũng có những gia đình có 2-3-4 nạn nhân. Như gia đình ông Tuyến ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân có 3 nạn nhân, bố đã mất còn 2 anh em người như khúc gỗ, nằm một chỗ, chỉ có mẹ chăm sóc. Gia đình bác Thi ở thị trấn Can Lộc, huyện Can Lộc có 4 nạn nhân, 2 con gái nằm một chỗ, 1 con trai lấy vợ 12 năm rồi không có con… Và còn nhiều hoàn cảnh éo le khác không thể kể hết và họ đang rất cần sự chung tay của cộng đồng.

Cần sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành

Thấu hiểu được nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam, Đảng, Nhà nước và chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp góp phần xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân. Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2215/QĐ-TTg, ngày 28/12/2021 ban hành kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Ở Hà Tĩnh, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm, chia sẻ cùng các NNCĐDC. Hằng năm, tỉnh đều gửi thư kêu gọi tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; các ngày 27/7, 10/8 hàng năm, các cán bộ lãnh đạo tỉnh đến tận nhà, thăm hỏi, tặng quà cho NNCĐDC nặng. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trên địa bàn luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Thời gian qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã có nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền đến các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để thực sự lan tỏa tình thương và trách nhiệm đối với NNCĐDC. Có thể kể đến Hội Doanh nghiệp là con em đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Đà Nẵng, Công ty Thanh Tùng 2 ở Đồng Nai; Quỹ Hoa Hoà Bình; Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng; Điện lực tỉnh; một số Ngân hàng: NN&PTNT, Công thương; Chính sách xã hội; Nhà nước; Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy Bia Sao vàng Hà Tĩnh; Hội gold và nhiều doanh nghiệp nhỏ vừa khác đã chung tay đóng góp xoa dịu nỗi đau da cam. Quỹ “Mái ấm tình thương”, Băng nhạc đường phố: Orange – vì nụ cười, Sologan, bước tiếp nhưng không lãng quên do đồng chí Phan Văn Sang – Công tác tại Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh làm Trưởng nhóm và nhiều bạn trẻ khác đã tổ chức biểu diễn trên phố đi bộ Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh vào tối thứ 7 tuần cuối tháng, đã thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh tham gia quyên góp được nhiều kinh phí. Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh phối hợp với các cháu trong Nhóm nhạc tự nguyện đã đến thăm hỏi và tặng quà cho các nạn nhân nặng, nằm một chỗ ở các địa phương. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay.

Hội NNCĐDC/dioxin cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để mọi cấp, mọi ngành và cả cộng đồng xã hội thấu hiểu những hy sinh mất mát, những nỗi đau về thể xác và tinh thần của NNCĐDC phải gánh chịu để cảm thông chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ họ.

Xây dựng tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh, là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền các cấp đến các thành viên, hội viên, là ngôi nhà chung của NNCĐDC.

Cấp uỷ, chính quyền, ban ngành đoàn thể cùng với Hội NNCĐDC/dioxin có nhiều nội dung hình thức và biện pháp vận động đạt hiệu quả để có nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân và gia đình NNCĐDC có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Tiếp tục kiến nghị với Bộ LĐ-TB&Xã hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền có giải pháp phù hợp với những người trực tiếp chiến đấu nhưng bị mất giấy tờ để họ được giám định thương tật, sức khoẻ để được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Nỗi đau da cam không của riêng ai, đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Việc “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Mỗi người hãy hành động bằng những việc làm cụ thể, phù hợp thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng./.

Đại tá Nguyễn Minh Nguyên
Chủ tịch Tỉnh hội Hà Tĩnh

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác