Một góc Cụm cảng Nghi Sơn
Tham gia đoàn là đại biểu các Hội thành viên của Liên hiệp cùng đại diện một số Sở, ngành tỉnh Nghệ An và Phó Bí thư thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An.
Thăm Cụm cảng Nghi Sơn, Đoàn công tác choáng ngợp trước sự phát triển quy mô hiện đại của cụm cảng. Đây là khu vực tỉnh Thanh Hóa khởi động dự án xây dựng từ thế kỷ trước. Hiện nay cụm cảng đang vừa xây dựng, vừa vận hành, khai thác và đã định hình diện mạo. Theo điều chỉnh, Cụm cảng Nghi Sơn gồm có 64 bến (12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến chuyên dụng), hiện 21 bến đã đi vào hoạt động.
Ông Cao Minh Xuân, Giám đốc Cụm cảng Nghi Sơn, giới thiệu về hoạt động của đơn vị
Ông Cao Minh Xuân, Giám đốc Cụm cảng Nghi Sơn cho biết: Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 - 100.000DWT, năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là 33ha bãi ngoài trời, nền bãi bằng bê tông cốt thép chịu được áp lực 25T/M2. Hệ thống kho kín đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15.000 m2 với áp lực nền kho 25T/M2, có hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, được trang bị cẩu trục hiện đại đáp ứng yêu cầu xếp dỡ các loại hàng hóa đa dạng.
Chúng tôi quan sát thấy những con tàu cập bến bốc xếp hàng hóa nhộn nhịp. Theo ông Cao Minh Xuân, sản lượng xếp dỡ của cảng đạt hơn 4 triệu tấn hàng hóa trong năm nay. Cụm cảng nam Nghi Sơn đã tiếp nhận cỡ tàu 70.000 tấn giảm tải; bắc Nghi Sơn tiếp nhận cỡ tàu từ 40.000 tấn; cảng Lễ Môn và Quảng Châu tiếp nhận tàu 1.000 tấn.
Cùng ngày, Đoàn công tác làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn. Tiếp đoàn là hai Phó Trưởng Ban quản lí KKT Nghi Sơn, ông Bùi Tuấn Tự và ông Nguyễn Anh Tuấn. Khu Kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006, với diện tích là 18.611,8 ha bao gồm 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), sau đó được điều chỉnh mở rộng từ 18,611,8ha lên 106.000ha; chia thành 55 phân khu, trong đó, có 25 phân khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.057,9 ha.
Ông Bùi Tuấn Tự, Phó Trưởng Ban quản lí KKT Nghi Sơn giới thiệu hoạt động với các đại biểu LHCTCHN Nghệ An
Ông Bùi Tuấn Tự lí giải qua màn chiếu LED cho biết, KKT này thuận lợi về đường bộ, có Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Quốc gia Bắc – Nam đi qua, đường ven biển kết nối vùng kinh tế Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đường Nghi Sơn – Bãi Trành kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường Nghi Sơn- Sân bay Thọ Xuân. Hệ thống giao thông nội bộ được kết nối liên hoàn giữa cảng Nghi Sơn và các KCN và Khu đô thị. Về đường sắt: Có đường sắt quốc gia chạy qua Khu kinh tế Nghi Sơn với chiều dài trên 30km, hệ thống đường sắt kết nối từ các ga hàng hoá tại cảng Nghi Sơn với ga trung chuyển, ga hành khách nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cho Khu kinh tế Nghi Sơn; Cảng biển nước sâu Nghi Sơn, được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) và được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, có diện tích quy hoạch là 2.020 ha, bao gồm các bến tổng hợp, bến container, bến chuyên dùng và khu dịch vụ hậu cần; có khả năng khai thác hàng trăm triệu tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 DWT, năng lực xếp dỡ hàng chục triệu tấn/năm. Hiện nay, đã có hãng tàu CMA-CGM mở các tuyến vận tải container quốc tế từ Nghi Sơn đi Singapore; từ Nghi Sơn đi Châu Âu, Bờ Tây nước Mỹ, Châu phi thông qua cảng trung chuyển Singapore. Về đường Hàng không: Có cảng hàng không Thọ Xuân cách Khu kinh tế Nghi Sơn 60km. Hiện đã và đang khai thác các đường bay nội địa, được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.
Đến nay, KKT Nghi Sơn: có 265 dự án ĐTTN tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.090 tỷ đồng và 23 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.809 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư lớn, có tác động lan tỏa, đã và đang được triển khai thực hiện như: Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn I công suất 600 MW, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II công suất 1.200 MW, Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, Nhà máy xi măng Công Thanh công suất 5 triệu tấn/năm, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 1 công suất 1,6 triệu tấn phôi thép/năm; Khu kinh tế Nghi Sơn đóng góp ngân sách dự kiến năm 2023 sẽ là 25 ngàn tỷ, trong khi cả tỉnh Thanh Hóa là 51 ngàn tỷ.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Thương trực LHCTCHN tỉnh Nghệ An cho rằng, hoạt động này góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong công tác đối ngoại nhân dân, trong kinh nghiệm xây dựng các khu kinh tế, thu hút đầu tư; tăng cường đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Quốc Khánh
Bình luận