33 doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu, có doanh nghiệp không nhập giọt nào
Trao đổi với Lao Động, một vị có thẩm quyền ở Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân chính khiến thị trường xăng dầu "điêu đứng" trong thời gian qua là vấn đề cấp phép xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu tràn lan.
Theo ông, trong 33 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, chỉ có phân nửa doanh nghiệp là kinh doanh xăng dầu, còn lại đầu tư bất động sản, buôn bán gạo. Bởi, việc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được hưởng ưu đãi rất lớn về vay vốn ngân hàng, room tín dụng, sử dụng vốn vay ngân hàng.
"Những doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu có hạn mức vay cao hơn bình thường, thế chấp lại ít hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp phân bón muốn vay ngân hàng sẽ phải thế chấp 100% tài sản, mới được vay; còn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu, chỉ cần thế chấp 70% tài sản đã được ưu đãi vay rồi, còn lại 30% là tín chấp.
Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu có thể vay đến 2.000 - 3.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn được vay vốn ngân hàng với lãi suất 0%/6 tháng", vị này nói và cho biết, trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu nhưng chỉ có một nửa số doanh nghiệp thật sự kinh doanh xăng dầu và có những doanh nghiệp không nhập giọt xăng nào.
Trong thực tế, nguồn xăng dầu nhập khẩu trong quý 3 của các doanh nghiệp đầu mối giảm mạnh. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 3, sản lượng nhập khẩu xăng giảm đến 40%, dầu diesel giảm 35% so với quý 2.
Nguồn cung khó, chiết khấu 0 đồng khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu điêu đứng. Ảnh: CTV |
Đặc biệt, ngày 9/10, Tổng cục Hải quan đã thông tin, chỉ có 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng về. Trong đó, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý 3 cũng không nhập, như Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
Hay 2 doanh nghiệp đầu mối khác cũng không có lượng nhập hàng ghi nhận trong quý 3, đó là Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Cũng theo chia sẻ của vị có thẩm quyền trên, thương nhân phân phối xăng dầu cũng giống như doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nhưng hạn mức của thương nhân phân phối thấp hơn và không được nợ nước ngoài, bởi loại hình này không được phép nhập khẩu xăng dầu trực tiếp từ nước ngoài về.
Chính vì vậy, một khi thị trường xăng dầu biến động, các doanh nghiệp đầu mối (có nhập hàng) sẽ lo hàng cho hệ thống của mình trước, rồi mới bán cho các thương nhân phân phối. Nếu không đủ hàng, không bán được cho thương nhân phân phối thì hệ luỵ là hệ thống cửa hàng xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ đứt nguồn.
Theo vị này, thương nhân phân phối không phải nơi phát nguồn, chỉ mua đi bán lại. Chính vì vậy, cần bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu.
"Thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.
Nếu loại bỏ loại hình này ra khỏi hệ thống sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước như nguồn cung hàng hóa đợt đầu năm và cuối 2019, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua đi từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý", vị này cho hay.
Điều hành phải uyển chuyển, giữ ổn định giá
Một vấn đề nữa khiến thị trường xăng dầu trở nên điêu đứng những ngày qua là vấn đề điều hành xăng dầu.
Theo vị này, giá xăng dầu thế giới do Liên Bộ Tài chính - Công thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở căn cứ theo giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế.
Nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày nhất công bố giá cơ sở.
Theo đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Và, giá điều hành xăng dầu ở trong nước bao giờ cũng chậm hơn so với thế giới khoảng 20 ngày.
Khi chậm hơn 20 ngày, với nhà điều hành, khi điều chỉnh giá của 10 ngày trước sẽ biết được xu hướng giá của 10 ngày tiếp theo như thế nào, từ đó, điều chỉnh giá cho phù hợp, doanh nghiệp đỡ lỗ.
"Điều hành xăng dầu để giữ giá xăng dầu ổn định giúp phục hồi kinh tế; không thể thấy giá giảm là giảm kịch sàn, còn giá tăng là tăng hết cỡ.
Xăng dầu là mạch máu, đầu vào của nền kinh tế, là mặt hàng trọng yếu, chứ không chỉ là thiết yếu. Chính vì vậy, điều hành xăng dầu phải uyển chuyển, quan trọng nhất là giữ ổn định giá.
Ví dụ, trong 10 ngày điều chỉnh, khi giá đang giảm khoảng 1.000 đồng, nhà điều hành có thể trích quỹ 500 đồng/lít và xả 500 đồng/lít để giữ nguyên giá. Sang 10 ngày tiếp theo, nếu giá lên khoảng 1.000 đồng thì có thể xả quỹ 500 đồng để giữ nguyên giá", ông nói.
Bình luận