• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Mắc sốt xuất huyết, nam thanh niên 17 tuổi ngừng tim do sốc truyền dịch tại nhà, tử vong do suy đa tạng

Sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, nhiều người dân ngại không tới bệnh viện thăm khám, tự ý truyền dịch hạ sốt dẫn tới sốc.

Trước đó, một cô gái 28 tuổi trú tại TP.HCM đã tử vong vì truyền dịch ở phòng khám tư. Chiều 3/7, bệnh nhân được gia đình đưa đến với các triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, đau đầu, được chẩn đoán sốt xuất huyết ngày đầu. Để xử trí, phòng khám đã cho bệnh nhân truyền dịch trước khi xảy ra biến chứng nặng.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được phòng khám đưa đến bệnh viện cấp cứu vào tối 3/7 trong tình trạng mạch bằng 0, ngưng tim, ngưng thở. Dù các bác sĩ cố gắng hồi sức nhưng bệnh nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.

Trước đó, BV Bạch Mai tiếp nhận một thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội đã cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị.

Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2.

Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong hai ngày sau đó do suy đa tạng.

Nguy cơ sốc rất cao nếu tự ý truyền dịch khi sốt. (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch hội truyền nhiễm TP.HCM việc tự ý truyền dịch để hạ sốt vô cùng nguy hiểm, nhất là với bệnh nhân sốt xuất huyết. Hiện tại ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang có dịch sốt xuất huyết vì vậy người dân tuyệt đối không tự truyền dịch khi bị sốt.

Với sốt xuất huyết, ở giai đoạn 1, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch: sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, nôn ói. Nhiều người nghĩ rằng truyền dịch để mau hồi phục, hạ sốt, khoẻ hơn nhưng thực chất lại rất nguy hiểm.

Khi cơ thể đang sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nên nếu truyền dịch dễ bị sốc.

Vì vậy khi sốt người bệnh còn ăn uống được thì bù bằng nước hoa quả, nước đun sôi để nguội, nước rau, oresol...

Ngay cả trong bệnh viện, tỷ lệ truyền dịch cũng rất thấp. Những bệnh nhân chỉ định truyền dịch là người bị mất nước mà không đưa nước vào được bằng đường miệng; hoặc người bị mất nước nặng, nhiều mà bổ sung nước bằng đường miệng không kịp thì sẽ truyền.

Ngoài ra, những người quá suy kiệt, ăn uống không được thì sẽ truyền các chất bị thiếu vào cơ thể.

Thói quen người dân cứ mệt, ốm là đi truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. BS Khanh cho biết nếu truyền dịch tại các cơ sở không đủ hệ thống cấp cứu bạn đối diện với tử vong khi bị sốc phản vệ. Khi truyền dịch, người truyền không truyền đúng liều lượng, tốc độ, người bệnh không tải nổi lượng dịch, truyền quá tốc độ sẽ gây suy tim, tử vong, không thải được dịch, khi đó người sẽ phù lên.

Ngoài ra, trong dịch truyền có thể pha thêm một loại thuốc bổ, nhưng nếu người bệnh dị ứng với loại thuốc bổ đó thì rất dễ đưa đến sốc phản vệ.

Bác sĩ Khanh cảnh báo một vài cơ sở y tế, phòng mạch thường truyền dịch sớm và nhiều cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định. Điều này dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bác sĩ Khanh lưu ý người bệnh phải nhớ nếu truyền dịch chắc chắn phải được thực hiện tại một cơ sở y tế uy tín, ở bệnh viện huyện trở lên.

Trạm y tế cũng không được truyền dịch để điều trị sốt xuất huyết. Trong sốt xuất huyết, cần nhớ rằng, đôi khi trong thời điểm đó chưa cần truyền dịch nhưng lại thực hiện thì đến khi cần lại quá tải, vì vậy không có tác dụng, thậm chí là gây hại.

Trong khi truyền dịch, nếu rét run, khó chịu, sốt cao thì báo với bác sĩ, nhân viên y tế để được đánh giá lại trường hợp này là do bệnh hay do dịch truyền, có hướng xử trí kịp thời.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...