Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết miền Bắc tiếp diễn trạng thái mưa rào và dông ngày 7-8/10. Những ngày tới, thời tiết khu vực nhiều mây, âm u, cục bộ có mưa lớn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, nhận định một khối không khí lạnh với cường độ mạnh đang ảnh hưởng đến Trung Quốc. Ngày 9/10, hình thái này tràn xuống và chi phối thời tiết miền núi phía bắc nước ta.
Sau đó, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các khu vực khác ở miền Bắc. Ngày 10-11/10, đồng bằng và trung du chuyển lạnh, trong khi miền núi chuyển rét.
Theo bản đồ dự báo, Hà Nội bắt đầu giảm nhiệt nhẹ ngày 7-9/10, kèm mưa dông. Nhiệt độ những ngày tới dao động 24-30 độ C, trời mát.
Đến ngày 10/10, nền nhiệt thủ đô tiếp tục giảm xuống ngưỡng 20-25 độ C. Trời chuyển lạnh về đêm và sáng sớm, ban ngày mát mẻ. Trạng thái mưa dông duy trì đến hết ngày 10/10, sau đó thời tiết khô ráo, hửng nắng trở lại, nhưng nhiệt độ ban đêm vẫn ở mức thấp.
Trong khi đó, trang Accuweather dự báo Hà Nội bắt đầu ghi nhận mức giảm nhiệt xuống ngưỡng 18 độ C đêm 9/10. Sau đó, khi không khí lạnh lấn sâu vào đất liền, thời tiết giảm mưa, nắng hanh.
Trong đợt này, ngày 10/10 là thời điểm Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ ghi nhận mức nhiệt trung bình ngày thấp nhất, trong ngưỡng 19-22 độ C. Những ngày tiếp theo, thời tiết ngày và đêm có sự chênh lệch lớn, nền nhiệt phổ biến 20-28 độ C.
Tại một số tỉnh, thành phố miền núi Bắc Bộ như Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, mức nhiệt thấp nhất là 17 độ C trong ngày 10-11/10, thời tiết chuyển rét. Riêng Lạng Sơn có thể ghi nhận nhiệt độ 14 độ C, ngưỡng rét đậm.
Dù vậy, đợt không khí lạnh lần này khả năng sớm suy yếu. Kể từ ngày 13/10, nhiệt độ nhiều nơi tăng nhanh trở lại. Hình thái này được dự báo gia tăng tần suất và cường độ trong nửa cuối tháng 10.
Tại Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, mưa dông cũng có thể xuất hiện liên tục ngày 10-14/10. Trong khi đó, thời tiết ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục diễn biến xấu khi mưa rào và dông trong nhiều ngày tới.
Cơ quan khí tượng cảnh báo ảnh hưởng của lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt đỉnh trong ngày 10-13/10, sau đó biến đổi chậm.
Những ngày tới, đỉnh lũ ở sông Tiền Giang tại trạm Tân Châu khả năng lên 3,7 m, trên báo động 1 là 0,2 m; sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên 3,3 m, trên báo động 1 là 0,3 m. Ngoài ra, các trạm hạ nguồn sông Cửu Long cũng lên báo động 2 và 3.
Người dân đề phòng nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao tại An Giang, Đồng Tháp, Long An và vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.
Bình luận