• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ An: Kinh nghiệm đột phá trong xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

S au hơn 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, dựa trên nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm", gắn với làm tốt công tác dân vận chính quyền, Nam Đàn đã có nhiều cách làm trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP. Với 69 sản phẩm, hiện Nam Đàn là địa phương dẫn đầu về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Nghệ An. OCOP không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm và tạo nên những điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Nam Đàn.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu tham quan một gian hàng sản phẩm ocop 3 sao của huyện Nam Đàn

          Để chính sách đi vào cuộc sống

Ngay khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, kết hợp với triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2025, huyện Nam Đàn đã phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng và xây dựng Đề án OCOP huyện Nam Đàn giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn: " Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để phát triển bền vững đòi hỏi sự chung tay của tất cả, nhất quyết không làm theo hình thức đối phó, không chạy theo phong trào. Cán bộ phải thông việc thì dân mới tin tưởng, thực hiện. Bởi vậy, Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ OCOP cấp huyện để tư vấn, hỗ trợ để đồng hành, định hướng và hỗ trợ các chủ thể".

Dưới sự chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Nam Đàn cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của trung ương, tỉnh hướng dẫn các đơn vị thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP một cách nghiêm túc, bài bản; trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Để Đề án đi vào cuộc sống, UBND huyện đã tổ chức tập huấn, tham quan học tập cách phát triển sản phẩm OCOP ở tỉnh Quảng Ninh-Một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng, số lượng sản phẩm OCOP của cả nước giúp chủ thể hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, lợi ích của OCOP.

Bên cạnh đó, nhờ xác định sản phẩm chủ lực là nhóm thực phẩm đặc sản truyền thống của Nam Đàn như: tinh bột sắn dây, giò me, các sản phẩm chế biến sâu từ sen, nên Nam Đàn đã dành thắng lợi ngay từ Hội thi đánh giá sản phẩm đạt OCOP của tỉnh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019. 8/8 sản phẩm tham gia đã đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó sản phẩm tương Sa Nam của cơ sở sản xuất Hồ Thị Xuân Hương xóm 2, xã Nam Anh (hiện nay là HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến Tương Sa Nam Hương Dương) đạt 4 sao; 7 sản phẩm còn lại đều đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Nhớ lại khi được chọn tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chị Hồ Thị Xuân Hương-Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến Tương Sa Nam Hương Dương vẫn không nghĩ HTX lại có bước đột phá để đạt tiêu chuẩn 4sao OCOP như vậy, "Để hoàn thiện hồ sơ đã cần quá nhiều giấy tờ, thủ tục lại liên quan đến các sở, ban, ngành, nên chúng tôi nghĩ chỉ tham gia cho biết. Nhưng cán bộ huyện cũng như xã đã hướng dẫn, cùng làm, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đến nay, không chỉ tăng về doanh số mà tương Sa Nam Hương Dương đã được người dân khắp cả nước biến đến, là đặc sản đạt OCOP của Nam Đàn-Nghệ An".

Khác với chị Hương, anh Phạm Kim Tiến-Giám đốc HTX Sen Quê Bác, ngay khi được tập huấn, HTX đã có chiến lược tham gia với mục tiêu OCOP hóa các sản phẩm. Đến nay, HTX có 11 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao; và luôn dành được vị trí ưu tiên lựa chọn phục vụ các hội nghị quan trọng từ huyện đến trung ương. Anh Tiến chia sẻ: “Tham gia tập huấn, chúng tôi thấy được những lợi ích thiết thực khi sản phẩm đạt OCOP. Qúa trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp sức tổ OCOP, nhờ vậy chúng tôi đã có mẫu mã ấn tượng v.v... HTX có trang Web riêng, sác sản phẩm OCOP được tham gia các cuộc xúc tiến thương mại, sản phẩm có mặt ở các trang thương mại điện tử: Shoppe, Vinacel,"    

          Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, biến động giá cả thị trường, tuy nhiên, chương trình Mỗi xã một sản phẩm luôn được huyện Nam Đàn tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Huyện yêu cầu 100% các địa phương phải cân nhắc, lựa chọn thận trọng sản phẩm để xây dựng trên cơ sở đề xuất của các chủ thể sản phẩm, tránh tư tưởng chạy theo phong trào hoặc làm "cho có". Để tạo được sức lan tỏa thì một trong những điểm nổi bật khi triển khai chương trình OCOP là Nam Đàn đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của huyện cũng như đã thu hút được rất nhiều các chủ thể tham gia phát triển sản xuất kinh doanh. Huyện cũng đã trích ngân sách 1,4 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thiết kế mẫu mã, bao bì, chỉ dẫn địa lý Tương Nam Đàn, v.v... Nhờ vậy, các sản phẩm khi được công nhận OCOP cấp tỉnh đều có bao bì, mẫu mã hàng hóa đẹp và bắt mắt.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành đã tạo niềm tin, động lực cho các chủ thể để đến nay Nam Đàn đạt được kết quả nổi bật. Hiện, 19/19 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP, với 69 sản phẩm, trong đó, có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 60 sản phẩm đạt 3 sao. OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động và 1.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu bình quân hàng năm ước tính năm sau tăng hơn 20% so với năm trước. Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã trở thành lựa chọn hàng đầu khi du khách về thăm quê Bác, nhiều lần được UBND tỉnh chọn là sản phẩm quà tặng tại các cuộc hội nghị lớn.  "Thời gian tới, UBND huyện Nam Đàn sẽ tập trung vào định hướng các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, mở rộng vùng nguyên liệu; đặc biệt là xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm OCOP lên các trang thương mại điện tử, các kênh bán hàng online để sản phẩm OCOP thực sự đến gần với người dân"-ông Hồ Sỹ Hải-Phó Chủ tịch UBDN huyện Nam Đàn cho biết thêm.

Một số sản phẩm ocop do nông dân Nam Đàn sản xuất

Nói về những thành công trong xây dựng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Mạnh Cường-Trưởng phòng phát triển nông thôn bền vững-Trung tâm phát triển nông thôn-Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn-Là một người đã sâu sát với huyện Nam Đàn ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, khẳng định: "Thực hiện chương trình OCOP, ngay từ đầu Nam Đàn đã xác định, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, v.v... Từ đó tạo động lực, định hướng, hỗ trợ cho các chủ thể, có thể nói là Nam Đàn đã vận dụng tốt công tác dân vận chính quyền "dân biết, dân bàn và dân làm" để có được hiệu quả rõ nét như hôm nay."

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là phát huy công tác dân vận chính quyền đã tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình OCOP, không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, là cơ hội để các chủ thể, đặc biệt là nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình mà còn giúp Nam Đàn dần hình thành một trung tâm tiêu thụ sản phẩm OCOP tầm cỡ vùng, hội tụ được những sản phẩm đặc trưng nhất của tỉnh, thậm chí là ngoài tỉnh để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Nghĩa Hùng, Thúy Tình (Nam Đàn)         

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác