Quảng trường Xô Viết Nghệ -Tĩnh tại thị trấn huyện Hưng Nguyên nơi có ngôi một tập thể các liệt sĩ XVNT |
Chị Đinh Thị Trang, một cán bộ trẻ của xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, theo học tại Trường chính trị tỉnh Nghệ An, khi được tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, được nghiên cứu học tập những giá trị XVNT, bản thân chị càng hiểu và cảm phục truyền thống cha ông và tinh thần ấy luôn tiếp thêm động lực và ý chí cho mỗi công việc hành động vì tập thể cũng như sự phấn đấu của bản thân: “Chuyến thăm quan thực tế tại Bảo tàng XVNT, chúng tôi nhận thấy rằng công tác giáo dục truyền thống lịch sử, phối kết hợp với các nhà trường rất là quan trọng. Bản thân mình còn trẻ nên tôi thấy cần phải cố gắng học hỏi và tìm hiểu về lịch sử, đặc biệt là sự kiện lịch sử XVNT 1930-1931. Từ đó mình có định hướng giáo dục đối với thế hệ trẻ sau này bằng hình thức giáo dục tuyên truyền và lồng ghép các hoạt động có thể liên quan đến công việc của mình và từ đó, bản thân mình phải cố gắng phấn đấu xứng đáng với truyền thống ông cha.” Chị Đinh Thị Trang bày tỏ.
Tại thị trấn huyện Hưng Nguyên vẫn còn lưu giữ chứng tích ngôi mộ tập thể của 217 liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh trong cuộc biểu tình cách đây 92 năm. Ngày 12/9/1930, cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân Nghệ An đã bị thực dân Pháp ném bom làm chết 217 người, bắn chết 30 người. Đây là đỉnh điểm của Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh thời bấy giờ để thu hút hơn 300.000 nông dân tham gia phong trào. Lịch sử nước nhà ghi nhận, Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh mặc dù chỉ tồn tại 5 tháng, nhưng là cuộc tập dượt Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 2/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Mộ tập thể của 217 liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh trong cuộc biểu tình cách đây 92 năm |
Tại thành phố Vinh, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trưng bày, lưu giữ gần 16.000 tư liệu, hiện vật, trong đó, đa số là các hiện vật mang đậm giá trị lịch sử, bao gồm: Bộ sưu tập trống, bộ sưu tập vũ khí, bộ sưu tập báo chí và truyền đơn và bộ sưu tập tài liệu, hiện vật Bác Hồ ký lời đề tựa năm 1964. Đặc biệt, có lá cờ đỏ của Đảng bộ huyện Hưng Nguyên dùng trong buổi lễ truy điệu những người hy sinh khi tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Thái Lão; Lễ truy điệu được tổ chức tại Dăm Ðồng - Lùng thuộc làng Phù Xá (tổng Phù Long), nơi có nhiều người hy sinh trong cuộc biểu tình thời đó.
Bảo tàng còn lưu giữ 230 hiện vật, là những vũ khí đấu tranh của Tự vệ Đỏ, qua đó, phản ánh một cách đầy đủ, sinh động những hoạt động của lực lượng Tự vệ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện lịch sử này đã diễn ra 92 năm nhưng vẫn đọng mãi trong trong tâm khảm người dân Nghệ - Tĩnh nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Bởi lẽ, rất nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến phong trào đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên dâng hương các liệt sĩ XVNT |
Ông Phạm Quốc Việt, Phó bí thư Thường trực huyện ủy Hưng Nguyên chia sẻ, truyền thống cách mạng này luôn là động lực về sự đoàn kết đồng thuận trong mọi phong trào không chỉ của cả nước, cả tỉnh mà rất đặc biệt đối với huyện Hưng Nguyên: “Hưng Nguyên là nơi xuất phát điểm Cao trào XVNT, truyền thống quê hương luôn thôi thúc đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong mọi phong trào; và trong chỉ đạo thì đặt ra những kế hoạch rất cụ thể, chỉ tiêu hàng năm phải đạt, để rồi chỉ đạo các cấp ủy cơ sở với quyết tâm cao để từng bước tổ chức thực hiện hoàn thành từng khâu một, để hoàn thiện Nông thôn mới kiểu mẫu”. Ông Phạm Quốc Việt nhấn mạnh.
Đường nhựa khang trang khắp lối xóm đồng quê Hưng Nguyên |
Cũng theo Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hưng Nguyên, tinh thần XVNT luôn góp phần tạo nên những bước đột phá của huyện. cụ thể, Hưng Nguyên đang xây dựng một số vùng sản xuất rau an toàn, đưa nhiều giống cây có giá trị cao vào sản xuất tại các xã Hưng Long, Hưng Khánh, Hưng Tân; hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Vùng phía Bắc có 3 xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc chú trọng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng trung tâm có các xã Hưng Tây, Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Hưng Mỹ, Hưng Tân, Hưng Nghĩa, Hưng Thông và thị trấn Hưng Nguyên ưu tiên phát triển kinh tế tổng hợp; Vùng phía Nam có 7 xã ven sông Lam tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp.
Khu công nghiệp VSIP làm thay đổi diện mạo Hưng Nguyên |
Ngoài ra Khu công nghiệp VSIP với diện tích hàng trăm hécta đến nay đã có 22 dự án đầu tư đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế trên địa bàn, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 14%, góp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các huyện phụ cận. Đến nay, Hưng Nguyên đã có 16/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Quốc Khánh, Nguyệt Hằng
Bình luận