• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người anh hùng hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

14 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, ông đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, lập được nhiều chiến công hiển hách. May mắn trở về lành lặn sau chiến tranh, ông luôn trăn trở về những người mang trong mình “vết thương không mảnh đạn”. Đó cũng là lý do, dù đã ngoài 80 tuổi – cái tuổi lẽ ra để dành cho việc nghỉ ngơi sau mấy chục năm chiến đấu và công tác, ông vẫn dành trọn tâm huyết để chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam. Ông là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxxin tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Thái Bình.

14 năm chiến đấu trên đất bạn Lào

Trung tuần tháng Mười, về Thái Bình công tác, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hạnh. Qua lời kể “gang thép” của một người lính từng vào sinh ra tử, chúng tôi được nghe những câu chuyện thú vị nhưng cũng rất đỗi oai hùng về ông, về đồng đội trong những năm tháng chiến đấu anh dũng trên đất bạn Lào.

Trong câu chuyện của Đại tá Hạnh, chúng tôi vô cùng cảm phục trước ý chí sắt đá, lòng gan dạ của cậu bé Nguyễn Văn Tích (tên khai sinh của ông). Trước cảnh giặc hoành hành càn quét, bắt bớ, giết hại đồng bào, cậu bé Tích đã 15 lần trốn nhà xung phong ra chiến trường nhưng đều bị từ chối vì tuổi còn quá nhỏ. Dù chưa được xông pha nơi mặt trận, nhưng cậu vẫn hăng hái làm liên lạc du kích ở địa phương. Năm 1959, trong đợt tuyển nghĩa vụ quân sự đầu tiên của tỉnh Thái Bình, dù là đối tượng được miễn nhưng ông vẫn tình nguyện lên đường. Sau ba tháng huấn luyện tân binh, Nguyễn Đức Hạnh được biên chế về Tiểu đoàn 13 (Sư đoàn 350), sau đó được cử đi đào tạo tại Trường hạ sĩ quan của Quân khu Tả Ngạn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết thúc khóa học, trở về đơn vị, ông được cử sang Lào làm chuyên gia thuộc Đoàn 959.

Với nhiệm vụ giúp nước bạn xây dựng cơ sở cách mạng ở ven đô Viêng Chăn, Nguyễn Đức Hạnh đã cùng đồng đội vượt qua bao khó khăn, gian khổ, quyết bám đất, bám dân để gây dựng cơ sở. Cuối năm 1965, ông được giao làm chính trị viên đơn vị mật danh S3 với 65 cán bộ, chiến sĩ, hoạt động ở vùng địch hậu thủ đô Viêng Chăn. Từ tháng 1/1966 – 10/1968, ông cùng đơn vị xây dựng được 14 cơ sở cách mạng. Phát hiện có lực lượng của ta, địch cho máy bay đánh phá, càn quét. Trước tình hình đó, S3 đã anh dũng chiến đấu và đánh thắng nhiều trận càn của địch, bảo toàn vùng căn cứ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ huy của ông, S3 thường xuyên cung cấp cho cấp trên nhiều tin tức quan trọng, làm nòng cốt cho lực lượng quần chúng nổi dậy, góp phần hậu thuẫn cho nước bạn giải phóng Viêng Chăn.

Câu chuyện của Đại tá Hạnh như đưa chúng tôi ngược dòng thời gian để hòa mình vào từng trận chiến khốc liệt trên chiến trường nước bạn. Nhìn ánh mắt người cựu binh, dường như những ngày tháng sống trong những cánh rừng thiêng nước độc để chỉ huy đơn vị chiến đấu; những ngày tháng được sống trong sự đùm bọc, chở che của nhân dân Lào như mới xảy ra ngày hôm qua. Ông tâm sự: “Mười mấy năm chiến đấu ở vùng địch hậu, khó khăn, nguy hiểm không thể nào kể xiết, nếu không có sự giúp đỡ, yêu thương, chở che của nhân dân nước bạn, có lẽ chúng tôi khó có thể nào bám trụ. Tôi nhớ có lần vào bản Đìn Đèng (làng đất đỏ) Tà xẻng bản Xang (xã Bản Vơi), mường Tu Ra Khôm Viêng Chăn Tạy (huyện Nam Viêng Chăn) để bắt liên lạc gây dựng cơ sở, chúng tôi bị giặc phục kích mà người bị thương, người đi lạc. May mắn có mẹ Thơm cùng ba cô con gái thả trâu ra khắp cánh rừng, cùng bộ đội Việt Nam giả làm người nhà đi tìm trâu để tìm đồng đội. Sau năm ngày tìm kiếm, chúng tôi cũng tìm được y sĩ Hà bị lạc. Tìm thấy đồng đội, chúng tôi vừa vui mừng, vừa cảm động trước tấm lòng của bà mẹ người Lào…”.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hạnh kể về cuộc đời binh nghiệp của mình.

Hơn chục năm sát cánh cùng nhân dân nước bạn, với những chiến công đã đạt được, năm 1973, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong lần về nước nhận danh hiệu, tranh thủ về thăm nhà, ông bất ngờ nhận tin vợ đã mất vì bệnh nặng, hai con nhỏ bơ vơ đang ở cùng người bác ruột. Đau thương, mất mát là thế, nhưng chỉ ít ngày sau, trước yêu cầu cấp bách của cuộc chiến, ông lại gác “tình riêng” để trở lại chiến trường, anh dũng chiến đấu cho đến ngày nước Lào giành lại được chính quyền.

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin

Khi được chúng tôi hỏi về cơ duyên nào để ông ghé vai gánh vác trách nhiệm của người “bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin đòi công lý”, ông tâm sự: “Hơn ai hết, là một người lính, tôi thấu hiểu được nỗi đau của đồng đội và con cháu đồng đội – những người đang ngày ngày phải đối mặt với bệnh tật, nghèo khó bởi hậu quả của chất độc da cam đi-ô-xin gây ra. Bởi vậy, khi còn công tác ở Tỉnh đội, tôi đã chỉ đạo cơ quan chính trị theo dõi, nắm tình hình nạn nhân trong tỉnh. Khi Trung ương Hội chỉ đạo thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin cấp tỉnh, tôi đã tự nguyện nhận trách nhiệm của người chèo lái, cùng lãnh đạo của Hội xây dựng và đưa hệ thống Hội đi vào hoạt động từ ngày đầu thành lập”.

Những ngày đầu mới thành lập, khó khăn chồng khó khăn, trụ sở làm việc chưa có, quỹ hoạt động còn thiếu thốn… làm cho ông cùng các đồng chí trong Ban chấp hành trăn trở. Với tâm niệm giúp đỡ nạn nhân da cam đi-ô-xin nhiều nhất có thể, ông cùng lãnh đạo Hội rong ruổi khắp từ Bắc vào Nam để vận động xây dựng quỹ, kêu gọi sự đồng hành, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong tỉnh. Từ nguồn kinh phí vận động được, hơn chục năm qua đã giúp cho hơn 400 gia đình nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin trong tỉnh được hỗ trợ xây nhà mới; hơn 3.000 người được tẩy độc, tặng quà cho hàng vạn lượt nạn nhân vào các dịp lễ, tết; tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho trên 3.000 nạn nhân và con cháu nạn nhân…

Được biết, hiện nay, Hội đã xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống hội 3 cấp với hơn 2 vạn hội viên. Từ việc phải đi nhờ trụ sở làm việc, Hội đã có cơ ngơi khang trang với hai trung tâm tẩy độc và trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm. Trong đó, Trung tâm tẩy độc là trung tâm đầu tiên của cả nước đã tẩy độc cho 30-40 nạn nhân mỗi tháng, giúp họ cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, hiện tại, Trung tâm dạy nghề thường xuyên hỗ trợ ăn, ở, tạo việc làm cho từ 15-20 nạn nhân… Ông tâm sự: “Các cháu ở Trung tâm đều là nạn nhân nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin, bị khiếm khuyết thân thể. Chính vì thế, chúng tôi luôn dang rộng vòng tay, đón các cháu vào Trung tâm, giúp các cháu có một công việc, có chỗ ăn, chỗ ở. Tuy số tiền mỗi tháng kiếm được không nhiều, nhưng đó là tất cả sự cố gắng, nỗ lực để các cháu thấy bản thân có ích, tự tin hơn hòa nhập cộng đồng”.

Trên chiến trường mưu trí, gan dạ; trong công tác luôn hết lòng vì nhiệm vụ; trở về với cuộc sống đời thường, hơn chục năm qua, người anh hùng Nguyễn Đức Hạnh vẫn miệt mài với việc chăm lo đời sống tinh thần cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin. Phút chia tay, tôi cứ ấn tượng mãi với lời tâm sự của ông: “Chiến tranh đã qua, may mắn được lành lặn trở về, nhưng nhìn đồng đội, con cháu đồng đội vẫn phải chịu nỗi đau do di chứng chiến tranh, tôi không thể yên lòng nghỉ ngơi được. Vậy nên, còn sống ngày nào, tôi cũng sẽ luôn đồng hành, sẻ chia với những mảnh đời da cam bất hạnh…”.

Nguồn: Báo Quân khu 3


Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...