Tình cờ, trong một lần về quê giỗ kị người cậu ruột, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cầm, xóm Đông Thịnh, xã thịnh thành, huyện yên thành, tỉnh Nghệ An. Con trai ông đưa cho tôi một cuốn sổ ghi chép, kỉ vật của người cha. Tôi tò mò bởi đây là cuốn nật kí của một người lính trận, lần giở từng trang, từng dòng chữ và bỗng bị cuốn hút.
Về hình thức, thì đây là cuốn sổ ghi chép viết tay trên nền giấy đã ngả màu nâu nhạt. Người viết gửi gắm trong đó những cảm xúc thường nhật mà tưởng như giữa chiến trận, họ có thể chỉ nghĩ đến súng đạn và những cuộc hành quân.
Họ, những chàng thanh niên thời ấy đậm sâu những nỗi nhớ nhung, nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ người con gái nơi hậu phương mà mới chỉ một giây phút cầm tay đã làm họ “chếnh choáng” men say.
Tôi lần mò theo tiêu đề các mục mà tác giả đặt tên như: Từ ấy; Ra đi; Những ngày đầu trong quân ngũ; Bắc Lào những ngày gian khó; Hè Ai Lao; Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp nhưng cay đắng; Đêm chia tay…,
Lính trận ngổn ngang bao điều trăn trở trước lúc lên đường mà phía sau là mẹ già, quê hương xóm làng và người yêu. “Nếu cuộc đời sẽ thế, chiến tranh sẽ tàn khốc như thế thì bạn sẽ có suy nghĩ gì? Riêng tôi, tôi cảm thấy vinh dự vì mình đã đóng góp một phần xương máu trong cuộc chiến tranh đó. Tôi chỉ sợ đau khổ cho những người ở lại”…. Trích trong mục “Từ ấy”.
Cuốn nhật kí chép tay dày gần trăm trang
Thường thì người lính trận trước lúc lên đường, họ chỉ lo nhất cuộc sống cho người ở lại mà không lo cho bản thân mình bởi mình chủ động được tất cả mọi tình huống. Giữa những cánh rừng Lào âm u, người lính đã có những đêm không ngủ, da diết nhớ tuổi thơ: “Lúc này, tôi ôn lại kỉ niệm xa xưa của thời niên thiếu. Ôi, sao mà đẹp và thơ mộng thế, từ lúc tôi ngây thơ bập bẹ gọi ơi bà cho tới nay, rồi những ngày cắp sách tới trường, những lúc tắm mát, đi trâu, đi câu, cắt cỏ, cho tới nay tôi đã học hết phổ thông. Thật là một quãng đời vô cùng đẹp đẽ. Đã là con người, ai mà không trải qua quãng đời đẹp đẽ ấy. Ước gì giờ đây tôi được trở lại những ngày đó.” Người lính viết.
Tâm trang người lính nơi trận tiền có lúc giống nhau: “Nằm ngửa nhớ trăng, năm nghiêng nhớ bến, nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Phạm Tiến Duật). Người lính này cũng vậy, nhớ người yêu da diết, nhớ cái đêm trăng nắm tay người con gái, rồi mường tượng thủ thỉ một mình như đang bên người ấy: “Thôi, ngủ đi em! Em yêu thương, giờ này chắc em đang nghĩ nhiều về anh, nghĩ nhiều về mối tình trong trắng mà chúng ta đã trao cho nhau. Hãy thông cảm cho lòng anh em nhé, mặc dù chưa công thành danh toại mà phải xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh. Song, người thanh niên trong cảnh đất nước chiến tranh anh biết làm sao đây. Anh muốn sống gần em không mong ngày cách biệt để cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Em thông cảm cho lòng anh tất cả”. Rồi người lính ấy thốt lên trong lòng mình.
“Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.”
Chàng nhớ mẹ, anh hiểu càng đi xa càng thấy thương mẹ nhiều hơn, nhất là nơi trận tiền, không biết ngày mai mình có trở về, chỉ thương mẹ. “Lấy chồng từ tuổi 19, đến nay đã ngoài 60 thế mà chưa lúc nào trong lòng mẹ được thoải mái, khỏi phiền muộn lo âu… Một mình lam lũ nuôi chồng ăn học và nuôi con khôn lớn, phải lao động cực nhọc ngay cả những lúc thai nghén. Vì quá thương chồng thương con. Cho đến năm 34 tuổi thì một điều bất hạnh đã đến với mẹ, là chồng chết. Thế là từ đây khổ cực lại càng thêm khổ cực. Có người đàn bà nào không đau khổ khi người chồng yêu quý của mình bị chết?. Thật là đau xót biết chừng nào. Thế là khó khăn vất vả cứ chồng chất. Một mình mẹ phải nuôi sống và khôn lớn bốn đứa con, lại còn một bào thai trong bụng, đó là tôi và cũng rất đau khổ cho tôi khi cất tiếng chào đời thì không còn bố nữa.” Nhật kí người lính viết.
Bên cạnh những trăn trở chuyện đời, chuyện tình yêu thì người lính trẻ cũng hết sức lãng mạn trong khung cảnh thiên nhiên mùa mưa ở chiến trường rừng Lào. “Dưới ánh trăng bàng bạc huyền ảo của mùa Thu không đủ soi rõ cảnh vật chung quanh. Đã lần thứ ba trong đêm, tôi cứ ngồi lầm lì trên thành giếng, điếu thuốc cứ lấp loá trên môi. Cảnh vật và con người đang chìm đắm trong sự tĩnh mịch của màn đêm.
Rừng Bắc Lào rất đẹp. Chỗ đóng quân của chúng tôi cách xa dân hay nói một cách khác là chúng tôi đã làm nhà ở giữa rừng dẻ bạt ngàn, dẻ rất nhiều và dẻ rất to. Những cây dẻ cao chọc trời thẳng tắp. Thế là từ đây tôi lại được làm bạn với cây dẻ…”
“Đã bốn, năm tháng trời nay tôi không nhận được tin tức gì của gia đình, Không biết giờ này ở nhà ra sao? Chắc là ở quê nóng lắm thì phải vì mỗi chiều, nghe đài phát thanh báo nắng to ở vùng khu bốn nên mình rất lo cho quê nhà. Đã 10h dêm rồi mà không tài nào ngủ được, tôi lại trở dậy châm thuốc hút. Nằm trong căn lán nhỏ bé dưới tán rừng trong mưa gió bão bùng này, đầu tôi ngổn ngang bao suy nghĩ.
“Em vào trung học anh đi lính
Hai đứa hai đường phương khác phương”
Sao xứ sở “Ai Lao” này lại có những mùa mưa độc ác như thế? Mưa suốt ngày suốt đêm, đã buồn lại càng buồn thêm. Hơn thế nữa, nó còn mang theo bao thiếu thốn, sốt rét, bệnh tật. Tôi chợt nghĩ “Nếu đứng trong vũng bùn mới hiểu được giá trị của khô ráo”. Thật vậy, nếu bạn chưa từng thưởng thức những cơn sốt rét ác tính thì bạn chưa biết được nó như thế nào; nếu bạn chưa từng nếm mùi mưa nắng ở Bắc Lào thì bạn chưa hiểu hết nỗi gian lao của người lính chiến. Chưa kể có khi hàng tháng trời chúng tôi mới được một tờ báo chuyền tay nhau đọc cho đến lúc rách nát, muốn viết một lá thư thì không có cả giấy. Khi kiếm được một mẩu giấy bằng bìa thì không có bút, có bút lại không có mực,.. Nếu có một anh chàng nào đó may mắn viết được một lá thư trọn vẹn thì lá thư ấy cũng phải nằm trong ba lô hàng tháng trời.
Sốt rét, một cái bệnh ác. Mỗi lần bị sốt ta tưởng chừng như thần chết rình rập và sẵn sàng đưa ta sang thế giới bên kia bất cứ lúc nào. Chẳng thế mà nhà thơ Quang Dũng mô tả người lính gặp những cơn sốt ở rừng Lào với hình hài quân không mọc tóc, “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”...
“Em thương! Đã hơn một năm trời bặt tin nhau. Nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc anh không thể hình dung nổi giờ này em ra sao? Đang làm gì? ở đâu? Không hiểu trong suy tư và suy nghĩ của em có gì uẩn khúc không? Chắc em buồn nhiều. Tha lỗi cho anh và hãy vui lên, đừng buồn em nhé.” người lính chia sẻ.
Rừng Lào, mùa mưa xa dần, thay vào đó là mùa khô. Mùa khô cũng không phải bình thường, vẫn là khí hậu khắc nghiệt làm cho con người lúc nào cũng khó chịu. Nếu mùa mưa, mưa rất nhiều thì ở mùa khô ở đây nắng cháy da người. Nắng như đổ lửa, nắng đến nỗi đứng ngồi không yên. Ban ngày nắng căng da căng thịt như thế nhưng về đêm nhiệt độ lại xuống rất thấp. Nếu ai được nếm thử ca gác đêm ở đây mới biết lạnh đến mức độ nào. Trong lớp sương mù gió thổi miên man, hai cánh tay tê cứng, mặt khô rát. Khẩu súng khoác vai như càng tăng thêm cái lạnh ghê sợ này. Cứ như thế này ngày này qua ngày khác. Mùa lại tiếp mùa, năm tiếp năm.
“Mùa hè cũng đã trôi theo năm tháng
Hoa phượng về lòng tôi lại bâng khuâng”
Đó là những trích đoạn từ một cuốn nhật kí dày gần trăm trang của người lính trong hàng vạn người lính trận đã đi qua những cuộc chiến mà chúng ta phải tìm mới hiểu được tâm trạng của họ.
Nhà thơ Võ Phương (Nghệ An)
Bình luận