• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi đau da cam - Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại!

Ngày 10/8/1961 ghi dấu việc Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam, một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến, ở Việt Nam nhằm giành ưu thế trong chiến tranh.

Chất độc da cam (Agent Orange): Là một loại chất độc hóa học không màu, không tan trong nước, tan trong dầu diezel và các dung môi hữu cơ, có tỷ trọng ở 25º C là 1,28 kg/lít. Loại chất độc này được các nhà sản xuất để trong các thùng phuy sơn một vạch da cam ở giữa để đánh dấu độ độc của loại hóa chất này, nên được gọi là chất độc da cam.

Chất độc da cam là tổng hợp 50/50 của hai loại thuốc diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T. Mặc dù là tổng hợp của 2 loại chất diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T, nhưng không thể gọi chất độc da cam là “chất diệt cỏ” hay “chất làm rụng lá” thông thường, vì trong quá trình tổng hợp 2 chất diệt cỏ nói trên, các nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng để rút ngắn thời gian sản xuất, làm phát sinh thêm thành phần dioxin. Chất độc màu da cam/dioxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin, loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà còn cả những di chứng để lại cho nhiều đời sau.

Từ xa xưa chất độc đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, chất độc hóa học đã được chế tạo và sử dụng như một loại vũ khí, được gọi là vũ khí giết người hàng loạt.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), quân đội đồng minh đã sử dụng các chất hóa học làm chảy nước mắt (bromure de benzyle), làm hắt hơi (các arsines), các chất gây ngạt thở (Phosgene), các chất gây bỏng (Yperites), các chất làm liệt thần kinh (axit cyanhydric, cacbon oxit ...) để làm mất sức chiến đấu của lực lượng vũ trang đối phương. Ngày 22/4/1915, quân Đức đã sử dụng chất độc Clo làm nhiễm độc và làm chết hàng nghìn quân Anh, Pháp; tháng 7/1917, quân Đức lại sử dụng chất Yperites trên chiến trường.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), quân Nhật đã sử dụng chất độc Yperite tại Trung Quốc; quân Đức đã sử dụng chất Zyklon B đầu độc các tù nhân ở các trại tập trung.
Chất độc hóa học cũng được Anh sử dụng trong chiến tranh chống quân du kích Malaysia. Các chất hóa học chủ yếu được sử dụng là một hỗn hợp các chất Na trichloro axetat (Sodium trichloro axetate STSA); 2,4-D (2,4- dichloro phenoxy acetic acid) và 2,4,5-T (2,4,5- Trichloro phenoxy acetic acid).

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hoá học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, năm 1961, Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Các chỉ huy quân sự Anh- những người đã tiến hành rải chất độc hóa học ở Malaysia những năm 50 như: Gerald Templer, Rob Lockhart, Robert Thomson... được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc. Quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều phương tiện, chủ yếu là máy bay C-123, UH-1 để phun rải trên các cánh rừng, các tuyến đường, các vùng đất canh tác và dùng các phương tiện cơ giới trên bộ, các loại lựu đạn, mìn, các máy bơm áp lực cao để phun rải xung quanh các căn cứ, các khu vực đóng quân của quân Mỹ và đồng minh, phun vào các hầm trú ẩn, địa đạo của Quân Giải phóng...

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand) và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người; không tác hại gì cho con đực (nam giới), chỉ tác động vào con cái (nữ giới) và chỉ khu trú trong 2-3 tuần đầu của thời kỳ mang thai.

Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Từ năm 1961[1] đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam[2], chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.[3]

Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Tại các sân bay quân sự của Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt l tại các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp – TEQ; trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp – TEQ (trong khi nồng độ cho phép trong máu ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 đến 0,7 tpp – TEQ).

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm[4], hơn 3 triệu người là nạn nhân[5], gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc dioxin là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Đặc biệt là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường (Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tỉ lệ dân thường so với tổng số nạn nhân là 70,7%, 75,4%, 67,9%); 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân trở lên.

Tại hội thảo "Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin được Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam"[6] diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8/2016, 100 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế lần đầu tiên thống nhất rằng, chỉ trong vòng hơn 10 năm (1961 - 1971), Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% trong số đó là chất độc da cam, xuống 26.000 thôn, bản của Việt Nam, với tổng diện tích 3,06 triệu héc-ta. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần.

Tổng cộng có tới 366kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ.

 

 

Hai bé gái đang đi qua khu rừng đước bị chất độc da cam hủy hoại. Ảnh: VAVA

 

 

Chất độc da cam đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn. Nó làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ phải hứng chịu.

 

Một em bé bị tật bẩm sinh vì phơi nhiễm chất độc da cam. (Ảnh: VAVA)

Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ NNCĐDC thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói: " NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC. Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có khoảng 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó hơn 20 nghìn người đã chết.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ kiện lên tòa án Mỹ liên quan đến tác hại của CĐDC và hậu quả nó để lại sau chiến tranh Việt Nam. Song, Chính phủ Mỹ đã sử dụng điều luật miễn trừ trách nhiệm, cho phép chính phủ không thể bị kiện, ngay cả trong trường hợp cáo buộc sơ suất. Do đó, các vụ kiện bắt đầu chuyển hướng cáo buộc các công ty hóa chất đã sản xuất và bán chất độc da cam cho quân đội Mỹ, phạm tội ác chiến tranh và đòi bồi thường. Tuy nhiên, các công ty chỉ chấp nhận bồi thường cho các cựu binh Mỹ. Đối với những vụ kiện đòi quyền lợi cho người Việt Nam, các doanh nghiệp này đưa ra nhiều lý do để chối bỏ trách nhiệm, từ việc sự cố đã xảy ra quá lâu tới việc họ chỉ là nhà thầu phụ làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ hay không có bằng chứng chắc chắn cho thấy ảnh hưởng của chất diệt cỏ với sức khỏe con người.

Trước sức ép của công luận và tiến triển tích cực của quan hệ Việt - Mỹ, phía Mỹ đã có những đóng góp bước đầu cho việc khắc phục nỗi đau da cam. Tính đến ngày 1/1/2016, Chính phủ Mỹ đã chuẩn chi 173 triệu USD tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương và các tổ chức nhân quyền khẳng định sẽ tiếp tục vận động, đấu tranh để buộc Mỹ phải có trách nhiệm trước tội ác chống lại loài người đã gây ra trên mảnh đất này.

Ngày 25/06/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Thông qua thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế… hiểu rõ hơn thảm họa da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được thực hiện kiên trì, kiên quyết với những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước; phối hợp hành động giữa đấu tranh tại Tòa và vận động, đấu tranh ngoài Tòa. Cấp ủy, chính quyền và Hội nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vận động các nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

Hơn nửa thể kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Khắc phục hậu quả CĐHH là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học. Đó không chỉ là vấn đề đối nội, mà còn là vấn đề đối ngoại tế nhị. Không chỉ xử lý một “món nợ” trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, mà còn tạo ra một nhân tố tích cực cho sự phát triển quan hệ hai nước. Không chỉ giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình thế giới.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam “Nỗi đau da cam - Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại!”. Trong mỗi chúng ta cần tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các NNCĐDC; động viên, khích lệ các nạn nhân và thân nhân vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống; Tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội… giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân gặp khó khăn, hoạn nạn; Đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến NNCĐDC để lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Khuyến khích cán bộ, phóng viên, biên tập viên tham gia Giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ I (2020 - 2021) do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động./.

PV

------------------

[1] Tên giao dịch quốc tế của Hội Nạn nhân chất độc da cam là: “Vietnam Association for Victims of Agent Orange/Dioxin”, viết tắt là VAVA.

[1] Chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kom Tum lên Đắk Tô do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961.

[2] Ngoài chất độc da cam (Agent Orange), Mỹ còn sử dụng chất trắng (Agent White), chất xanh (Agent Blue), chất tím (Agent Purple), chất hồng (Agent Pink), chất xanh mạ (Agent Green), chất CS, chất Malation và nhiều chất khác nữa. Những chất này chứa trong các thùng phuy, đánh dấu bằng các vạch: trắng, vàng, cam, xanh, tím... từ đó có tên gọi chất độc da cam. 

[3] Nguồn từ Hội Nạn nhân chất độc màu da cam , https://vava.org.vn/

[4] Người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin là người tiếp xúc và bị chất độc này xâm nhập vào trong cơ thể; có thể bị phơi nhiễm do phun rải trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh, hoặc ở vùng có tồn lưu dioxin cao trong môi trường do bị lan tỏa, ô nhiễm tại các điểm tập kết, lưu trữ chất độc hóa học.

[5] NNCĐDC là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, hoặc vô sinh, hoặc có con cháu dị dạng, dị tật và con, cháu, chắt của họ chịu hậu quả sinh học của sự phơi nhiễm đó, bị suy giảm khả năng lao động, dị dạng, dị tật.

[6]http://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/hoi-thao-quoc-te-danh-gia-tac-hai-cua-chat-doc-da-camdioxin-my-su-dung-trong-chien-tranh-o-viet-nam-90527

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...