• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Phát huy vai trò của Hội trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Vì vậy, các cấp hội phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân, nhất là trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH).

Thời gian qua, Trung ương Hội đã tham gia đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến có tính thực tiễn cao vào các dự thảo (sửa đổi) pháp lệnh, chỉ thị, nghị định, quyết định, thông tư, hướng dẫn liên quan đến người có công nói chung và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH nói riêng. Điển hình như: Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, ngày 15/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”. Thông tư liên tịch số 20/20/2016/TTLT-BYT- BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của liên bộ Y tế, Lao động –Thương binh và Xã hội “Quy định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH”. Đặc biệt, Trung ương Hội đã tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 09/12/2020  “Ưu đãi người có công với cách mạng”; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”... . Đó là những văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở để giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC. Cùng với đó, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam còn đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC bằng các hình thức phù hợp; ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga... Những hoạt động đó đã góp phần buộc Chính phủ Mỹ đã và đang thực hiện trách nhiệm khắc phục môi trường tại các điểm nóng về tồn lưu chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh và hỗ trợ người khuyết tật là NNCĐDC tại các tỉnh bị phun rải nặng.

Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh, Trưởng đoàn Kiểm tra Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại tỉnh Lâm Đồng

Các Tỉnh, thành hội; Hội cấp huyện đã phát huy tốt vai trò, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, hỗ trợ người hoạt động kháng chiến bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục giấy tờ chứng minh thời gian, địa điểm, đơn vị hoạt động ở vùng địch phun rải CĐHH trong chiến tranh và rà soát, giám định sức khỏe, xác định bệnh tật liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Qua đó, giúp nhiều cựu chiến binh và con đẻ của họ bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục, xác định mức độ bệnh tật,... được thụ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đúng quy định của Nhà nước. Điển hình là các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh...
Tuy nhiên, kết quả đó ở các tỉnh hội chưa đồng đều; vai trò của một số Hội chưa được phát huy đầy đủ, chưa thực sự là “điểm tựa”, là niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho hội viên. Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên còn hạn chế. Nhiều địa phương còn để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Chỉ tính trong 4 năm gần đây (từ năm 2018 đến hết năm 2021), 59 tỉnh, thành phố đã thực hiện dừng, cắt chế độ đối với 7.888 trường hợp; trong đó 3.784 trường hợp là đối tượng trực tiếp hoạt động kháng chiến, 4.104 trường hợp là đối tượng gián tiếp (con đẻ). Điển hình là: tỉnh Thái Bình thực hiện cắt chế độ đối với 2.618 trường hợp (nếu tính từ năm 2015 đến nay là 3.964 trường hợp); Quảng Nam: 545 trường hợp; Bến Tre: 368 trường hợp; Hà Nam: 439 trường hợp; Thái Nguyên: 144 trường hợp,... Đa số các trường hợp dừng, cắt chế độ là đúng quy định, song cũng còn nhiều trường hợp chưa đồng thuận dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh, trật tự xã hội. 
Nguyên nhân của những hạn chế trên trước hết là do một số tổ chức hội chưa nắm vững nội dung các quan điểm, chỉ thị của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan và Điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội; chưa chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị và MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc; kể cả việc xử lý những tiêu cực trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC ở địa phương mình. Thêm nữa, một số cán bộ Hội chưa quyết liệt, chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NNCĐDC. 
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước vẫn còn khoảng 60 vạn hồ sơ của người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đang tồn đọng do thiếu giấy tờ nên chưa đủ điều kiện thụ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH. Vì vậy, để phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC, thời gian tới Hội các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, mỗi tổ chức hội phải quán triệt sâu sắc nội dung các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và văn bản quy định của các bộ, ngành liên quan đến chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH. Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Phải xác định bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC trước hết là trách nhiệm chính trị của Hội NNCĐDC/dioxin các cấp, của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội. 
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho nhân dân trong nước và ngoài nước hiểu rõ thảm họa CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam; những đau thương, mất mát mà NNCĐDC đã và đang phải gánh chịu, cần được bảo vệ, giúp đỡ. Tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam bằng các hình thức phù hợp, đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng; buộc Chính phủ Mỹ phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm giải quyết hậu quả CĐHH do họ gây ra trong chiến tranh. 
Hai là, mỗi tổ chức hội phải chủ động xây dựng nội dung bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC; nội dung đó được đưa vào kế hoạch hoạt động hằng năm - xác định đó là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách ở địa phương. Thông qua kiểm tra hoạt động của Hội cấp dưới và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách ở địa phương, cần chú trọng phát hiện những vấn đề bất cập, vướng mắc; qua đó, chủ động tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương về hướng giải quyết. Coi trọng việc phát huy vai trò của Hội ở cấp xã, phường, thị trấn, chi hội cơ sở và nhân dân nơi cư trú về những trường hợp cần được bảo vệ hoặc những trường hợp nghi vấn gian dối, trục lợi chính sách của Nhà nước. Kinh nghiệm thực tế từ Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và nhiều tỉnh cho thấy, việc rà soát từ cơ sở và công khai các thông tin hồ sơ ở nơi cư trú đã giúp nhiều người được khôi phục chế độ. Ví dụ: tại Bắc Giang, Tỉnh hội đã phát huy tốt vai trò, sự “vào cuộc” của 209 hội cấp xã, 1.297 chi hội cơ sở trong việc rà soát các đối tượng phải thanh tra, kiểm tra hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Lao động –Thương Binh và Xã hội, nhờ đó đã giúp nhiều cựu chiến binh bổ sung hồ sơ, khôi phục được chế độ.
Ba là, tiếp tục tổng kết công tác thực hiện các chính sách xã hội đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ; nhất là việc áp dụng mức tỉ lệ nhiễm CĐHH; các quy định, tiêu chí xác định bệnh tật do chất độc da cam/dioxin gây ra; quy trình xác định hồ sơ, giấy tờ XYZ chứng minh chiến trường; điều tra các thế hệ F0, F1, F2... Trên cơ sở đó đề xuất, tham mưu với cơ quan chức năng biện pháp khắc phục vướng mắc, bất cập, từng bước hoàn thiện quy trình, tiêu chí... tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện, nhằm hỗ trợ, bảo vệ tốt nhất, về mọi mặt cho NNCĐDC, tạo điều kiện để họ được thụ hưởng chế độ theo đúng quy định, có cuộc sống ổn định, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức, như: Dân vận, Lao động – Thương binh và Xã hội, Quân sự, Y tế, Hội Cựu chiến binh,... trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC. Trước hết, cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong rà soát, thẩm định những trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được thụ hưởng chế độ, chính sách. Đối với các trường hợp phải dừng, cắt, cho thôi hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, một mặt Hội các cấp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp; vận động họ chấp hành nghiêm quyết định, không tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự xã hội. Mặt khác, Hội thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; tích cực hỗ trợ tư vấn, giúp các đối tượng bổ sung các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan, tạo điều kiện cho họ hoàn thiện hồ sơ đúng, đủ theo quy định. Vừa qua một số tỉnh hội đã giải quyết tương đối tốt những vướng mắc sau kiểm tra, thanh tra. Điển hình như: Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh, nhờ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tỉnh đã khôi phục được 644/745 trường hợp bị dừng, cắt chế độ. Thành phố Hải phòng, năm 2018 đã giải quyết xong hơn 6.000 hồ sơ tồn đọng của nhiều năm trước liên quan đến chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH... 
Năm là, mỗi cán bộ, nhân viên của Hội phải thấm nhuần và luôn nêu cao tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì NNCĐDC”; thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ nhận thức và ý thức trách nhiệm, đủ khả năng tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên; đồng thời, chủ động, quyết liệt trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC. Tránh hiện tượng làm việc cầm chừng, thụ động, thiếu quyết tâm, không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các tổ chức hội phải xây dựng quy chế, quy định, tiêu chuẩn, chỉ tiêu phấn đấu cho cán bộ, nhân viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ nói chung và tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC nói riêng. 
NNCĐDC hầu hết là những người nghèo khó, bệnh tật, chịu nhiều đau khổ, mất mát, là những người yếu thế trong xã hội, rất cần được bảo vệ, giúp đỡ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, mỗi tổ chức hội cần nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NNCĐDC, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

  Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh
                          Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...