• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Phục hồi rừng sau chiến tranh hóa học ở Việt Nam

Phục hồi rừng sau chiến tranh hóa học ở Việt Nam

Một đoạn đường Trường Sơn trước (ảnh trái) và sau khi Mỹ rải chất độc hóa học "khai quang"

Có 2 con đường phục hồi rừng sau chiến tranh hóa học là phục hồi rừng tự nhiên và phục hồi rừng nhân tạo.

Cụ thể, phục hồi rừng tự nhiên: nhằm lợi dụng cây tái sinh tự nhiên có sẵn trong rừng, chăm sóc nuôi dưỡng dần dần lớn lên góp phần phục hồi rừng. Phương thức này chỉ áp dụng ở nơi bị ảnh hưởng nhẹ của chất độc hóa học, còn có tán rừng, có cây mẹ. Tuy nhiên đòi hỏi thời gian dài nhưng ít tốn kém.

Đối với phục hồi rừng nhân tạo: Trồng lại rừng là cách phục hồi nhanh nhất áp dụng chủ yếu những nơi bị rải nặng nề, hiện trạng có ưu thế là cỏ Mỹ, cỏ tranh, lau chít, chè vè, không có cây gỗ tái sinh, khả năng tự phục hồi rất khó khăn. Đòi hỏi đầu tư kinh phí và công sức lớn.

Về nguyên tắc chọn loại cây trồng rừng phù hợp trên vùng đất bị hủy hoại phải phù hợp với điều kiện khí hậu (để cây sống) và thích nghi với điều kiện lập địa đất đai (quyết định sức sinh trưởng hay năng suất cây trồng). Nguyên tắc này là cơ sở quan trọng nhất hình thành nên các kiểu rừng tự nhiên và cơ sở chọn cây trồng rừng. Ngoài ra chú ý tới loại cây rừng sinh trưởng nhanh, có khả năng cải tạo đất, sản phẩm đem lại lợi ích kinh tế cho người lao động, có nguồn giống và kỹ thuật không phức tạp.

Đối tượng lựa chọn: là các loài cây gỗ để sau khi trồng sẽ tạo thành rừng.

Mục tiêu lựa chọn: Phục hồi sinh thái rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc tại các vùng do chiến tranh tàn phá trước đây; Trồng rừng lấy gỗ, lâm sản ngoài gỗ.

Với hai mục tiêu trên, chỉ tập trung vào những cây thân gỗ trồng thành quần thể rừng (có chiều cao >5m, có khả năng hình thành tầng tán...) nhằm từng bước phục hồi tiểu khí hậu, đất đai và các quần thể sinh vật (thực vật, động vật, vi sinh vật...).

Chi phí trồng rừng cho 1 ha (trồng năm 2002). Nếu trồng rừng thâm canh có bón phân trên 10 triệu đồng/ha. Mô hình: Keo lá tràm. Mật độ trồng: 2000 cây/ha 5-7 triệu đồng/ha.Trồng cây bản địa khoảng 13-15 triệu đồng/ha.

Chi phí cho công tác trồng rừng trên vùng bị rải chất độc hóa học phụ thuộc vào mục đích trồng rừng, điều kiện tự nhiên, loài cây trồng và kỹ thuật trồng và thời giá.

Tuy nhiên, việc trồng rừng trên vùng đất bị rải chất độc hóa học cũng gặp một số khó khăn như: Hiện trường rộng, còn nhiều tàn dư của chiến tranh như bom, đạn chưa nổ, các hóa chất độc... do đó xử lý thực bì khó khăn ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động. Ngoài ra việc lựa chọn loài cây trồng phù hợp cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Được biết, trong chiến tranh ở Việt Nam chất độc hóa học đã làm hàng trăm loài cây rừng bị chết bao gồm các đại diện chính sau: cây Đước (Rhizophora apiculata), Vẹt đen (Bruguiera sexangula), Bần chua (Sonneratia caseolaris)... của rừng ngập mặn. Một số loài trong rừng nội địa như sến mủ (Shorea cochinchinensis), Chai (Shorea thorelii), Kiền kiền (Hopea pierrei), Thông nàng (Podocarpus imbricatus). Chỉ có một số ít loài cây có khả năng chống chịu được với chất độc điển hình như: cây Kơnia (Irvingia malayana), cây Cám (Parinari annamensis)…

Nguồn: Cổng TTĐT Quảng Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác