Các NNCĐDC huyện Bố Trạch đến Trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Quảng Bình để thực hiện các liệu pháp tiêu độc
Bước đầu, tỉnh Quảng Bình đã lập danh sách 250 NNCĐDC, phấn đấu trong năm tổ chức tiêu độc cho khoảng 250 đến 300 NNCĐDC và sẽ tổ chức thành 10 đợt. Đợt đầu tiên năm 2024, Hội tổ chức cho 20 NNCĐDC ở huyện Quảng Ninh, trước đó chọn 25 người, nhưng do các cụ quá tuổi, không đảm bảo sức khỏe bởi khi vào thực hiện các công đoạn tiêu độc như xông hơi, tẩy độc, thể dục, vận động thân thể phục hồi chức năng phải đảm bảo sức khỏe chịu đựng được... Theo Đại tá Nguyễn Quốc Trị, độ tuổi đến Trung tâm tiêu độc đợt này bình quân là 70 tuổi.
Khác với mọi năm, việc tổ chức đến Trung tâm phục hồi chức năng để tiêu độc được phân chia cho từng địa phương. Ngân sách cho công tác này được huy động ở cả 3 cấp, huyện, xã và Hội tỉnh, như vậy, huyện hỗ trợ một phần ngân sách còn ở tỉnh là Quỹ da cam tỉnh.
Các NNCĐDC trong phòng xông hơi tiêu độc
Ngày 20/3 tới đây sẽ có đợt tẩy độc cho NNCĐDC huyện Bố Trạch, đây là địa phương có đông NNCĐDC nhất, hơn 1.000 người và phải chia làm 3 đợt; tiêu chuẩn ăn mỗi người vào tiêu độc được hưởng 150.000đ người/ngày, trước đó là 120.000đ, bởi không chỉ tiêu, giải độc mà còn phải bồi dưỡng sức khỏe cho nạn nhân.
Năm nay Quảng Bình chia làm 10 đợt, cho 8 địa phương, hai huyện có hơn 1.000 nạn nhân là Lệ Thủy và Bố Trạch, phải tổ chức 2 đến 3 đợt. Hiện tỉnh đã phân danh sách cho các huyện, riêng từ nay đến 30/4 sẽ tổ chức làm 4 đợt; ngày 20/3 này cho Bố Trạch, tuần đầu tháng 4 sẽ tổ chức cho nạn nhân ở thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội tỉnh Quảng Bình, cho biết: Toàn tỉnh còn gần 6.000 NNCĐDC và Trung tâm Bán trú chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC là địa chỉ điểm tựa cho NNCĐDC, góp phần giúp các nạn nhân phục hồi chức năng hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm được xây dựng năm 2014, với tổng trị giá đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, bao gồm các trang thiết bị máy móc phục hồi chức năng và các phòng điều trị chức năng chuyên biệt; chính thức đi vào hoạt động, đón nhận trung bình từ 200-300 nạn nhân đến điều trị và phục hồi chức năng. Trung tâm được bố trí 6 cán bộ, nhân viên, trong đó có bác sĩ, y sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên hỗ trợ chăm sóc cho NNCĐDC trong suốt thời gian đến tiêu độc.
Trung tâm Phục hồi chức năng dành cho NNCĐDC tỉnh Quảng Bình có 3 buồng xông hơi cùng các thiết bị bổ trợ hiện đại gồm: Máy phục hồi chức năng, bấm huyệt, máy siêu âm, máy kéo cột sống
Với những thành tích trong nhiều năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể và cá nhân của Hội được Trung ương Hội và tỉnh tặng bằng khen.
Quốc Khánh
Bình luận