• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Quảng Trị làm tốt công tác an sinh xã hội

Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao Bằng khen các đối tượng làm tốt công tác xã hội

Quảng Trị là mảnh đất chứng kiến nhiều đau thương, mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ, thống nhất Tổ quốc. Thời gian qua, xác định công tác an sinh xã hội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nên tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Theo thống kê, Quảng Trị có trên 140.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận; trong đó, có hơn 19.170 liệt sĩ, 12.125 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.833 Mẹ Việt Nam anh hùng... Tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 18.500 người có công và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền chi trả gần 32 tỉ đồng/tháng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 47.359 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng trên 25 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng suốt đời và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định. Nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực xã hội từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội khác ngày càng lớn, vì thế đời sống vật chất, tinh thần của người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.

Bên cạnh việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước, tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế như: miễn giảm tiền sử dụng đất, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế... Từ những kết quả đạt được, có thể thấy công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, "Quảng Trị vinh dự được thay mặt cả nước chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đang an nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Đến nay, hệ thống các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Vào các dịp lễ, Tết, tất cả các phần mộ liệt sĩ trong toàn tỉnh đều được chăm sóc, khói hương chu đáo, thành kính, ấm cúng".

 Để tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hằng năm tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động như: Lễ hội "Thống nhất non sông", chương trình "Hoa dâng mộ liệt sĩ", các hoạt động tri ân Tháng 7, "Đêm hoa đăng" thả hoa đăng tưởng niệm liệt sĩ trên sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị)... đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và nhân dân trong cả nước đến tưởng niệm, ôn lại truyền thống yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thống kê, đến nay, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn. Nhờ đó, nhà ở của nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế đã được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần dần ổn định. Tuy nhiên hiện nay, còn số lượng khá lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ, nhất là khu vực miền núi, nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển. Qua rà soát, toàn tỉnh có 4.398 hộ nghèo và hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, trong đó có 3.152 hộ nghèo thiếu hụt gay gắt về nhà ở. Để góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phân nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo các chiều thiếu hụt, nhu cầu trợ giúp để xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ; tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm dần chính sách cho không, lấy sự phát triển của người nghèo, cộng đồng nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo; kết nối giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vùng nghèo, vùng khó khăn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cơ bản, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng trẻ em và một số hoạt động phù hợp khác.

Huyện Vĩnh Linh tuyến đầu tỉnh Quảng Trị ghi dấu một thời hào hùng về hầm hào trong chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương do bom đạn và chất độc hóa học (CĐHH) mà kẻ thù trút xuống mảnh đất Quảng Trị vẫn chưa thể nguôi ngoai. Theo đó toàn tỉnh có 9.016 nạn nhân da cam, trong đó 5.278 người có công và 3.838 người là dân thường. Biết bao gia đình đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, giờ hòa bình lại phải nuốt lệ chăm sóc những người con bị dị tật, biết bao em nhỏ không được đến trường, gắn cuộc đời và tương lai trên những chiếc xe lăn… do ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Vì thế, hành trình khắc phục hậu quả do chất độc này để lại trên mảnh đất Quảng Trị nhiều năm qua rất khó khăn, vất vả nhưng đây cũng là hành trình xuyên suốt, không ngừng nghỉ để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Cho đến nay, chưa ai tính được chính xác khối lượng TCDD (một loại cực độc của dioxin) được rải xuống và diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi các loại chất độc dùng trong quân sự ở miền Nam Việt Nam. Theo nhìn nhận ban đầu và kết quả phân tích khu vực có băng rải thì diện tích bị nhiễm CĐHH ở Quảng Trị chủ yếu thuộc địa bàn các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, vùng phía Tây các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong. Là một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả chất độc da cam để lại, trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

  Thái Lương Sơn

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác